Thứ Năm | 20/02/2014 10:22

Những thủ đoạn “bẩn” trên chính trường Mỹ (Phần 2)

Người làm tờ rơi của Thomas Jefferson


Các thủ đoạn chính trị không phải là một phát minh hiện đại và không ai khác ngoài Thomas Jefferson là người tiên phong cho một trong những cách thức cổ nhất - bịa đặt trắng trợn về đối thủ của mình.


Năm 1800, Mỹ phải lựa chọn giữa ứng cử viên của đảng Liên bang, Tổng thống đương nhiệm John Adams - người gắn với một chính phủ trung ương mạnh và ngành tài chính, và ứng cử viên Dân chủ - Cộng hòa, Thomas Jefferson, người ủng hộ các quyền cho các tiểu bang. Cuộc bầu cử là một cuộc đấu tranh về tương lai non trẻ của đất nước, nhưng chiến dịch tranh cử có một sự khác biệt căn bản với những cuộc đua thời hiện đại - các ửng cử viên khi đó không thực sự vận động tích cực, mà thay vào đó những người ủng hộ vận động nhân danh họ. Trên thực tế, cả Adams lẫn Jefferson chỉ ngồi nhà trong suốt chiến dịch.


Nhưng đừng nghĩ các ứng cử viên không đóng vai trò trung tâm đằng sau cánh gà trong chiến dịch của họ. Jefferson đã liên hệ với một trong những người ủng hộ ông, nhà làm tờ rơi James Callender, để in một loạt các bài viết ác ý bịa đặt về Adams. Các ấn phẩm của Callender tuyên bố rằng Adams đã lên kế hoạch gây chiến với Pháp và ông “có tính cách lưỡng tính, không có sức lực của một người đàn ông, cũng không có sự lịch sự và nhạy cảm của một người phụ nữ”. Các cuộc tấn công mang tính vu khống của Callender đã phá hoại uy tín của Adams và giúp Jefferson đắc cử.


Với vai trò của mình trong chiến thắng của Jefferson, không bất ngờ khi Callender muốn vị tân tổng thống Jefferson trao cho mình chức đứng đầu ngành bưu điện Richmond, Virginia. Nhưng sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Jefferson lại muốn bổ nhiệm những người ôn hòa. Callender không chấp nhận bị từ chối. Ông này đã trả đũa bằng cách xuất bản những tờ rơi đầy bê bối về Jefferson, trong đó có cả cáo buộc rằng Jefferson đã có con với nô lệ của mình là Sally Hemmings (một sự thật mà 200 năm sau xét nghiệm ADN đã chứng minh được). Tuy nhiên, ngoài việc bôi nhọ hình ảnh của Jefferson, Callender không đạt được gì nhiều và chết trong quên lãng.


Những “Thợ hàn” của Nixon


Ở Mỹ có một nhóm rất nổi tiếng được biết đến với tên gọi “Thợ hàn Nhà Trắng”, biệt hiệu có ý nghĩa nhiệm vụ của họ là phải xử trí các vụ rò rỉ. Các “Thợ hàn” này là những cựu điệp viên CIA.


Công việc đầu tiên của “Thợ hàn” là ngăn chặn rò rỉ các tài liệu mật liên qua đến chính sách đối ngoại của chính quyền. Nhà Trắng đã bị rúng động bởi vụ phát giác hồ sơ Lầu Năm Góc - một bản báo cáo mật đã bị nhân viên Bộ Ngoại giao Daniel Ellsberg làm rò rỉ, trong đó cho thấy các tổng thống đã dối trá về chiến tranh Việt Nam kể từ thời Einsenhower. Để trả đũa, Nhà Trắng đã lệnh cho các “Thợ hàn” đột nhập vào văn phòng của chuyên gia tâm lý của Ellsberg để tìm kiếm những thông tin có thể làm Ellsberg mất uy tín. Các “Thợ hàn” cũng âm mưu đốt cháy Viện Brookings, một cơ quan tư vấn chiến lược, vì Nhà Trắng nghi ngờ nhân viên của tổ chức này có thể đang làm rò rỉ những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao cho báo chí.


Nhưng nhiệm vụ của các “Thợ hàn” không chỉ có vậy. Vào cuối năm 1971, nhóm này đã bắt đầu mở rộng hoạt động, gồm cả việc phá hoại các đối thủ chính trị của Nixon. Hành động nổi tiếng nhất của nhóm là đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ ở khu văn phòng Watergate. Năm “Thợ hàn” đã bị bắt khi một nhân viên an ninh phát hiện một đoạn băng dính dán trên chốt cửa và gọi cảnh sát. Vụ đột nhập bị phát giác đã khiến sự nghiệp của Nixon xuống dốc, khi giới báo chí và các nhà điều tra Quốc hội tiếp tục truy tìm mối liên hệ tài chính giữa những kẻ trộm Watergate với ủy ban tái tranh cử của Nixon. Những thủ đoạn của các “Thợ hàn” cuối cùng đã làm Nixon phải ngã ngựa thay vì đối thủ của ông.


Vụ bê bối tranh luận


Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter tái tranh cử trước đối thủ là cựu Thống đốc California Ronald Reagan. Vào cuối năm đó, uy tín của Carter đã phục hồi (sau tỷ lệ ủng hộ thấp thảm hại vì cách ông xử trí vụ khủng hoảng con tin Iran) và đối đầu ngang tài ngang sức với Reagan. Carter nhiều lần từ chối yêu cầu của đối thủ đòi tranh luận, khiến Reagan phải chọn tranh luận với một ứng cử viên của đảng khác. Nhưng cuối cùng Carter đã chấp thuận, và cuộc tranh luận duy nhất giữa các ứng viên được tổ chức đúng một tuần trước cuộc bầu cử.

Jimmy Carter và Ronald Reagan trong cuộc tranh luận trực tiếp.


Tuy nhiên, nhóm tranh cử của Carter đã gặp phải một cú sốc, đó là bản sao tài liệu chuẩn bị tranh luận của họ, phác thảo chiến lược và các quan điểm của tổng thống, đều đã bị lấy cắp khỏi Nhà Trắng và đưa tới trụ sở ê kíp của Reagan. Trong cuộc tranh luận sau đó, Reagan đã xử lý khéo léo, đưa ra những đối đáp thông minh trước các cuộc công kích của Carter, trong khi Carter lại lóng ngóng với một câu hỏi về vũ khí hạt nhân. Reagan vượt lên trên Carter sau cuộc tranh luận và giành chiến thắng tuyệt đối.


Tranh cãi xung quanh vụ trộm, sau này được gọi là vụ bê bối tranh luận (Debategate), không dừng lại tại cuộc bầu cử. FBI đã mở cuộc điều tra để truy tìm thủ phạm, trong khi một ủy ban Quốc hội cũng thực hiện cuộc điều tra riêng rẽ. Nghi phạm lớn nhất khi đó là quản lý chiến dịch của Reagan, Bill Casey, người đứng đầu CIA trong những năm 1980, nhưng cả FBI lẫn ủy ban Quốc hội đã không tìm ra thủ phạm.


Giả thuyết gần đây cho rằng Paul Corbin, một nhà chiến lược đảng Dân chủ và là bạn thân của gia đình Kennedy, đứng đằng sau vụ trộm. Theo thuyết này, Corbin vẫn cay cú về chiến dịch tranh cử khốc liệt giữa Carter và Thượng nghị sĩ Ted Kennedy giành quyền làm ứng cử viên của đảng Dân chủ, và vì thù oán ông đã sao tài liệu tranh luận và đưa cho Bill Casey. Có nhiều người nghi ngờ giả thuyết này, nhưng có một thực tế rằng Corbin đã tới trụ sở chiến dịch của Reagan 3 lần ngay trước cuộc tranh luận.

Nguồn Báo Tin Tức


Sự kiện