Những người khổng lồ đang chi phối kinh tế thế giới
Năm 2004, Microsoft từng trả cổ tức khủng cho các cổ đông, số tiền lên tới 33 tỷ USD. Sự chi trả cổ tức lớn nhất trong năm đó khiến cho thu nhập cá nhân của người dân Mỹ tăng 6%. Đó là một ví dụ về cách mà các hãng lớn có thể tác động đáng kể lên nền kinh tế một cách không quá lộ liễu. Tuy nhiên, những cú sốc như vậy thường được loại trừ khỏi các mô hình kinh tế, hoặc cho rằng sự tăng và giảm các đơn vị kinh doanh sẽ tự động triệt tiêu lẫn nhau. Song việc theo dõi các công ty lớn nhất trên thế giới rất cần thiết để hiểu sự phát triển của thương mại và GDP.
Có thể thấy giới kinh doanh vô cùng rộng lớn. Tại Mỹ, có khoảng 27 triệu công ty và Anh cũng có khoảng 4,8 triệu công ty.
Mỗi quốc gia giao dịch với hàng trăm quốc gia khác trong hàng trăm ngành công nghiệp và do đó cũng tạo nên hàng ngàn mối quan hệ thương mại và ở quy mô toàn cầu đang mạng lưới này lên đến hàng triệu liên kết. Điều này là bởi nền kinh tế được xây dựng từ hàng triệu doanh nghiệp và các mối quan hệ kinh doanh. Nhưng chắc chắn từng doanh nghiệp đơn lẻ sẽ chỉ như một hạt bụi: những công ty riêng lẻ và kênh xuất khẩu đều trở nên không mấy quan trọng.
Điều này gợi ý rằng, chỉ có những cú sốc tổng thể mới giải thích sự biến động chung của nền kinh tế và do vậy, một cuộc đình công của công nhân tại một công ty thì không đủ, nhưng một cuộc tổng đình công có thể gây ra cú sốc cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, những cú sốc tổng thể cũng không giải thích cho những biến động kinh tế một cách tốt nhất. Năm 2007, một ngân hàng Tây Ban Nha đã nghiên cứu về cán cân thương mại của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Những cú sốc chung (của cả quốc gia hay các ngành công nghiệp toàn cầu) chỉ giải thích được 45% các biến động. Tìm hiểu nguyên nhân của 55% biến động còn lại, các tác giả đã phải sử dụng dữ liệu tốt hơn nhiều, với hơn 8,260 dòng chảy thương mại công nghiệp được thiết lập bởi 59 ngành công nghiệp và 140 đối tác thương mại cho mỗi thành viên của OECD.
Kết quả nghiên cứu dữ liệu sau đó cho thấy, bức tranh thương mại toàn cầu được quyết định bởi hàng triệu liên kết là không chính xác, trên thực tế, dòng thương mại phân bổ cực kì tập trung, còn hầu hết các liên kết khác không mấy quan trọng. Đối với Mỹ, 99% dòng chảy thương mại chỉ chiếm 25% giá trị trao đổi thương mại. Nhưng số ít mới là quan trọng, dòng thương mại giữa 25 nước phát triển công nghiệp trung bình trong nhóm OECD lại giải thích cho 2/3 giá trị trao đổi thương mại và riêng 100 nền công nghiệp lớn nhất thế giới chiếm 85% giá trị thương mại.
Những dữ liệu ngay cả chi tiết nhất đều đã kết hợp rất nhiều công ty. Chẳng hạn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, dòng xe ô tô của Mỹ và Nhật Bản bao gồm GM, Ford và Chrysler đến Toyota, Nissan và Honda. Vì vậy, các nhà nghiên cứu hạ thấp xuống một cấp độ nghiên cứu nữa, chính là các công ty. Trong trường hợp nghiên cứu của Nhật Bản, họ tìm thấy độ tập trung không nhiều, khi 5 công ty hàng đầu Nhật Bản chỉ chiếm 20% giá trị xuất khẩu. Điều đó cho thấy rằng, thống kê tổng thể về biến động thương mại có thể chỉ xuất phát từ sự thay đổi hành vi của một doanh nghiệp.
Nhưng một số công ty chắc chắn có ảnh hưởng đủ lớn. Khảo sát ở Mỹ năm 2008 cho thấy, 981 công ty với hơn 10.000 nhân viên đã chiếm1/4 tổng số việc làm. Trong số 4,5 triệu công ty của Italia, có 96% thuộc cấp độ "vi mô" trong khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với số lao động ít hơn 10 người. Trong khi đó, số còn lại là người khổng lồ như Fiat. Ở Hàn Quốc, một mình Samsung đóng góp 17% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2011. Phần Lan có lẽ là ví dụ đặc biệt, khi người khổng lồ viễn thông của họ là Nokia đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu và 25% tăng trưởng GDP từ năm 1998 đến năm 2007.
Đây là một vấn đề khi đặt góc nhìn từ trên xuống của. nền kinh tế. Hãy tưởng tượng trong một nền kinh tế, nơi mà một công ty sản xuất ra tất cả mọi thứ, khi đó, biến động lợi nhuận của công ty đó xác định biến động GDP. Nhưng số lượng doanh nghiệp tăng lên thì biến động GDP bởi cú sốc của doanh nghiệp khi đó có thể bị triệt tiêu. Với 100 công ty, biến động sẽ giảm xuống 1/10 so với chỉ có 1 công ty. Với 1 triệu công ty, biến động giảm xuống một phần nghìn. Kể từ khi có nhiều công ty hơn, những cú sốc đối với toàn bộ nền kinh tế gây ra từ một công ty cụ thể dường như cũng biến mất.
Đó là lý thuyết, ở mức độ nào đó. Khi sự phân bố công ty theo kiểu "fat tail" (nghĩa là cùng lúc có cả nhiều công ty lớn và nhỏ), mối quan hệ lý thuyết trên bị phá vỡ. Một nền kinh tế cần 22.000 doanh nghiệp để biến động có thể giảm xuống 1/10 mức biến động khi chỉ có 1 công ty (có lẽ sẽ không bao giờ có đủ các công ty để điều đó xảy ra). Logic của sự đa dạng hóa không còn ý nghĩa khi các công ty đủ lớn và cú sốc ảnh hưởng ở tầm doanh nghiệp cụ thể là vấn đề quan tâm.
Xavier Gabaix tại đại học New York kiểm nghiệm lại lý thuyết mới đối với dữ liệu của 100 công ty lớn nhất của Mỹ từ năm 1951 đến năm 2008. Thực tế đã chứng minh các học thuyết của ông. Doanh số bán hàng của 100 công ty lớn nhất Mỹ tương đương 35% GDP năm 2009, so với 30% vào giữa những năm 1980. Doanh thu này lại có sự biến động trung bình khoảng 12%/năm. Hơn nữa, mối tương quan giữa các doanh nghiệp thấp do đó cú sốc khi xảy ra sẽ tác động lên những công ty cụ thể hơn là đến toàn bộ nền kinh tế. Tiếp theo ông Gabaix xét xem làm thế nào để cú sốc liên quan đến các công ty lớn giải thích cho sự thay đổi trong GDP. Kết quả kiểm nghiệm giả thuyết trên rất tốt, có đến 48% sự biến động GDP của Mỹ có thể được giải thích bởi tính hiệu quả trong hoạt động của các công ty lớn.
Tầm quan trọng của “những người khổng lồ” được mở rộng hơn trong thương mại. Một luận điểm phổ biến là thương mại làm giảm sự biến động: xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn có nghĩa là đa dạng hơn. Nhưng một báo cáo năm 2012 của hai tác giả Julian di Giovanni (IMF) và Andrei Levchenko (Đại học Michigan) cho thấy, trao đổi thương mại nước ngoài nhiều hơn phản ánh nền kinh tế đang phó thác số phận nhiều hơn cho các công ty lớn bởi họ trao đổi thương mại không cân xứng.
Các ngân hàng trung ương cần lưu ý, kết quả nghiên cứu của ông Gabaix cho thấy họ nên quan tâm đến cú sốc của những công ty lớn để cải thiện dự báo kinh tế. Các mô hình chi phối quyết định đối với toàn nền kinh tế (giống như các quyết định mà Fed đưa ra trước cuộc họp tuần này) có thể được cải thiện bằng cách tập trung xét xem các doanh nghiệp lớn đang làm thế nào.
Những gì tốt cho GM cũng thực sự tốt cho nước Mỹ nhưng ngược lại khi các công ty lớn làm ăn không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Ford, GM và Chrysler sử dụng gần nửa triệu lao động nhưng khi thị trường lao dốc mạnh vào cuối năm 2008, họ phải cần đến hàng tỷ USD tiền cứu trợ của người đóng thuế. Và vấn đề là tình trạng "quá lớn để sụp đổ" đã vượt ra khỏi khuôn khổ ngành ngân hàng.
Nguồn Economist/Dân Việt