Omicron là biến chủng mới của SARS-CoV-2 chứa lượng đột biến cao chưa từng có. Ảnh: Reuters.
Những tín hiệu tích cực hiếm hoi về siêu biến chủng Omicron
Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng do biến chủng Omicron. Tuy nhiên, một số thông tin từ phòng thí nghiệm, từ Nam Phi và thuốc kháng virus đang mang lại những tín hiệu tích cực.
Thuốc kháng virus
Trong vòng một năm qua, một số loại thuốc kháng virus đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19.
Theo NBC Chicago, Giáo sư Penny Ward tại một trường đại học ở London, Anh cho biết: "Với biến chủng có khả năng lây nhiễm cao như Omicron, những loại thuốc như này sẽ giúp giảm gánh nặng COVID-19 ở những đối tượng có nguy cơ cao cần được chăm sóc y tế như bệnh nhân ung thư và tạo ra phản ứng dây chuyền tích cực lên hệ thống y tế".
Ông Penny Ward cho rằng, ngoài vaccine mũi tăng cường, các loại thuốc này cũng tạo thêm mức độ bảo vệ quan trọng cho những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tín hiệu từ Nam Phi
Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát cảnh báo về biến chủng Omicron hồi tháng 11. Kể từ đó, số ca COVID-19 ở quốc gia này tăng đột biến.
Làn sóng lây nhiễm Omicron có thể đã đạt đỉnh ở tâm dịch của Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 18/12 cho biết, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy dịch đã đạt đỉnh ở tỉnh Gauteng, tâm dịch Omicron ở nước này. Số ca nhiễm hàng ngày ở Gauteng bắt đầu xu hướng giảm dần, khoảng 3 tuần sau khi siêu biến chủng này xuất hiện ở đây.
Ngoài ra, ông Phaahla cho hay, chỉ 1,7% số bệnh nhân COVID-19 ở nước này phải nhập viện trong tuần thứ hai của đợt dịch, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 19% trong tuần thứ hai của đợt dịch Delta. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong đợt dịch này cũng thấp hơn so với đợt dịch trước đó.
Tuy vẫn cần thời gian để khẳng định liệu những con số này có nghĩa là Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác ở các nước khác hay không, trong đó có Anh, nhưng nhiều nhà khoa học tỏ ra lạc quan về tín hiệu trên.
"Ở Nam Phi, họ đã có một làn sóng Delta rất lớn cách đây vài tháng, do vậy, họ có thể đạt tỉ lệ miễn dịch trong dân số lớn và tạo ra lá chắn bảo vệ. Ở Anh, sự bảo vệ đó có thể bắt đầu suy yếu, vì vậy, chúng ta có thể sẽ ghi nhận nhiều ca bệnh nặng hơn", Giảng viên về bệnh truyền nhiễm Lance Turtle tại Đại học Liverpool, Anh nhận định.
Tuy nhiên, Giáo sư Martin Hibberd của trường Y học Nhiệt đới London, cho rằng, Anh đang ở trạng thái tốt hơn so với một năm trước trong cuộc chiến chống dịch. Ông nói: "Do nhiều người đã tiêm vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó, điều này vẫn có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của đợt dịch".
Tín hiệu từ phòng thí nghiệm
Một tín hiệu lạc quan nữa là các nhà khoa học đã tìm ra lời giải thích khả thi về khả năng Omicron có mức độ nghiêm trọng thấp hơn so với Delta và các chủng khác của SARS-CoV-2. Đây là kết quả nghiên cứu của chuyên gia Michael Chan Chi-wai tại Đại học Hồng Kông. Nghiên cứu chỉ ra, Omicron sinh sôi nhanh hơn 70 lần so với Delta ở đường thở, nhưng nhân lên chậm hơn ở phổi, nói cách khác, nó ít nguy hiểm hơn Delta.
Các ca nhiễm COVID-19 ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể vượt qua các mũi tiêm vaccine tăng cường. Ảnh: Reuters. |
Theo nghiên cứu này, Omicron có thể sẽ lây lan từ người sang người nhanh hơn, nhưng sẽ không tiếp cận các phần dễ bị tổn thương trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng bệnh có thể gây ra.
Mặc dù vậy, ông Michael Chan Chi-wai vẫn tỏ ra thận trọng. "Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ bệnh nặng ở người không chỉ được xác định bởi sự nhân lên của virus mà còn bởi phản ứng miễn dịch của mỗi người, đôi khi tiến triển thành chứng viêm đe dọa tính mạng. Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, một loại virus rất dễ lây nhiễm có thể gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao hơn. Mối đe dọa tổng thể từ biến thể Omicron có thể vẫn rất đáng kể", ông Chan nói.
Nhóm nghiên cứu của ông cho biết, mô hình cấu trúc về cách Omicron gắn vào tế bào và kháng thể làm sáng tỏ hành vi của nó và sẽ giúp tạo ra các kháng thể trung hòa.
Có thể bạn quan tâm: