Sự bùng nổ nhà ở của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1990, lan sang các khu vực đô thị như Nam Xương vào những năm 2000.Ảnh: NYTimes.
Những tòa nhà chọc trời "hiu hắt" ở Nam Xương
Những dãy nhà cao chót vót chen chúc bên bờ sông Gan là minh chứng cho sự bùng nổ bất động sản, từng biến Nam Xương, ở miền Đông Trung Quốc, từ một trung tâm sản xuất thô sơ thành một trung tâm đô thị hiện đại.
Giờ đây, những tòa nhà chọc trời đó là bằng chứng của một điều rất khác: khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc, vì xây dựng nhanh và nhiều hơn tốc độ gia tăng dân số.
Phương châm tăng trưởng bằng mọi giá
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển thịnh vượng trong 2 thập kỷ qua, Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, đã xây dựng các khu chung cư rộng lớn và các tòa tháp văn phòng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở và nơi làm việc. Thành phố theo đuổi việc mở rộng đô thị với phương châm tăng trưởng bằng mọi giá: “Tiến về phía Đông, kéo dài về phía Nam, mở rộng về phía Tây, hội nhập về phía Bắc và phát triển ở trung tâm”.
Gần 20% số nhà ở Nam Xương bị bỏ trống. Ảnh: NYTimes. |
Nam Xương là ví dụ điển hình về thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi cố gắng vực dậy nền kinh tế Trung Quốc. Trong thời kỳ suy thoái trước đây, Bắc Kinh đã chuyển sang chi tiêu cho bất động sản và cơ sở hạ tầng để khởi động lại nền kinh tế. Nhưng lần này, biện pháp đó không dễ.
Các chủ thầu đang gánh nợ, nhiều thành phố tràn ngập những ngôi nhà trống và tài chính địa phương cạn kiệt sau nhiều năm chi trả cho việc xét nghiệm COVID-19.
Trong năm 2022, chính quyền Trung Quốc và các địa phương đã tung ra nhiều biện pháp thu hút người mua nhà, thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ biện pháp kiểm soát dịch nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất đang quá nóng.
Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2022, đảo ngược đà trượt dốc kéo dài trong thời kỳ cao điểm dịch COVID-19. Tuy nhiên, đà phục hồi này đang dần suy yếu. Trong tháng 4, tốc độ tăng giá nhà ở tại nước này đã chậm lại.
Sự phục hồi cũng không diễn ra đồng đều. Giá nhà tăng mạnh trở lại ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong khi đó, tại các thành phố hạng 2 như Nam Xương, quá trình phục hồi trì trệ hơn.
Sự bùng nổ nhà ở của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1990 tại các thành phố lớn nhất, trước khi lan sang các khu vực đô thị nhỏ hơn như Nam Xương, vào những năm 2000. Năm 2000, Trung Quốc xây dựng khoảng 2 triệu căn hộ. Vào những năm 2010, quốc gia này đã xây dựng hơn 7 triệu căn hộ mỗi năm. Bất động sản nhanh chóng trở thành xương sống của nền kinh tế Trung Quốc.
Lĩnh vực này đã tạo ra việc làm, hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương thuê quyền sử dụng đất để xây dựng các tòa nhà mới và cung cấp một trong số ít các lựa chọn đầu tư đáng tin cậy cho người dân Trung Quốc muốn tích lũy của cải. Khi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào bất động sản, Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thẳng tay trừng phạt các công ty bất động sản nợ nần chồng chất và tuyên bố rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Ở những nơi như Nam Xương, số lượng công trình xây dựng nhiều hơn mức tăng dân số. Trong thập kỷ trước năm 2021, số lượng xây dựng nhà ở hằng năm trong thành phố tăng gần gấp đôi trong khi dân số chỉ tăng 25%.
Nam Xương có ngang số lượng tòa nhà cao hơn 200 mét, tức khoảng 60 tầng, với Bắc Kinh vào năm 2022. Tuy nhiên, dân số Bắc Kinh đông gấp 3 lần và là thành phố lớn thứ 2 trong nước, tính theo sản lượng kinh tế. Còn Nam Xương thì đứng thứ 36. Năm 2021, Công ty Bất động sản Thương mại JLL cho biết tỉ lệ văn phòng trống ở Nam Xương là 40%.
Dư luận tiêu cực
Theo truyền thống, nền kinh tế của Nam Xương dựa vào sản xuất và xây dựng. Chính quyền tại đây đã cố gắng mang lại các công việc trong nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, được trả lương cao hơn, nhưng không gặt hái được nhiều thành công.
Cô Cinderella Fang, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Nam Xương. Suốt thời thơ ấu, khu vực xung quanh nhà cô đều chưa được quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đã biến thành một tòa chung cư 30 tầng.
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Bắc Kinh, cô Fang trở lại Nam Xương vào năm 2019 với hy vọng tìm được việc làm và mua một căn nhà giá phải chăng. Nhưng chỉ 1 tháng sau đó, cô đã chuyển đến Thượng Hải. Công việc duy nhất cô có thể tìm được ở Nam Xương là nhân viên marketing với mức lương chỉ bằng 1/3 số tiền kiếm được ở Bắc Kinh.
“Thị trường việc làm ở Nam Xương không tốt”, cô Fang chia sẻ.
Người dân trồng rau trên một bồn hoa cằn cỗi ở giữa đường, bên cạnh các khu dân cư không người ở. Ảnh: NYTimes. |
Bà Andie Cao, cư dân Thượng Hải, cũng từng nuôi hy vọng chuyển đến Nam Xương với mong muốn tìm một ngôi nhà giá phải chăng.
Ngay sau khi con gái chào đời năm 2019, bà Cao đã mua một căn hộ chưa hoàn thiện ở Nam Xương và dự định chuyển đến thành phố này cuối năm 2021, thời điểm dự kiến hoàn thành tòa nhà.
Tuy nhiên, chủ đầu tư gặp vấn đề tài chính và ngừng xây dựng từ tháng 7/2021. Sau một năm trả khoản thế chấp, bà Cao và các chủ nhà khác đã cùng khơi dậy làn sóng “tẩy chay thế chấp” vào tháng 7/2022.
Không những vậy, bà Andie Cao cũng cho biết người môi giới hứa hẹn căn hộ nằm ở khu vực có cơ sở hạ tầng tốt. Song trên thực tế, tòa nhà được quy hoạch tại khu vực kém phát triển hơn ở ngoại ô thành phố.
Trong khi đó, ông Zou Shengji, nhà môi giới bất động sản ở Nam Xương, cho biết dư luận tiêu cực đã khiến nhiều người mua nhà tiềm năng “sợ hãi và lo lắng”. Trong kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua, thường là thời điểm bận rộn trên thị trường bất động sản, nhóm của ông Zou chỉ bán được chưa đến 20 căn hộ, tương đương 1/3 số lượng cùng kỳ 2 năm trước.
Có thể bạn quan tâm:
Thế giới đang "yêu" hay "ghét" tiền mặt?
Nguồn NYTimes