Những nước có nợ gấp 3 lần thu nhập ở eurozone
Ireland thường được biểu dương bởi sự phục hồi từ sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ/thu nhập trong 4 năm qua của nước này cũng tăng mạnh. Năm 2009, tỷ lệ này là 187%, năm 2010 là 262% và 2012 là 340%. Tuy nhiên, quốc gia này có tỷ lệ nợ/GDP khá tốt là 117,6%, đứng thứ 4 sau Hy Lạp, Italia và Bồ Đào Nha.
Ngược lại, Hy Lạp có những tiến bộ đáng kể trong chiến lược kiểm soát chi tiêu chính phủ và tỷ lệ nợ/thu nhập của nước này giảm từ 402% năm 2011 xuống 351% năm 2012.
Một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng dần thứ hạng trên bảng xếp hạng các quốc gia EU mắc nợ khi thước đo tỷ lệ nợ/thu nhập được áp dụng. Tỷ lệ này ở Đức là 181%, Malta là 178% trong khi Pháp là 174% đều cao hơn quốc gia đang gặp khó khăn và có nguy cơ vỡ nợ như Slovenia (120%) và Hungary (168%).
Các nước có tỷ lệ nợ/thu nhập thấp là các các quốc gia Bắc Âu, điển hình là Thụy Điển với 75%, Đan Mạch với 82% và Phần Lan là 99% trong năm 2012.
Nếu sử dụng tỷ lệ nợ/thu nhập, Mỹ còn rơi vào tình trạng tồi tệ hơn Hy Lạp với tỷ lệ nợ hơn 560% thu nhập của chính phủ.
Các số liệu về nợ thường được tính toán như một tỷ lệ thu nhập quốc dân của một đất nước và thể hiện một phần GDP. Tuy nhiên, số liệu về thu nhập quốc gia phản ánh hoạt động trên toàn bộ nền kinh tế cả khu vực công và tư nhân. Chính phủ phải trả nợ từ việc thu thuế và các thu nhập khác (không phải thu nhập cho nền kinh tế nói chung).
Một số nhà phân tích cho rằng tỷ lệ nợ so với thu nhập của chính phủ đem đến một cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng trả nợ hàng năm của chính phủ.
Nguồn Guardian/Dân Việt