Thứ Năm | 13/09/2012 13:42

Những trở ngại chính đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác  động của khủng hoảng tài chính 2007-2008 và chưa thể  khôi phục tăng trưởng như thập kỷ trước.
Những tiến bộ về mặt kinh tế và xã hội ở thế giới đang phát triển, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển lớn hơn, từng giúp khôi phục nền kinh tế toàn cầu hiện đã bị chững lại, trong khi những rủi ro cùng với tình trạng mất đi động lực tăng trưởng lại đang gia tăng.

Khó khăn nữa là vấn đề các nước phát triển vẫn chưa thể trở lại mô hình tăng trưởng bình thường khi mà hiệu ứng lây lan những căn bệnh nghiêm trọng vẫn còn đó.

Báo cáo thương mại và phát triển của UNCTAD cho thấy kể từ cuối năm 2011, nền kinh tế thế giới đã bị yếu đi đáng kể và đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro trong nửa đầu năm 2012. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, sau khi nhích lên trong năm 2011, dự kiến sẽ lại giảm đi trong năm nay xuống còn khoảng 2,5%.

Mặc dù đã có những cải thiện rất khiêm tốn trong tăng trưởng GDP của Mỹ và những tiến bộ đáng kể ở Nhật Bản, song toàn bộ các nền kinh tế phát triển ước tính chỉ tăng trưởng hơn 1% trong năm 2012 do tình trạng suy thoái ở Liên minh châu Âu.

Sự suy thoái này chĩa mũi nhọn vào eurozone, nơi mà các nhà cầm quyền cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết sự mất cân bằng nội bộ và núi nợ công.

Trở ngại chủ yếu đối với sự phục hồi toàn cầu cũng như việc tái cân bằng đang tập trung vào các nước phát triển. Trong số những nước này, Mỹ tiếp tục bị mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất song mức thâm hụt này đã giảm xuống còn khoảng 3% năm 2009 nhờ việc giảm đáng kể lượng hàng nhập khẩu.

Kể từ đó đến nay, mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ khá ổn định, song tốc độ tăng nhu cầu trong nước vẫn dậm chân tại chỗ. Hơn thế nữa, rủi ro chính ở phía trước là khả năng thắt chặt tài chính quá mức và quá sớm vào đầu năm 2013 và điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng nói chung.

Những diễn biến trong hệ thống tài chính của khu vực đồng euro khiến cho sự phục hồi chậm chạp của Mỹ dễ bị tổn thương. Châu Âu nhìn chung vẫn đang trên bờ vực suy thoái sâu với kinh tế của một số nước thành viên tiếp tục suy giảm trong một vài năm nữa. Những nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay bằng chính sách tài chính khắc khổ cùng với các thị trường lao động linh hoạt trên thực tế đang làm yếu đi động lực tăng trưởng và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Các chính sách cải cách cơ cấu ở thế giới đang phát triển trong những năm qua sẽ làm gia tăng xu hướng mất cân bằng, đe dọa đến quá trình toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu diễn ra khi tình hình tài chính công của những nước này tồi tệ đi kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến lãi suất tăng vọt ở một số nước. Tuy nhiên, tình hình tài chính công ở hầu hết các nước trong eurozone lại ít gay cấn hơn ở một số nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản, Anh và Mỹ - những nước mà hiện lãi suất trái phiếu đang ở mức thấp lịch sử. Nhìn chung ở các nước phát triển, tình hình tài chính công xấu đi chủ yếu là do các gói cứu trợ để giúp các cơ sở tài chính sau cú sốc tài chính vào cuối năm 2008.

Song mức thâm hụt tài chính gia tăng ở châu Âu hiện là triệu chứng chứ không phải nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ công. Việc trói buộc vào lãi suất dài hạn trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) làm tăng thêm sự khác biệt về giá cả và mức lương khiến gia tăng tình trạng mất cân bằng thương mại khu vực giữa các nước thành viên, trong khi công cụ để giải quyết tình trạng này là cơ chế thay đổi về tỷ giá hối đoái lại không thực hiện được.

Trong khi các nước phát triển loay hoay để phục hồi, thì tăng trưởng ở các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển trong năm nay dự kiến vẫn tương đối cao lần lượt ở các mức 4% và 5% theo thứ tự. Điều này nhờ việc hầu hết các nước đang phát triển đều cố gắng lấy lại những gì đã mất do khủng hoảng thông qua việc áp dụng các chính sách thúc đẩy nội nhu. Tiêu dùng tư nhân và tốc độ tăng lương đã đóng vai trò quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.

Tại châu Á, tuy vẫn là khu vực năng động nhất nhưng châu lục này đang phải trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại với GDP dự kiến giảm nhẹ từ 6,8% năm 2011 xuống 6% năm 2012. Một vài nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã phải chịu tác động tiêu cực do nhu cầu yếu hơn từ các nước phát triển cũng như việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2011 để ngăn chặn đà lạm phát và việc tăng giá các tài sản cố định.

Cho đến nay, một số nước đã nới lỏng các chính sách tiền tệ và đưa ra một số biện pháp linh hoạt trước những biến động của tình hình kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng của châu lục này dựa trên việc tiếp tục mở rộng thu nhập của các hộ gia đình và sự chuyển hướng từ nhu cầu bên ngoài sang nhu cầu trong nước, cũng như tỷ lệ đầu tư cao.

Tuy nhiên, vấn đề còn nghiêm trọng hơn đối với sự phục hồi toàn cầu là mức độ phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào xuất khẩu. Thặng dư với các nước bên ngoài của Đức tuy chỉ ít hơn chút ít so với mức trước khủng hoảng, song hầu hết mức thặng dư của Đức lại nhờ vào mức thâm hụt của các nước còn lại của châu Âu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đang diễn ra làm giảm thu nhập và nhập khẩu vì hầu hết các nước châu Âu đang nỗ lực tìm cách cải thiện khả năng cạnh tranh và toàn khu vực đều cố gắng xuất khẩu để thoát khỏi khủng hoảng. Điều này có thể kéo thụt lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu nói chung và làm tồi tệ hơn viễn cảnh của nhiều nước đang phát triển.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã được ghi nhận ở một số khu vực phát triển và lác đác ở một vài nước phát triển, song đòn bẩy trong khu vực tư nhân đang yếu đi, tỷ lệ thất nghiệp cao làm lan rộng tâm lý bất an trong các hộ gia đình, trong khi chính phủ các nước lại đang nỗ lực củng cố ngân sách ốm yếu của họ.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, ngay cả giới lãnh đạo trong nhóm G20, đều thiếu các ý tưởng rõ ràng để làm sao có thể vượt qua được đám mây u ám bao phủ nền kinh tế thế giới nhằm đưa tất cả các nước tiến bước trên con đường tăng trưởng bền vững hơn.

Do đó, sự cần thiết là phải có được chính sách định hướng cơ bản, mở rộng đầu tư và tiêu dùng dựa trên khả năng gia tăng thu nhập của người lao động, thúc đẩy nhu cầu tích cực của các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải cân nhắc kỹ các nguyên tắc dựa trên mô hình chính sách kinh tế quốc gia và thỏa thuận của các thể chế quốc tế.

Đặc biệt, trong tiến trình toàn cầu hóa và những thay đổi về mặt công nghệ tạo ra sự mất cân đối trong phân phối về thu nhập ở nhiều nước. Những tác động tiêu cực đó cần phải được tìm hiểu rõ trước khi đưa ra các chính sách về kinh tế vĩ mô, tài chính và thị trường lao động. Những chính sách này có thể làm tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng và đứng ở mức cao, tốc độ tăng lương không theo kịp với tốc độ tăng năng suất lao động, sự phân phối thu nhập chỉ có lợi cho những người rất giàu trong khi tước đoạt phương tiện cải thiện mức sống của người nghèo và tầng lớp trung lưu.

Ngược lại, nếu có được các chính sách đối nội và đối ngoại thích hợp, cân nhắc được tầm quan trọng của việc tích lũy vốn, thay đổi cơ cấu, tính năng động của tăng trưởng thì số việc làm mới sẽ được tạo ra, trong khi tình trạng mất cân bằng được giảm xuống và mức độ ổn định kinh tế - xã hội được đảm bảo.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện