Vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu một trận động đất 9 độ richter, mạnh đến mức khiến Trái đất lệch khỏi trục. Ảnh: Kyodo News.
Những trận động đất kinh hoàng nhất trong thế kỷ XXI
Tính đến ngày 12/2, số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt 34.000, theo đài CNN, và ít nhất 78.124 người bị thương ở cả hai quốc gia. Với con số thương vong quá lớn, trận động đất 7,8 độ xảy ra hôm 5/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã trở thành một trong 10 trận động đất kinh hoàng nhất thế kỷ XXI.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát của một tòa nhà ở Jindayris, Syria vào ngày 9/2. Ảnh: Getty Images. |
Dưới đây là một số trận động đất khác đã để lại thiệt hại to lớn về người và của trong thế kỷ XXI.
Indonesia (2004): Vào ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi bờ biển Sumatra, Indonesia đã gây ra sóng thần khổng lồ trên khắp Ấn Độ Dương, làm hơn 230.000 người trên khắp 14 quốc gia trong khu vực thiệt mạng. Sóng cao tới 30m đánh vào bờ biển Sumatra và quần đảo Nicobar, 30 phút sau cơn chấn động, trước khi đến Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan. Riêng Indonesia có hơn 160.000 người thiệt mạng, 500.000 người mất nhà cửa và 800 km bờ biển đã bị phá hủy trên khắp quốc đảo.
Trận động đất mạnh 9,1 độ Richter xảy ra vào sáng ngày 26/12/2004 ở ngoài khơi Indonesia, đẩy hàng triệu tấn nước biển di chuyển về phía bờ với một tốc độ khủng khiếp. Tỉnh Aceh của Indonesia, nơi gần tâm chấn, bị tàn phá nặng nề nhất. Ảnh: Dave Roos. |
Haiti (2010): Trận động đất mạnh 7 độ vào ngày 12/1/2010 đã tàn phá thủ đô Port-au-Prince, Haiti và khu vực xung quanh. Thiệt hại vật chất do cơn địa chấn gây ra lên đến 8-14 tỉ USD. Theo chính quyền Haiti, hơn 217.000 người thiệt mạng trong trận động đất, tương đương 2,4% của dân số 9 triệu người. Con số 14 tỉ USD bao gồm chi phí tái thiết nhà cửa, trường học, đường phố, và các hạ tầng khác của Haiti sau trận động đất ngày 12/1.
Mái vòm trung tâm của Cung điện Quốc gia Haiti sụp đổ sau trận động đất 7 độ richter tại Port-au-Prince vào ngày 12/1/2010. Ảnh: AP. |
Tứ Xuyên (2008): Hơn 87.000 người, trong đó có 5.335 học sinh, đã thiệt mạng hoặc mất tích, và gần 5 triệu người mất nhà cửa ở Trung Quốc khi trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 12/5/2008. Hầu hết các cư dân còn sống sót đã rời bỏ khu vực đổ nát ở huyện Bắc Xuyên, nơi từng là trung tâm trận địa chấn để xây dựng một cuộc sống mới, để lại đống hoang tàn như một phế tích cổ…
Tàn dư từ trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, năm 2008, nơi hàng chục nghìn người thiệt mạng. Ảnh: Stuart Isett. |
Iran (2003): Một trận động đất mạnh 6,6 độ richter vào ngày 26/12/2003 ở tỉnh Kerman nằm ngay gần thành phố cổ kính Bam, nơi có những công trình kiến trúc độc nhất vô nhị hàng nghìn năm tuổi, đã khiến hơn 31.000 người thiệt mạng. Ngoài thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng, trận động đất lịch sử này còn là một thảm họa đối với văn hóa nhân loại.
Thành Bam trước và sau trận động đất năm 2003. |
Nhật Bản (2011): Vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu một trận động đất 9 độ richter, mạnh đến mức khiến Trái đất lệch khỏi trục, gây ra cơn sóng thần quét qua đảo Honshu, khiến gần 20.000 thiệt mạng hoặc mất tích và xóa sổ nhiều thị trấn.
Những ngôi nhà bị sóng thần cuốn trôi ở thành phố Natori, đông bắc Nhật Bản, 11/03/2011. |
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở tỉnh Fukushima, cơn sóng khổng lồ đã tràn qua các hệ thống bảo vệ và làm ngập các lò phản ứng, gây ra thảm họa nghiêm trọng. Thảm họa đã làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, buộc hơn 160.000 cư dân phải sơ tán theo lệnh hoặc tự nguyện vì rò rỉ phóng xạ trong không khí, theo Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ (2023): Tính đến ngày 12/2, số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt 34.000, theo đài CNN. Vào ngày 5/2 một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sinh sống của khoảng hai triệu người.
Mọi người chờ đợi tin tức về người thân đang mắc kẹt dưới tòa nhà bị sập ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 9/2. Ảnh: Getty Images. |
Tiếp theo là một trận động đất nhỏ hơn một chút với cường độ 7,5 độ richter và nhiều dư chấn, trận động đất đã tàn phá toàn bộ khu vực của các thành phố lớn ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc của Syria, hiện đang bị chiến tranh tàn phá.
Nepal (2015): Trận động đất mạnh 7,8 độ richter ngày 25/4 xảy ra ở miền trung Nepal đã khiến hơn 9.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, đồng thời biến hơn một trăm di tích thành đống đổ nát, bao gồm những ngôi đền và cung điện hoàng gia hàng thế kỷ ở thung lũng thủ đô Kathmandu.
Java (2006): Vào ngày 26/5, một trận động đất mạnh 6,3 độ richter làm rung chuyển bờ biển phía nam đảo Java của Indonesia. Trận động đất làm rung chuyển thành phố Yogyakarta ở Java khiến ít nhất 5.500 người thiệt mạng, phá hủy và làm hư hại 150.000 ngôi nhà. Cũng trong năm này, thêm một trận động đất xảy ra ở phía Nam Java gây ra cơn sóng thần tấn công khu vực bờ biển phía Nam khiến gần 700 người thiệt mạng.
Có thể bạn quan tâm:
Mỹ thừa nhận còn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng
Nguồn The Economic Times