Những ngày tươi mới giữa hoang mạc
“Hãy nhìn quanh chúng tôi đi, anh thấy gì? Sỏi đá, hoang mạc và đầy rẫy những xung đột. Chúng tôi chỉ có một con đường, tiến lên hoặc chết. Điều đó đã tiếp sức mạnh cho toàn bộ chúng tôi vượt lên những thử thách. giờ đây, chúng tôi tiếp tục đặt ra những thử thách mới cho chính mình”.
Lời giải nghĩa ngắn gọn và xúc tích này là hàm ý chung của 3 người làm việc ở 3 lĩnh vực khác nhau mà tôi có dịp gặp ở thành phố cổ Jerusalem gồm: một nhà báo chuyên mảng thời sự quốc tế, một cô giám đốc truyền thông tập đoàn y dược đa quốc gia và một nhà lãnh đạo thành phố. Ngôn từ sắc gọn thể hiện cả ý chí pha lẫn sự hứng thú khi bứt phá giới hạn của thử thách. Họ là một trong nhiều người Do Thái mà tôi gặp gỡ trong hành trình khám phá Quốc gia Khởi nghiệp (Startup Nation) được cả thế giới khâm phục.
Hoang mạc xanh tươi
Trong một tuần đến và di chuyển nhiều nơi, từ Jerusalem đến Tel Aviv, Biển Chết hay giữa lòng hoang mạc, tôi không nhận ra một dấu hiệu ngừng trệ nào của sự sống năng động nơi đây, hàng hàng lớp lớp chà là phủ xanh kéo dài suốt một quãng xa ở chân trời, thi thoảng bị kéo gần lại ngay trước mặt, kề sát bên cao tốc, xung quanh vẫn là hoang mạc. Sức sống xanh tươi đó đến từ công nghệ xử lý nước thải và tưới tiêu của Israel đã nổi tiếng trên thế giới và xuất khẩu sang tận Việt Nam.
Xe dừng ở một khu nghỉ ngơi phủ đầy hoa cỏ và cây xanh ngay từ lối vào xen lẫn những ngôi nhà mái lợp xinh đẹp. Đây không phải resort, cũng không phải ốc đảo như trong các phim mà tôi thường xem mỗi khi đoàn thương nhân nghỉ chân cho chuyến hành trình vượt sa mạc kế tiếp.
Đây là kibbutz, và Israel có nhiều kibbutz như vậy trong hoang mạc. Trải nghiệm ít nhất vài tiếng đồng hồ ở kibbutz là điều mà bất kỳ ai cũng nên làm khi đến Israel. Một cuộc sống cộng đồng trong mơ được hình thành từ những năm 1910, một hình thái xã hội chủ nghĩa cơ bản, nơi một tập thể cùng sinh sống chan hòa, phân chia công bằng, dịch vụ công ích miễn phí...
Để kiểm chứng, tôi dạo qua khu nhà ăn tập thể, nó không như các nhà ăn tập thể xoàng xĩnh mà các bàn ăn, tủ đông nước ngọt ngăn nắp như một nhà hàng 3 sao với khu bếp gọn gàng, vệ sinh được một đội ngũ ăn mặc chỉnh tề đang hì hụi chuẩn bị cho bữa trưa. Họ không chuẩn bị bữa trưa cho tôi, họ chuẩn bị cho những thành viên của cộng đồng trong kibbutz của mình đang đi làm bên ngoài.
Tiếng đùa giỡn của trẻ em kéo tôi ra khỏi khu nhà ăn, đến với một khu vườn trẻ kiểu mẫu “nhà trẻ cao cấp” tầm 20 trẻ đang chơi đùa với 5 cô giáo. Bọn trẻ đứa ngơ ngác, đứa tinh nghịch chào hỏi, trong khi cô bảo mẫu trông chừng người lạ là tôi.
“Ba mẹ bọn trẻ đi làm cả ngày, chỉ việc giao con cho chúng tôi và chiều hoặc đến tối là nhận về”, một cô bảo mẫu trả lời khi tôi hỏi về ba mẹ bọn trẻ. Cô nói trong khu kibbutz này, có 2 nhà trẻ cho các lứa tuổi, những đứa lớn hơn thì sẽ có xe buýt chở đi sang trường trung học ở một kibbutz khác gần đây vào mỗi sáng. Hầu như ba mẹ không cần lo đến việc chăm sóc chúng. Ở kibbutz mỗi người một việc và ai cũng cần làm tròn việc mình được giao.
Trước cửa công ty xử lý nước thải Igudan. |
Một guồng quay hoàn hảo với rất nhiều câu hỏi đặt ra. “Dĩ nhiên nó là một hình mẫu mà chúng tôi hướng tới, nhưng đúng như câu hỏi anh đặt ra, chúng tôi có một hội đồng công dân để giải quyết những mâu thuẫn, phân công công việc và quyền lợi cho phù hợp và công bằng. Ngoài ra, hiện nay, kibbutz đã bắt đầu trả tiền lương cho các thành viên cộng đồng thay vì các loại vật chất khác như phần ăn và mọi thứ cần cho sinh hoạt khác”, Trưởng đại diện kibbutz trả lời tóm gọn cho nhiều câu hỏi của tôi.
“Đúng là bản chất con người luôn có sự ích kỷ và tham lam, chúng tôi cũng không phải ngoại lệ, phải đối mặt với chuyện đó và hội đồng công dân sẽ là quyết định cuối cùng”.
Nền kinh tế của kibbutz là chà là xuất khẩu cùng đàn bò sữa. Mỗi gốc cây chà là là một đường dẫn nước nhỏ giọt được điều chỉnh áp lực cung cấp lượng nước vừa đủ nhất cho mỗi gốc cây lớn nhỏ trong kibbutz, cho đến rừng chà là bên ngoài. Đó là công nghệ tưới tiêu của Israel mà nông dân ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng đã áp dụng. Nhưng nguồn nước tưới tiêu đến từ đâu giữa hoang mạc?
Nước thải sinh hoạt từ 7.000 nhà máy, 2,5 triệu hộ gia đình ở Jerusalem cùng nhiều thành phố khác được chuyển đến Igudan, một nhà máy xử lý và tái tạo nước thải bằng công nghệ vi sinh, lọc nước bẩn qua nhiều hệ thống và công nghệ khác nhau để cho ra loại nước tưới tiêu đủ chuẩn cho khoảng 16 khu vực rộng lớn và 7 thành phố, tỉnh lân cận. Không chỉ vậy, công nghệ xử lý nước tại Israel còn ở các cấp độ khử mặn, xử lý nước biển sang nước uống, tác động cải tạo chất lượng nước mưa... biến các khu vực sỏi đá thành những đồn điền trù phú.
Israel không chỉ phát triển về công nghệ vi sinh, hóa sinh, khoa học đời sống, mà còn có những phát minh đột phá trong khoa học máy tính - vũ trụ, công nghệ quốc phòng - an ninh mạng, những công nghệ cách tân trong các thiết bị thông minh... Và cái nôi của những sáng tạo đến từ văn hóa khởi nghiệp và môi trường ươm mầm từ các trường đại học, hay các vườn ươm khởi nghiệp do thành phố hay Chính phủ thành lập.
Sáng tạo không ngừng
Tại Đại học Hebrew, tinh thần khởi nghiệp được khơi gợi ngay từ cửa bước vào Con đường Các nhà sáng tạo, một không gian vinh danh các giáo sư, nhà khoa học và cả những doanh nhân đã có sản phẩm đột phá, từ cà chua bi, khả năng thay đổi gen loài cá, hoặc hoa, công nghệ chip thông minh tăng độ an toàn cho người lái xe hơi... Và đó chỉ là mở đầu trong rất nhiều phương thức hỗ trợ của nhà trường để sinh viên thỏa sức nghiên cứu sáng tạo.
Con đường Các nhà sáng tạo tại Đại học Hebrew. |
Một hệ thống máy tính trung tâm khổng lồ có thể xử lý những nghiên cứu của sinh viên, các giáo sư luôn sẵn sàng giải đáp thậm chí tranh cãi cho ra chuyện cùng sinh viên để có thể tiến xa hơn. Sinh viên luôn được khuyến khích hỏi và từ kinh nghiệm thực tiễn, họ luôn đặt ra những câu hỏi về cuộc sống rồi tìm cách giải đáp hoặc cải tiến nó tốt hơn.
Từ một nhóm làm phần mềm quản lý thư viện tiến đến một công ty startup Ex Libris tầm vóc toàn cầu, đạt trị giá 500 triệu USD trong thương vụ thâu tóm (12.2015) của ProQuest, hoặc khoản đầu tư khổng lồ 15,3 tỉ USD (3.2017) của Intel vào startup Mobileye, công ty khởi nghiệp Israel về chip thông minh cảnh báo an toàn cho tài xế. Trước Mobileye là thương vụ Google mua lại startup hệ thống dẫn đường nguồn cộng đồng Waze với 1 tỉ USD (năm 2013).
“Sinh viên luôn được khuyến khích xem chính mình là thế hệ doanh nhân khởi nghiệp kế tiếp, để sáng tạo vượt qua những thử thách hiện tại và cả những thử thách mới”, bà Billy Shapira, Hiệu trưởng Đại học Hebrew, chia sẻ. Đến nay, Đại học Hebrew có 9.826 bằng sáng chế, 2.753 sáng chế (trung bình 150 mỗi năm), 600 sản phẩm đã thương mại hóa, 880 bản quyền phát minh và 120 công ty nhóm hàng đầu ra đời từ trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tạo ra doanh thu thường niên 10 triệu USD.
Các vườn ươm hỗ trợ công ty khởi nghiệp cùng chính sách khuyến khích môi trường khởi nghiệp - đầu tư thực tiễn của các thành phố như Jerusalem và Tel Aviv đã mang lại những kết quả thành công hơn mong đợi.
Những điều trên góp phần tạo nên một quốc gia khởi nghiệp với những thế hệ trẻ sục sôi tiếp nối tinh thần và văn hóa ấy. Trong những ngày ở Israel, tôi được thấy một hoang mạc tươi mới, được gặp những con người đại diện cho lứa các nhà khởi nghiệp được nhắc đến trong cuốn Startup Nation (Quốc Gia Khởi Nghiệp), họ đi từ trang sách ra thực tế và họ không bao giờ dừng lại. Một hành trình mới mở ra khi ta chọn những thử thách mới.