Thứ Ba | 06/11/2012 18:11

Những quốc gia và khu vực nào quan tâm nhất tới bầu cử Mỹ?

Mặc dù không nhận được nhiều sự chú ý như năm 2008, song cuộc bầu cử tổng thống năm nay của nước Mỹ vẫn được nhiều quốc gia theo dõi sát sao.
Cuộc thăm dò mới đây cho thấy 2/3 trong tổng số 26.000 người tại 32 quốc gia trên thế giới tin rằng nước Mỹ có tác động quan trọng đến đời sông của họ. Với lý do đó, hơn 1/2 số người được hỏi tin rằng lẽ ra họ nên có một lá phiếu để tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Nếu điều đó trở thành hiện thực, chắc hẳn tổng thống Barack Obama sẽ giành chiến thắng áp đảo, hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy.

Mặc dù vậy, mức độ quan tâm tới bầu cử Mỹ của người dân thế giới thấp hơn khá nhiều so với năm 2008. Một trong những lý do chính có thể là người dân thế giới, nếu chú tâm theo dõi chiến dịch tranh cử năm nay, cảm thấy khó tìm thấy sự khác biệt giữa những gì ứng cử viên đảng Cộng hòa ủng hộ với những gì Nhà Trắng đang thực hiện.

Bên cạnh đó, dường như có cảm nhận ngày càng tăng về sự suy giảm tương đối trong sức mạnh toàn cầu của nước Mỹ. Không phủ nhận Mỹ vẫn là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới và là nền kinh tế lớn nhất thế giới, song dường như khả năng định hình các sự kiện kinh tế lẫn địa chính trị của Washington tại những nơi xa xôi của hành tinh đang suy giảm thấy rõ trong thập kỷ qua - có thể kể đến như cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, những thay đổi nhanh chóng của thế giới Ả rập hay khủng hoảng nợ châu Âu, tất cả những sự kiện đó, nước Mỹ phải rất vất vả để áp đặt ý chí của mình.

Tuy nhiên, trên tất cả, Phòng Bầu Dục vẫn còn là trung tâm quyền lực mạnh mẽ nhất thế giới, và kết quả bầu cử hôm nay 6/11 vẫn nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Và dưới đây là 5 quốc gia, nơi quan tâm nhiều nhất tới việc ai sẽ là ông chủ của Nhà Trắng trong 4 năm tới:

1. Syria: Phá vỡ bế tắc?

Tình hình bế tắc tại Syria sẽ được khai thông sau bầu cử Mỹ 2012?
Tình hình bế tắc tại Syria sẽ được khai thông sau bầu cử Mỹ 2012?

Cuộc nội chiến tại Syria đã giết chết hơn 20.000 người, nhưng đất nước vẫn chìm trong bế tắc không thể tìm được lời giải thích hợp: Tổng thống Bashar al Assad không thể tiêu diệt được các phiến quân và phe đối lập cũng không thể lật đổ chế độ. Cuộc giằng co dai dẳng đó chỉ dẫn tới xung đột giáo phái và nguy cơ gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, cũng như nỗi ám ảnh về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các phần tử cực đoan trong lực lượng phe đối lập.

Về phần mình, nước Mỹ đã ngừng mọi can thiệp trực tiếp, thậm chí còn ngừng cho phép phe nổi dậy nhận vũ khí hạng nặng để vô hiệu hóa những lợi thế quân sự của chính quyền tổng thống Assad. Do đó, cuộc chiến ở Syria dường như không có hồi kết.

Cả ông Obama lẫn Romney đều nói rằng họ phản đối bất kỳ hành động triển khai quân đội Mỹ tới Syria, thậm chí còn phản đối thực thi ý tưởng tạo lập "vùng cấm bay" với Syria cũng như bảo vệ vùng đất mà phe nổi dậy giành được từ tay quân chính phủ, bất chấp sự thất vọng của các đồng minh như Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nhà hoạt động phe đối lập và các chiến binh nổi dậy cảm thấy thất vọng và tức giận trước sự dùng dằng của chính quyền Obama, đồng thời cảnh báo điều đó chỉ khiến người dân Syria phải đổ máy nhiều hơn. Kết quả là, khi ông Romney công khai tuyên bố sẵn sàng trang bị vũ trang cho phe đối lập Syria nếu đắc cử, các binh sĩ nổi dậy có lý do để hy vọng vào một chiến thắng giành cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

2. Israel: Quốc gia Do thái đang lâm nguy?

Những mâu thuẫn giữa ông Netanyahu và tổng thống Obama được coi là nguyên nhân khiến người dân Israel mong muốn ông Romney giành chiến thắng.
Những mâu thuẫn giữa ông Netanyahu và tổng thống Obama được coi là nguyên nhân khiến người dân Israel mong muốn ông Romney giành chiến thắng.

Trong cuộc bầu cử năm 2008, tổng thống Obama đã giành được tới 78% phiếu bầu của người Mỹ gốc Do thái. Trong cuộc bầu cử năm nay, các cuộc thăm dò cho thấy ông Obama một lần nữa sẽ giành được khoảng 70% sự ủng hộ của người Mỹ Do thái, so với tỷ lệ 25% của ông Romney. Những con số này cho thấy Israel không phải là lý do chính để người Mỹ gốc Do thái ủng hộ ông Obama, bởi cuộc khảo sát mới đây cho thấy hơn một nửa người Israel (khoảng 52%) ủng hộ ông Romney giành chiến thắng, trong khi ông Obama chỉ có 25%.

Mặc dù vậy, Israel là một trong số những quốc gia hiếm hoi có người dân ủng hộ ông Romney giành chiến thắng. Việc người Israel ủng hộ ông Romney có thể xuất phát từ những căng thẳng giữa ông Obama và thủ tướng Benjamin Netanyahu xoay quanh những nỗ lực nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình với người Palestine trong năm 2009.

Hiển nhiên, khi ông Romney đưa ra những bình luận, trong đó tỏ ra nghi ngờ rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine sẽ chấm dứt, đồng thời đổ lỗi cho người Palestine là nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột hiện tại, ông đã dễ dàng giành được cảm tình của người dân Israel.

Đối với một nỗi lo khác của chính phủ Israel, Iran, ông Romney thậm chí còn sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn, song như nhiều nhà phân tích nhận định, độ hiệu quả trong những chính sách mà ông cam kết - như tăng cường trừng phạt kết hợp răn đe quân sự - cũng chẳng khác của tổng thống Obama là bao. Mặc dù vậy, ông Romney tỏ ra cương quyết hơn ông Obama khi lên tiếng vạch "ranh giới đỏ" cho hoạt động làm giàu uranium của Iran, đồng thời tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định sử dụng vũ lực chống lại Iran của Tel Aviv.

Do đó có thể thấy rằng, những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp khơi thông bế tắc trong chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại sau bầu cử Mỹ và quốc gia Do Thái có lý do để tin rằng, một chiến thắng của ông Romney sẽ giúp Israel có thể sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran.

3. Trung Quốc: Một sự thay đổi lớn?

Chính sách Mỹ - Trung sẽ không thay đổi lớn sau bầu cử.
Chính sách Mỹ - Trung sẽ không thay đổi lớn sau bầu cử.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Romney từng nói vào ngày đầu tiên ông đặt chân vào Nhà Trắng nếu được bầu, ông sẽ tuyên bố Trung Quốc là một kẻ chuyên thao túng tiền tệ, đe dọa gây ra một cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, về phần mình, ông Obama cho biết kiềm chế Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của Mỹ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra khá bình tĩnh trước tuyên bố của cả hai ứng cử viên. Các cuộc khảo sát cho thấy trong khi đa số người dân Trung Quốc tỏ ra ủng hộ ông Obama thì giới chức Bắc Kinh lại không tỏ ra nghiêng hẳn về phía ứng cử viên nào. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng không quá coi trọng lời đe dọa của ông Romney.

Nhà phân tích Jia Qinggou, trong bài phát biểu trước Hội đồng quan hệ đối ngoại, cho rằng: "Kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, nên các nhà lãnh đạo cần một đối tượng nào đó để đổ lỗi, và dĩ nhiên Trung Quốc chỉ là một trong số đó".

Theo ông Jia Qinggou, từ những kinh nghiệm trong quá khứ, có thể thấy rằng việc Nhà Trắng có tổng thống mới thường không làm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, bởi mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên gần gũi và lợi ích cũng gắn bó với nhau hơn. Kết quả là, chính quyền mới rất khó để thực hiện những thay đổi đáng kể trong chính sách với Trung Quốc mà không làm tổn hại tới lợi ích kinh tế và quốc gia.

Mặc dù vậy, nếu ưu tiên cho sự ổn định, Bắc Kinh sẽ nghiêng cán cân ủng hộ nhiều hơn cho ông Obama, bởi mối quan hệ với chính phủ mới thông thường sẽ có đôi chút rắc rối lúc ban đầu.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng Trung Quốc cũng phần nào đó mong muốn ông Romney giành chiến thắng. Bởi nếu ông Romney trở thành tổng thống, ông và nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng nhau bắt tay và gạt bỏ những tuyên bố trước đó trong chiến dịch tranh cử. Điều tương tự đã từng xảy ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có lý do để lo ngại rằng nếu ông Obama tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ II, ông sẽ tiếp tục các chính sách hiện tại và điều đó sẽ làm này sinh những thách thức mới trong quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, nếu Mỹ có một tổng thống mới, mọi mâu thuẫn trước đõ sẽ bị xóa bỏ sạch, và khi đó nước Mỹ sẽ không đi theo chiều hướng có hại cho Trung Quốc. Thậm chí, kể cả khi ông Romney có ý định làm tổn thương Trung Quốc, thì cũng rất khó thành hiện thực vì khi đó chính nước Mỹ cũng sẽ bị tổn thương theo.

Song, như đã nói ở trên, dường như Bắc Kinh không tỏ ra quá quan tâm tới kết quả bầu cử cũng như những tuyên bố trước đó của cả hai ứng cử viên.

4. Liên minh châu Âu (EU): Thắt chặt hay kích thích?

Châu Âu mong muốn ông Obama giành chiến thắng hơn so với ông Romney.
Châu Âu mong muốn ông Obama giành chiến thắng hơn so với ông Romney.

Khi đọc tới đây, nhiều người có thể tự hỏi EU đâu phải là một quốc gia? Quả thực, EU là một liên minh các quốc gia, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính và nợ kéo dài 4 năm qua phần nào cho thấy sự liên kết chặt chẽ của 27 quốc gia thành viên - khiến nó như một quốc gia đồng nhất, đồng thời cho thấy cách nền kinh tế liên minh này gắn liền với nền kinh tế toàn cầu.

Trước hết và trên hết, nước Mỹ là cỗ máy tiêu dùng lớn nhất thế giới, do đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa Mỹ giảm là một vấn đề lớn đối với các nước nền kinh tế trong EU - đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu để vực dậy tăng trưởng. Bên cạnh đó, tình trạng nợ Mỹ hiển nhiên có tác động đến thị trường tài chính ở khắp nơi trên thế giới.

Ở châu Âu, ông Obama khá áp đảo so với ông Romney khi giành được đa số ủng hộ của người dân. Thậm chí, tổng thống Pháp Francois Hollande còn coi ông Obama như một đồng minh quan trọng trong cuộc tranh luận về việc nên thắt chặt chi tiêu hay tăng cường kích thích kinh tế giữa các nhà lãnh đạo châu Âu.

Trong khi đó, trong con mắt các nhà lãnh đạo châu Âu, cách thức tiếp cận với những thách thức kinh tế của ông Romney là không rõ tàng. Bên cạnh đó, những lời lẽ có phần hiếu chiến của ông về Nga và Iran khiến nhiều chính phủ châu Âu có phần khó chịu. Ngoài ra, những phản đối của ông đối với các uy định trong thị trường tài chính cũng không nhận được nhiều sự chào đón của giới quan chức châu Âu.

Sự suy giảm trong sức mạnh toàn cầu của nước Mỹ cũng đồng nghĩa châu Âu không còn có người dẫn đầu có thể giúp họ đương đầu với rất nhiều khó khăn, từ quy mô ngân sách quân sự, cam kết chia sẻ trách nhiệm của NATO cho tới hoạt động quản lý nền kinh tế.

Mối quan tâm chính của châu Âu lúc này, cũng giống như hầu hết cử tri Mỹ, đó là xem liệu Mỹ có thể đưa nền kinh tế về đúng quỹ đạo càng sớm càng tốt hay không, bởi một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, hơn tất cả, vô cùng quan trọng đối với quá trình phục hồi toàn cầu.

5. Bắc Cực: Đang nhanh chóng bị thu hẹp

Nếu gấu Bắc Cực có thể đi bầu cử, chúng sẽ bầu cho ông Obama?
Nếu gấu Bắc Cực có thể đi bầu cử, chúng sẽ bầu cho ông Obama?

Tất nhiên, Bắc Cực thậm chí còn không thể coi là một quốc gia như EU, song tốc độ thu hẹp đáng lo ngại của các biển băng cho thấy Bắc Cực còn trông đợi kết quả cuộc bầu cử Mỹ hơn bất kỳ lãnh thổ nào khác trên thế giới.

Biển băng thu hẹp là dấu hiệu cho thấy khí hậu toàn cầu đang ấm lên. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu lại bị coi là một vấn đề không nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Trên thực tế, cả hai ứng cử viên tổng thống chỉ tập trung chủ yếu vào việc tạo công ăn việc làm. Song, khi cơn bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ, tất cả đã phải thay đổi suy nghĩ.

Mặc dù các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo bão Sandy chính là một trong những bằng chứng cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu, song dường như đây vẫn là vấn đề chưa nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo chính trị.

Thị trưởng New York, Michael Bloomberg, ban đầu ủng hộ cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romeny, cuối tuần qua đã quay sang bầu cho tổng thống Obama với lý do ông đã thực hiện các biện pháp cũng như chính sách quan trọng nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Trong khi đó, ông Romney lại rút khỏi những vị trí mà ông nắm giữ trước đó có khả năng hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ khí hậu.

Thị trưởng Bloomberg ủng hộ ông Obama đơn giản vì ông là ứng cử viên có khả năng thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ khí hậu trái đất, mặc dù trong quá khứ ông từng khiến không ít nhà hoạt động vì môi trường cảm thấy thất vọng.

Nguồn World Time/Khampha


Sự kiện