Chủ Nhật | 27/04/2014 14:31

Những thành phố chục triệu dân và giấc mơ Trung Quốc

Vấn đề quy hoạch và đô thị hóa đang đã đặt ra những thách thức sống còn đối với tương lai chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Vào năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ có khoảng một tỷ dân thành thị.

Hãy cùng ngược lại quá khứ về chuyến đi của nhà thám hiểm Marco Polo, sinh năm 1254. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Marco Polo rời thành phố quê hương Venice (Italy) trong niềm háo hức cùng cha và chú lên đường, bắt đầu cuộc hành trình đến châu Á.

Máu phiêu lưu đã đưa ông đi dọc ngang Mông Cổ và Trung Quốc suốt 24 năm, qua quãng đường trường dài tổng cộng 24.140km.

Cho đến khi ông trở về Venice, đám đông tụ tập ở nhà ông hàng ngày chỉ để nghe ông kể những câu chuyện về châu Á, một vùng đất mà trong mắt họ lúc đó ở nơi nào đó tận cuối chân trời.

Một số nhà sử học nghi ngờ về câu chuyện Marco Polo đã từng tới Trung Quốc. Nhưng cho dù nhà thám hiểm người Venice này chưa từng tận mắt trông thấy Hàng Châu (được gọi với tên Kinsay trong cuốn Marco Polo du ký) và cho dù câu chuyện ông viết về thành phố giàu có và rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc này chỉ là tưởng tượng, thì cũng không thể phủ nhận được rằng chủ nghĩa dịch chuyển mãnh liệt của Marco Polo là bước ngoặt đầu tiên cho sự phát triển thương mại giữa châu Âu với Trung Quốc, góp phần xây nên những thành phố triệu dân từ những giấc mơ.
Xây những giấc mơ

Thời Marco Polo hồi thế kỷ thứ 13, những cung điện lộng lẫy xa hoa, những con đường mới mở, cùng sơ đồ xây dựng thành phố được chuẩn bị một cách tỉ mỉ đã thực sự gây ấn tượng với du khách.

Hiện thời hơn 40 thành phố ở Trung Quốc có số dân từ một triệu người trở lên, đứng đầu là Thượng Hải với 17 triệu dân và Bắc Kinh hơn 13 triệu dân.

Những thành phố triệu dân được kết nối bằng hệ thống tàu cao tốc dài nhất thế giới. Ở đây có những cao ốc nằm trong số những tòa nhà cao nhất thế giới và những trung tâm mua sắm vào hàng rộng nhất thế giới.

Và nếu chặng đường đô thị hóa diễn ra theo đúng lộ trình mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra, thì trong hai thập niên tới, quá trình đô thị hóa sẽ còn diễn ra mạnh hơn.

Vào năm 2020, mạng lưới đường sắt cao tốc tại Trung Quốc sẽ tăng gần 2/3 so với mức 9.700km hiện nay, đồng nghĩa với việc có thêm khoảng 7.000km đường sắt cao tốc mới. Mạng lưới này sẽ kết nối tất cả các thành phố có số dân từ nửa triệu người trở lên.

Ngày 16/3, Trung Quốc đã công bố Quy hoạch mô hình đô thị hóa mới giai đoạn 2014-2020. Theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ có 60% dân số Trung Quốc sống ở thành thị, trong đó 45% có hộ khẩu thành thị. Tỷ lệ này cho phép 100 triệu lao động nông thôn làm việc ở thành phố sẽ được nhập hộ khẩu thành phố, đem lại cho họ nhiều lợi ích xã hội như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng thu hẹp số người thành thị không có hộ khẩu.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường coi việc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa là thành công kinh tế của Trung Quốc, và mô tả đó là "động cơ khổng lồ" của tăng trưởng.

Trước đó, nhà kinh tế học người Mỹ từng đạt giải Nobel, ông Joeseph Stiglitz, đã đưa ra nhận định rằng cải cách công nghệ tại Mỹ và đô thị hóa ở Trung Quốc có thể là hai chìa khóa cơ bản đối với lịch sử phát triển nhân loại trong thế kỷ 21.

Nhìn xa hơn nữa, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính từ nay đến năm 2030, mỗi năm Trung Quốc sẽ có thêm khoảng 13 triệu dân thành thị, tương đương với số dân Tokyo.

Vào năm 2030, các thành phố Trung Quốc sẽ có gần 1 tỷ người, chiếm khoảng 70% tổng số dân của cả nước. Xét về mặt kinh tế, con số một tỷ người tiêu dùng thành thị là đầy tiềm năng.

Trong cuốn sách có tựa đề "Một tỷ khách hàng" xuất bản năm 2005, tác giả James McGregor, một nhà kinh doanh người Mỹ, viết rằng sự phóng đại và niềm hy vọng về tiêu dùng Trung Quốc đã "thôi miên" thương gia nước ngoài từ nhiều thế kỷ qua.
Và sau những giấc mơ

Thực tế đã chứng minh trong vòng 30 năm qua, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã mang lại vô số việc làm, đất đai giá rẻ và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không tránh khỏi một số vấn đề như quy hoạch đất đai kém hiệu quả, nạn tham nhũng đất đai, tình trạng ô nhiễm đe dọa sức khỏe người dân, khan hiếm nguồn tài nguyên nước và đất canh tác.

Ngay bên trong bản Quy hoạch mô hình đô thị hóa mới giai đoạn 2014-2020 mà Trung Quốc công bố tháng trước cũng chứa đựng nhiều vấn đề cần lưu tâm. Phải kể đến trước tiên là tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên tồi tệ, tắc nghẽn giao thông và căng thẳng xã hội gia tăng do bất bình đẳng về thu nhập và chất lượng sống.

Cách không xa những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại rộng lớn và xa xỉ tại các thành phố lớn vẫn còn những khu ổ chuột - chốn nương thân của 130 triệu lao động nghèo.

Theo thống kê của Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, tính đến năm 2011, trong số 250 triệu lao động nông dân vào thành phố làm công ở Trung Quốc, số người tham gia bảo hiểm chưa tới 1/5.

Số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cũng cho thấy tỷ lệ lao động nông dân lên thành phố làm công có nhà ở mới chỉ đạt 0,7%.

Dù còn nhiều thách thức song có một điều không thể phủ nhận được rằng đô thị hóa tại Trung Quốc thực sự ấn tượng. Thượng Hải sắp hoàn thành tòa nhà 121 tầng với chiều cao chỉ thua kém duy nhất tòa tháp cao nhất thế giới là Burj Khalifa ở Dubai.

Những quận mới thành lập, hệ thống tàu điện ngầm, các sân bay hiện đại và các tuyến đường bộ cao tốc nối liền các thành phố được xây dựng với tiến độ nhanh chóng mặt trên khắp đất nước là minh chứng rõ nhất cho thành tựu mà đô thị hóa mang lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thất bại trong việc đưa thành tựu này đến mọi người dân và điều này đặt lên vai giới lãnh đạo Trung Quốc gánh nặng lớn, đó là phải tìm ra lời giải cho bài toán đô thị hóa và lợi ích dân sinh./.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện