Những nỗi lo đằng sau sự phục hồi của châu Âu
Thậm chí ngay cả khi các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro (eurozone) kêu gọi nên tạm hoãn gói cứu trợ tài chính cho đảo Síp và chờ đợi diễn biến cuộc bầu cử ở Italia trong tháng tới, bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm 11/1 vẫn tự tin khẳng định eurozone đã vượt qua được thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.
Kinh tế trưởng tại UniCredit SpA, ông Erik Nielsen, trong thư gửi khách hàng viết: "Các thị trường tài chính châu Âu đang bình thường trở lại. Ông cũng đề cập tới một bình luận mới đây của chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi, trong đó dự báo kinh tế eurozone sẽ thoát đáy trong năm nay.
6 tháng trước, tuyên bố "sẽ làm bất cứ điều gì có thể" để cứu eurozone của ông Draghi đã giúp lãi suất nợ, đồng thời giúp bất ổn thị trường giảm mạnh. Nhờ đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể rảnh tay hơn để giải quyết một loạt các vấn đề khác, trong đó nổi bật là tình trạng thất nghiệp của châu Âu, hiện đã lên mức kỷ lục 11,8% trong tháng 11/2012. Tây Ban Nha chính là nước có tỷ lệ thất nghiệp nghiêm trọng nhất khi hầu hết giới trẻ đều không có việc làm.
Ông Draghi tuần trước tuyên bố rằng eurozone sẽ phục hồi dần từ nay cho đến cuối năm 2013, trong khi Standard & Poor cho rằng Bồ Đào Nha và Ireland có thể quay trở lại thị trường sau khi các chương trình tài chính hết hạn.
Mặc dù vậy, người đứng đầu các bộ trưởng tài chính eurozone, thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, nhận định rằng: "Điều tồi tệ nhất đã qua, song châu Âu vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Những thách thức này bao gồm tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng - một minh chứng về độ sâu của cuộc khủng hoảng nợ. Hiện tình trạng thất nghiệp đang tăng vọt tại Tây Ban Nha và nhiều quốc gia nhận cứu trợ khác. Trong khi đó, tại Pháp, tổng thống Francois Hollande cũng đang phải vật lộn để giảm tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, đồng thời phải vực dậy nền kinh tế trì trệ suốt hơn 1 năm qua.
Bên cạnh vấn đề thất nghiệp, một nỗi lo khác của châu Âu nói chung và eurozone nói riêng chính là việc các nhà lãnh đạo bắt đầu bộc lộ tâm lý thỏa mãn. Nhà kinh tế tại Morgan Stanley, ông Joachim Fels, cảnh báo sự phục hồi của thị trường châu Âu đang khiến các nhà hoạch định chính sách bộc lộ tâm lý chủ quan và tự mãn với những gì đã đạt được, điều này sẽ làm chậm nỗ lực sửa chữa các tổ chức tài chính khu vực eurozone.
"Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cảm thấy tự mãn vì những gì đã đạt được. Thực đáng lo ngại khi các chính phủ và ECB chỉ đến khi khủng hoảng bùng phát trở lại mới thực hiện biện pháp kế tiếp", ông Fels nói.
Nguồn Bloomberg/Khampha