Chủ Nhật | 30/09/2012 10:02

Những ứng viên sáng giá trong chính quyền mới của Trung Quốc

Quá trình chuyển giao quyền lực thường diễn ra 10 năm một lần của Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm của toàn thể thế giới.
Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục đưa tin, sau đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 tới, số thành viên của Ban thường vụ bộ chính trị sẽ được rút từ 9 người xuống còn 7 người.

Từ đầu năm, chính trường Trung Quốc đã nổ ra rất nhiều bê bối, mà mở màn chính là vụ Bạc Hy Lai – cựu bí thư Trùng Khánh phải từ chức trong khi trước đó ông Bạc vốn là người chắc chắn sẽ nắm một ghế trong bộ chính trị.

Các thành viên của bộ chính trị sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đường lối kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc. Do 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời khỏi chính trường vào kỳ đại hội này, cho nên chắc chắn bộ chính trị sẽ có một bộ mặt mới và cả thế giới đều đang quan tâm đến điều này.

Dưới đây là danh sách 16 ứng viên sáng giá có nhiều khả năng lọt vào thế hệ lãnh đạo mới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

1. Tập Cận Bình

Tập Cận Bình hiện giữ chức phó chủ tịch nước Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình hiện giữ chức phó chủ tịch nước Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Ông Tập Cận Bình được bầu vào bộ chính trị trong đại hội Đảng năm 2007 và hiện đang giữ chức ủy viên thường vụ bộ chính trị, phó chủ tịch quân ủy trung ương, bí thư ban bí thư trung ương, hiệu trưởng trường đảng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời là phó chủ tịch Trung Quốc. Ông được cho là sẽ giữ chức chủ tịch Trung Quốc trong kỳ đại hội lần này.

Tiểu sử

Tập Cận Bình, sinh ngày 1/6/1953 tại Bắc Kinh là con trai cựu phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông Tập Trọng Huân là người giám sát việc xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc trong những năm 1980 khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình mở ra hướng phát triển vùng duyên hải Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình được gửi về nông thôn trong một cuộc cách mạng văn hóa và sống ở đó suốt 6 năm. Sau đó, ông trở lại Bắc Kinh và theo học ngành kỹ sư hóa chất tại Đại học Thanh Hoa. Ông cũng có bằng tiến sĩ chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục tư tưởng chính trị tại Đại học Thanh Hoa.

Ông Tập sẽ mãn nhiệm chức bí thư ban bí thư trung ương vào tháng 10 năm nay và dự kiến sẽ là người đứng đầu nhà nước vào tháng 3/2013.

Ông Tập Cận Bình đã từng kết hôn với con gái của một đại sứ Trung Quốc ở Anh và đầu những năm 1980 ông làm trợ lý cá nhân trong một thời gian ngắn cho một người bạn thân của cha ông, sau này trở thành bộ trưởng quốc phòng. Hiện tại, phu nhân của ông là Bành Lệ Viện, một ca sĩ nổi tiếng đồng thời mang hàm thiếu tướng của lực lượng văn công quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Hai ông bà có một con gái là Tập Minh Trạch đang học tại Đại học Harvard.

Ưu tiên về chính sách

Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của khu vực tư nhân. Ông cũng muốn đẩy mạnh tự do hóa thị trường đối với mảng đầu tư nước ngoài đồng thời muốn phát triển Thượng Hải thành 1 trung tâm tài chính và thương mại.
2. Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường hiện đang giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc
Ông Lý Khắc Cường hiện đang giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Ông Lý Khắc Cường hiện đang giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc, đồng thời là ủy viên bộ chính trị ương ương đảng Cộng sản và nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng thay cho ông Ôn Gia Bảo vào tháng 3/2013.

Tiểu sử
Không giống như nhiều lãnh đạo Trung Quốc khác, Lý Khắc Cường sinh ra trong một gia đình ít có thân thế hơn. Sinh năm 1955 ở tỉnh An Huy, ông được cử đến làm việc tại một vùng nông thôn 2 năm trong suốt cuộc cách mạng văn hóa. Năm 1978, ông là một trong những sinh viên đầu tiên của đại học luật Bắc Kinh, nơi ông giữ chức thư ký ủy ban đoàn thanh niên cộng sản. Ông có bằng cử nhân luật và bằng tiến sĩ kinh tế của trường đại học này.

Ông Lý là đồng minh thân cận của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người muốn bổ nhiệm ông làm người kế nhiệm vào năm 2007 nhưng không thành công. Một số nhà cải cách tự do bày tỏ hy vọng rằng ông Lý có thể sẽ là động thực cho sự chuyển đổi chính trị ở Trung Quốc.

Năm 1998, ở tuổi 43, ông Lý đã trở thành chủ tịch trẻ nhất của tỉnh Hà Nam, tỉnh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc với khoảng 90 triệu dân. .

Ưu tiên về chính sách

Lý Khắc Cường chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các chương trình chăm sóc sức khỏe cơ bản và phúc lợi xã hội. Ông cũng ủng hộ phát triển năng lượng sạch.
3. Trương Đức Giang

Ông Trương Đức Giang là phó thủ tướng phụ trách công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng của Trung Quốc
Ông Trương Đức Giang là phó thủ tướng phụ trách công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng của Trung Quốc
Vị trí hiện tại

Ông Trương Đức Giang là thành viên của bộ chính trị đồng thời cũng là phó thủ tướng phụ trách công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng của Trung Quốc. Ông được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu để trở thành thành viên Ban thường vụ bộ chính trị trong Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Tiểu sử

Sinh năm 1946 tại tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, ông Trương Đức Giang được gửi về nông thôn 2 năm trong cuộc cách mạng văn hóa để sống quần chúng nhân dân, mặc dù cha ông là một vị tướng trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông Trương theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Kim iI-sung ở Triều Tiên.

Được coi là thành viên của nhóm ủng hộ cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, ông Trương Đức Giang đã thay thế Bạc Hy Lai trở thành bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh vào tháng 3/2012, sau khi ông Bạc buộc phải từ chức do liên quan vụ vợ ông là bà Cốc Khai Lai sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood .

Là bí thư của tỉnh Quảng Đông vào năm 2003, ông Trương đã bị chỉ trích rất nhiều do phản ứng chậm chạp của chính quyền trong việc giải quyết nạn dịch SARS.
Ưu tiên về chính sách

Ông Trương Đức Giang được xem là người ủng hộ việc phát triển doanh nghiệp nhà nước độc quyền, thận trọng trước xu hướng các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài hiện đang nắm giữ vai trò quá lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Ông cũng là người khuyến khích “Chiến lược toàn cầu hóa”và “sáng tạo bản địa” của Trung Quốc.

4. Lưu Vân Sơn

Ông Lưu Vân Sơn hiện là trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Lưu Vân Sơn hiện là trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Ông Lưu Vân Sơn, 65 tuổi hiện là ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tiểu sử

Ông Lưu Vân Sơn tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm và sau đó theo học tại trường đảng trung ương. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với vị trí là một giáo viên sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền và phóng viên Tân Hoa xã ở khu tự trị Nội Mông.

Là thành viên bộ chính trị trong 2 nhiệm kỳ, ông Lưu được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Ban thường vụ bộ chính trị trong đại hội lần này. Tuy nhiên, nếu số lượng thành viên của Ban thường vụ bị giảm từ 9 xuống 7 người thì khả năng để ông trở thành thành viên của ủy ban này có thể sẽ gặp khó khăn.

Ông Lưu chỉ phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa bởi ông đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2017 khi diễn ra Đại hội đảng tiếp theo của Trung Quốc.

Ưu tiên về chính sách

Lưu Vân Sơn muốn thúc đẩy việc kiểm soát các phương tiện truyền thông và internet một cách nghiêm ngặt hơn đồng thời ông cũng muốn mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc ở nước ngoài.

5. Uông Dương

Ông Uông Dương là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông
Ông Uông Dương là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông

Vị trí hiện tại

Ông Uông Dương, 58 tuổi hiện là ủy viên bộ chính trị và là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, tỉnh miền nam đông dân nhất Trung Quốc.
Tiểu sử

Sinh năm 1955 tại thành phố Tô Châu (tỉnh An Huy), ông Uông Dương bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách làm công nhân trong một nhà máy chế biến thực phẩm tại quê hương của mình. Điều này giải thích tại sao ông có sự đồng cảm nhiều hơn đối với công nhân của các nhà máy và việc những người nông dân phản đối chính sách thu hồi đất đai so với các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Trong những năm cầm quyền ở tỉnh Quảng Đông, ông Uông đã giải quyết khéo léo làn sóng các cuộc đình công của các công nhân vào năm 2010 và vụ bạo động kéo dài 11 ngày liên quan đến việc hàng ngàn người dân phản đối thu hồi đất đai ở làng Ô Khảm. Đồng thời, trong nhiệm kỳ làm việc của mình, ông Uông Dương cũng cho thi hành nhiều biện pháp đổi mới trong quản lý hành chính.

Ông Uông là người cùng phe phái với Lý Khắc Cường. Trước đây, Uông Dương và Bạc Hy Lai được coi là 2 chuẩn mực đối lập bởi phương thức lãnh đạo của 2 người hoàn toàn trái ngược nhau.
Ưu tiên về chính sách

Uông Dương chú trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khuyến khích đẩy mạnh dân chủ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như minh bạch trong các phương tiện thông tin đại chúng và muốn cải cách các vấn đề chính trị liên quan đến biên giới.

6. Lý Nguyên Triều

Ông Lý Nguyên Triều dự kiến sẽ trở thành người đứng đầu Ủy ban kỉ luật trung ương của Trung Quốc
Ông Lý Nguyên Triều dự kiến sẽ trở thành người đứng đầu Ủy ban kỉ luật trung ương của Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Ông Lý Nguyên Triều được đánh giá là một trong những quan chức quyền lực nhất trong vai trò trưởng ban tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ủy ban kiểm soát tất cả các cơ quan nhà nước. Theo dự kiến, ông sẽ trở thành người đứng đầu Ủy ban kỉ luật trung ương của Trung Quốc.
Tiểu sử

Lý Nguyên Triều sinh năm 1950 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc là con của phó thị trưởng thành phố Thượng Hải. Ông đã có bằng tiến sĩ về pháp luật và theo học ngành hành chính công tại đại học Havard trong một thời gian ngắn.

Lý Nguyên Triều từng là người lãnh đạo Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc và là người cùng phe phái với Lý Khắc Cường. Theo dự đoán, Lý Nguyên Triều sẽ không gặp phải khó khăn gì để có mặt trong Bộ chính trị trong kỳ đại hội lần này.

Ưu tiên về chính sách

Lý Nguyên Triều chú trọng vào cải cách chính trị, đặc biệt ông muốn nâng cao tính dân chủ trong đảng và thực hiện các biện pháp nghiêm khác để xóa bỏ nạn tham nhũng. Ông cũng muốn thu hút và trọng dụng những người Trung Quốc được giáo dục ở nước ngoài.

7. Vương Hộ Ninh

Ông Vương Hộ Ninh là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí phụ trách các vấn đề về chính sách đối ngoại hoặc pháp lý
Ông Vương Hộ Ninh là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí phụ trách các vấn đề về chính sách đối ngoại hoặc pháp lý

Vị trí hiện tại

Ông Vương Hộ Ninh, 57 tuổi hiện đang là chủ nhiệm Ban nghiên cứu chính sách Trung ương thuộc Ban bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông được đánh giá là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí phụ trách các vấn đề về chính sách đối ngoại hoặc pháp lý.

Tiểu sử

Ông Vương Hộ Ninh sinh ra ở Thượng Hải và gia nhập vào đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1984. Ông có bằng thạc sỹ luật ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải và là một giáo sư đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu. Ông Vương thông thạo tiếng Pháp và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Lowa, Mỹ vào năm 1988-1989.

Ưu tiên về chính sách

Ông Vương Hộ Ninh ủng hộ hệ thống pháp lý độc lập và các nhà phân tích hy vọng rằng ông sẽ thúc đẩy cải cách về hệ thống chính trị và pháp lý. Đồng thời, dù thiếu kinh nghiệm nhưng nhiều người hy vọng ông Vương có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới ở Trung Quốc trong lĩnh vực cải cách pháp luật hoặc chính sách đối ngoại.
8. Quách Kim Long

Ông Quách Kim Long hiện đang giữ chức bí thư thành ủy Bắc Kinh
Ông Quách Kim Long hiện đang giữ chức bí thư thành ủy Bắc Kinh

Vị trí hiện tại

Ông Quách Kim Long, 65 tuổi hiện đang giữ chức bí thư thành ủy Bắc Kinh.
Tiểu sử

Ông Quách Kim Long là người gốc Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Sau gần 10 năm tốt nghiệp khoa vật lý tại trường Đại học Nam Kinh, ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc và giữ nhiều chức vụ khác nhau ở tỉnh Tứ Xuyên.

Ông Quách giữ chức bí thư đảng uy khu tự trị Tây Tạng trong giai đoạn 2000-2004, trước khi về làm bí thư tỉnh miền đông An Huy từ năm 2004-2007.

Sự nghiệp chính trị tại Bắc Kinh của ông Quách bắt đầu từ tháng 11/2007 khi ông được bổ nhiệm làm quyền thị trưởng thành phố và phó bí thư thành ủy Bắc Kinh.

Ông Quách Kim Long được coi là cộng sự thân cận của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dựa trên những kinh nghiệm về việc phục vụ ở Tây Tạng và lợi ích chung trong các chính sách xã hội bao gồm y tế và bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng giữ chức bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng khi nơi này đang xảy ra hỗn loạn vào năm 1988.

Việc ông Quách Kim Long được bầu làm bí thư tỉnh ủy Bắc Kinh cách đây 2 tháng được xem là dấu hiệu cho thấy có thể ông sẽ giành được một ghế trong bộ chính trị. Tuy nhiên, nếu được bổ nhiệm, ông Quách chỉ có thể phục vụ một nhiệm kỳ nữa bởi ông sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2017 khi diễn ra Đại hội đảng tiếp theo của Trung Quốc.