Thứ Tư | 07/08/2013 14:45

"Những quả bom nợ Detroit" sắp phát nổ ở Trung Quốc

Nhiều thành phố của Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ phá sản trầm trọng không kém gì Detroit.
Theo tờ "Nhật báo Phương Đông" của Hong Kong, rất nhiều người Trung Quốc đang tỏ ra rất mừng rỡ trước tin thành phố Detroit của Mỹ phải nộp đơn xin phá sản. Họ cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy "sự tan vỡ của giấc mơ Mỹ" và chuẩn bị cho thời kỳ "đứng đầu thế giới của Trung Quốc".

Nhưng "Nhật báo Phương Đông" lại có quan điểm khác. Tờ báo này cho rằng thay vì hả hê và coi đó là tin mừng thì người Trung Quốc nên nhận ra rằng, đó là lời cảnh báo sớm cho chính họ bởi vô số thành phố của Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ phá sản trầm trọng không kém gì Detroit.

Từng là thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, vào thời kỳ cực thịnh, Detroit là một thành phố sầm uất hơn cả New York - thành phố lớn nhất nước Mỹ. Nhưng cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và sự xuống dốc của ngành công nghiệp xe hơi, Detroit đã dần dần đánh mất ánh hào quang của mình và nó để lại khá nhiều những bài học kinh nghiệm giá trị. Một thành phố công nghiệp nếu không bắt nhịp được với sự phát triển của thời đại và tiếp tục tạo ra sự thay đổi lớn đồng thời duy trì được sự phát triển bền vững thì sẽ sớm lâm vào cảnh suy tàn.

Theo "Nhật báo Phương Đông", trên thực tế, Trung Quốc cũng có nhiều thành phố tương tự Detroit. Đó là những thành phố công nghiệp lâu đời như Fu Xin, An Shan và Fu Shun thuộc tỉnh Liêu Ninh… Ở đó, tài nguyên cạn kiệt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó khăn…

Nếu so sánh với Detroit, nền tảng của đại đa số thành phố của Trung Quốc còn thua kém rất xa. Ở thời kỳ phát triển nóng, các thành phố ở Trung Quốc đã phải dựa vào tài chính đất đai, hoặc là bán đất làm bất động sản, hoặc là xây dựng các loại cơ sở hạ tầng trên nền đất đai và kết quả là họ đang trong tình trạng nợ cao như núi. Mới đây, có cơ quan truyền thông đã tiết lộ nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã vượt qua mức 10.000 tỷ nhân dân tệ, rất nhiều địa phương đến việc phát lương cũng gặp khó khăn, sớm bước đến bờ vực của phá sản.

Detroit
Detroit - Thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Theo tờ báo của Hong Kong, trong lịch sử nhân loại chưa từng có phong trào xây dựng thành phố nào có quy mô lớn như ở Trung Quốc ngày nay. Có nơi mấy năm trước vẫn là chỗ không bóng người, nhưng lại được quy hoạch xây dựng thành phố với quy mô cả triệu người. Lúc thịnh, bình quân mỗi mét vuông đất ở quận Kang Ba Shi thuộc thành phố Ordos, Khu tự trị Nội Mông có giá hơn 20.000 nhân dân tệ, nhưng giờ chỉ còn 3.000 nhân dân tệ.

Có một điều không thể không nhắc đến đó là vấn nạn "thành phố ma" (thành phố gần như không có người ở) tương tự như Kang Ba Shi đang nổi lên trở thành một vấn đề hết sức nhức nhối ở Trung Quốc. Điển hình nhất là những thành phố như Wei Hai, Ru Shan (tỉnh Sơn Đông) hay Bin Hai thuộc thành phố Thiên Tân, Wai Huan ở Thượng Hải, Xi Cheng ở Hàng Châu… Tới nay, không ai có thể thống kê được ở Trung Quốc có bao nhiêu "thành phố ma" và có bao nhiêu thành phố chuẩn bị vỡ nợ.

Tất nhiên, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ không bỏ mặc các chính quyền địa phương phá sản nên Bắc Kinh sẽ ra tay cứu trợ khi nhận thấy tình hình thực sự nguy ngập. Có điều, nếu các địa phương của đất nước đông dân nhất thế giới này không nhanh chóng từ bỏ kiểu phát triển "liều mạng", sẽ đến lúc chính quyền trung ương cũng không còn tiền để mà cứu trợ. Khi đó, "những quả bom Detroit" sẽ liên tiếp phát nổ ở Trung Quốc.

"Nhật báo Phương Đông" kết luận rằng việc xây dựng thành phố là để người dân sinh sống. Nhưng ở Trung Quốc, sự phát triển của các thành phố lại biến thành con đường thăng quan tiến chức và làm giàu của các quan chức. Đằng sau ánh hào quang bề ngoài của sự phát triển là nền tài chính bị thấu chi. Con đường đi từ thịnh tới suy của thành phố Detroit ở Mỹ đối với Trung Quốc không phải là cái gì đó xa xôi và như ngạn ngữ có câu "Cười người chớ vội cười lâu".

Nguồn Infonet


Sự kiện