Thứ Ba | 06/08/2013 15:33

Những phát hiện quan trọng trong thương mại quốc tế

Bức tranh thương mại quốc tế ngày càng sáng rõ, nếu nhìn từ phương pháp giá trị gia tăng (TiVA).

Thử nhìn thương mại quốc tế không bằng những con số cộng gộp, thay vào đó, giá trị gia tăng trong từng sản phẩm xuất khẩu có thể chứng minh những nhận định xưa nay là sai lầm.

Nói đến xuất nhập khẩu, thường chỉ được hình dung đến những hàng hóa vật chất và coi dịch vụ chỉ chiếm một phần nhỏ, không đáng kể. Nhưng thực ra, dich vụ đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong thương mại, đặc biệt tại các quốc gia phát triển.

Ngành dịch vụ nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Ngành dịch vụ có đóng góp ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu - Global value chains (GVCs).

Ngành dịch vụ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia phát triển (chiếm khoảng 2/3 tổng giá trị GDP). Tuy nhiên dưới góc độ thương mại, phương pháp cộng gộp không cho thấy điều đó: thương mại dịch vụ nhìn chung chiếm chưa đến 1/4 tổng giá trị xuất khẩu.

Ngược lại, nếu tính theo giá trị gia tăng trong thương mại, lĩnh vực dịch vụ đóng góp tới hơn 50% vào tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia, và chiếm gần 1/3 đối với Trung Quốc.

Rõ ràng sự đóng góp trong giá trị gia tăng của ngành dịch vụ lớn hơn nhiều nếu chỉ tính theo phương pháp truyền thống thì mới chỉ nhìn thấy một phần sự thật ấy. Biết được điều này, quá trình kinh doanh quốc tế nên chú trọng hơn phát triển lĩnh vực dịch vụ để chiếm nhiều giá trị hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để xuất khẩu cần phải nhập khẩu

Vào năm 2009, có từ 1/3 đến 1/2 tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng bộ phận và thiết bị vận tải của phần lớn những nhà sản xuất chính có nguồn gốc từ nước ngoài (thông qua nhập khẩu). Điều này đã phản ánh sự nổi lên của các trung tâm sản xuất vùng.

Ở Mỹ và Nhật Bản, tỉ lệ này thấp hơn (khoảng 1/5), chính vì hai quốc gia này được hưởng lợi từ việc tiếp cận một cách dễ dàng hơn các nhà sản xuất trong nước. Đây cũng là trường hợp của Italia và nó bắt nguồn từ sự hoạt động hiệu quả của mạng lưới quốc gia các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều thú vị là năm 2009, xuất khẩu của Đức đã vượt qua Mỹ 25% tính theo phương pháp cộng gộp, nhưng thực chất con số đó chỉ là 5% theo phương pháp giá trị gia tăng.

Để cải thiện khả năng sản xuất và giữ vững năng lực cạnh tranh trong một thế giới bị chi phối bởi chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cần phải đạt được sự hiệu quả trong việc nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ trung gian.

Trong các lĩnh vực sản xuất khác, có thể kể đến Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước xuất khẩu chính các sản phẩm điện tử, nhưng năm 2009 tỷ lệ giá trị gia tăng đến từ nước ngoài để sản xuất hướng đến xuất khẩu cũng chiếm đến 40% tổng giá trị gia tăng chứa trong sản phẩm đó, tỷ lệ này cao nhất đối với Mexico - lên đến 60%.

Phần lớn nhập khẩu trung gian nhằm hướng tới xuất khẩu

Ở hầu hết các nền kinh tế, khoảng 1/3 giá trị nhập khẩu (tính theo TIVA) những sản phẩm trung gian nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế càng nhỏ thì tỉ lệ này càng cao. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ và Nhật Bản, những nước có tỉ lệ này nằm trong nhóm thấp nhất của khối các nước OECD, con số cũng lần lượt đạt tới 15% và 20% và còn cao hơn trong một số ngành công nghiệp tích hợp cao.

Chẳng hạn ở Nhật Bản, gần 40% giá trị nhập khẩu trung gian thiết bị vận tải (tính theo TIVA) được sử dụng phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Có thể thấy, bằng phương pháp giá trị gia tăng, những điều cần thiết cho phát triển thương mại quốc tế được chứng minh rõ ràng.

Trước hết để xuất khẩu cần phải khập khẩu, để tận dụng nguyên liệu đầu vào từ nước có lợi thế so sánh tốt hơn và thậm chí, số giá trị được nhập khẩu nhằm hướng đến xuất khẩu ở khối nước OECD là rất lớn.

Ngoài ra, những nhầm tưởng về thương mại quốc tế chỉ dừng lại ở hàng hóa đã được chứng minh ngược lại. Dịch vụ đóng vai trò là lĩnh vực xuất khẩu ngang ngửa với hàng hóa tại các nước phát triển hàng đầu và có tiềm năng còn tăng nhanh hơn nữa.

Trên đây là 3 phát hiện đầu tiên khi phương pháp mới bắt đầu được áp dụng. Triển vọng trong tương lai, có thể phương pháp giá trị gia tăng trong thương mại (TIVA) sẽ làm thay đổi căn bản hệ thống đo lường giá trị thương mại toàn cầu, mà đi đầu là các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,... Bởi dần dần, những số liệu cộng gộp sẽ trở nên lỗi thời và không phản ánh kịp những phát triển nhanh chóng trong chuỗi thương mại toàn cầu, đang ngày càng phức tạp.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Sự kiện