Ảnh: The Economist

 
Bảo Hân Thứ Năm | 06/01/2022 14:47

Những nền kinh tế nào đã vượt trội và bị bỏ lại phía sau trong đại dịch?

23 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được đặt lên cán cân và "tranh đua" theo 5 thước đo do The Economist đặt ra.

Tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau khó khăn năm 2020 đã khiến nhiều nhà dự báo ngạc nhiên. Sản lượng của 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cộng lại có lẽ đã vượt qua mức trước khủng hoảng vào vài tháng trước. Tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong toàn tổ chức là 5,7%, ngang với mức trung bình sau chiến tranh. Tổng thu nhập hộ gia đình, điều chỉnh theo lạm phát, cao hơn mức trước khủng hoảng. Dù trong năm có xuất hiện thêm vài biến chủng Corona mới, bức tranh tổng thể vẫn rất dễ chịu. Nhưng đại dịch đã tạo ra kẻ thắng người thua - và sự phân tán giữa chúng có thể sẽ kéo dài vào năm 2022.

 

Để đánh giá những khác biệt này, The Economist đã thu thập dữ liệu về năm chỉ số kinh tế và tài chính - GDP, thu nhập hộ gia đình, hiệu suất thị trường chứng khoán, chi phí đầu tư và nợ của chính phủ — đối với 23 quốc gia giàu có. Từng nền kinh tế được xếp hạng theo mức độ hoạt động dựa trên từng chỉ số, tạo ra một bảng tổng thể (xem biểu đồ). Một số quốc gia vẫn nằm “dưới hố”, trong khi những quốc gia khác đang phát triển tốt hơn so với trước đại dịch theo hầu hết mọi thước đo. Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đều ở gần top đầu, và nền kinh tế Mỹ cũng hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, nhiều nước lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Đức và Ý, thì lại không tốt bằng. Trong đó, Tây Ban Nha là tệ nhất.

Một số quốc gia vẫn nằm “dưới hố”

Sự thay đổi về sản lượng tổng thể kể từ cuối năm 2019 vẽ nên cái nhìn toàn diện về sức khỏe kinh tế. Một số quốc gia luôn có vẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh cấm du lịch và sự suy giảm trong chi tiêu dịch vụ - đặc biệt là các quốc gia ở Nam Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào du lịch. Các quốc gia khác, bao gồm Bỉ và Anh, lại có tỉ lệ nhiễm và tử vong do COVID cao, khiến chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế.

Dữ liệu chi tiết giúp ta dễ dàng thấy rõ hơn. Sự thay đổi trong thu nhập hộ gia đình cho thấy các hộ đã đóng góp vào nền kinh tế nhiều như nào, vì con số này không chỉ bao gồm thu nhập từ việc làm mà còn bao gồm các khoản tài trợ từ chính phủ. Những thước đo của The Economist đều đặt trong điều kiện thực tế, đã được điều chỉnh để giảm sức mua do sự gia tăng của lạm phát gần đây.

Ở một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia nơi tác động của virus tương đối nhẹ, thị trường lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều, cho phép mọi người tiếp tục kiếm tiền. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hầu như không nhúc nhích kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ngược lại, tỷ lệ của Tây Ban Nha tăng 3 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2020.

Một số chính phủ đã bù đắp một khoản tiền lớn cho người dân bị mất thu nhập lao động, trong đó có Mỹ. Tại Mỹ, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khi nền kinh tế suy thoái, các hộ gia đình đã nhận được hơn 2 triệu USD từ các khoản chuyển nhượng của chính phủ trong năm ngoái và năm nay, dưới dạng trợ cấp thất nghiệp bổ sung và stimulus cheques (séc do chính phủ Hoa Kỳ gửi cho người đóng thuế). Canada đã thực hiện biện pháp tương tự. Tuy nhiên, các quốc gia khác, chẳng hạn như Baltics, tập trung sức mạnh tài chính của họ vào việc bảo vệ dòng tiền của các công ty hoặc mở rộng năng lực chăm sóc sức khỏe. Áo và Tây Ban Nha dường như không bảo toàn việc làm cũng như không bồi thường cho những người bị thiệt hại: ở cả hai quốc gia, thu nhập thực tế của các hộ gia đình vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 6%.

Còn các công ty thì sao? Hiệu suất thị trường chứng khoán cho thấy thực trạng của họ, cũng như sức hấp dẫn của một quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giá cổ phiếu ở Anh thấp hơn một chút so với trước đại dịch — có lẽ đây là tác động do Brexit mang lại. Anh cũng có ít công ty trong các lĩnh vực tăng trưởng cao hưởng lợi từ việc công nghệ được sử dụng rộng rãi và lãi suất thấp do đại dịch. Mỹ, quốc gia có nhiều công ty như vậy, đã chứng kiến ​ thị trường chứng khoán nhảy vọt. Nhưng trên sàn giao dịch Bắc Âu, nơi giá cả tăng, thì lại không có gì cả. Ba trong số mười công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường trên thị trường Đan Mạch thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đây là loại cổ phiếu nên giữ trong thời đại dịch.

Chi phí đầu tư, thước đo thứ 4, cho thấy mức độ lạc quan của các doanh nghiệp về tương lai. Một số quốc gia đang trong giai đoạn bùng nổ kinh tế, ví dụ như ở Mỹ, các doanh nhân nhìn nhận ra cơ hội trong bối cảnh đại dịch và các công ty đang chi lớn cho khoản công nghệ để làm việc tại nhà hiệu quả hơn. Vào tháng 10, ngân hàng Goldman Sachs, dự báo rằng các công ty thuộc S&P 500 sẽ chi nhiều hơn 18% cho vốn đầu tư, nghiên cứu và phát triển vào năm 2022 so với năm 2019. Ngược lại, đầu tư vào một số nơi khác lại giảm nhẹ. Trong đó, Na Uy đã cắt giảm đầu tư dầu khí.

 

Chỉ số cuối cùng là nợ công. Khi tất cả thước đo khác đều ngang nhau, mà nợ chính phủ lại tăng cao thì đó là điềm xấu, vì nợ cho thấy tiềm năng tăng thuế lớn và cắt giảm chi tiêu trong tương lai. Không phải quốc gia nào cũng có những khoản nợ khổng lồ trong thời kỳ đại dịch, ngay cả khi Mỹ, Anh, Canada và những nước khác chắc chắn có. Nợ công của Thụy Điển chỉ tăng sáu điểm phần trăm tính theo tỷ trọng GDP. Phản ánh việc quốc gia này phần lớn trách được các đợt phong tỏa do đại dịch và không cần hỗ trợ tài chính nhiều.

Sự phục hồi kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2022 mặc cho sự lan rộng của biến thể Omicron. OECD kỳ vọng một số quốc gia có thành tích kém nhất sẽ bắt đầu tăng tốc: ví dụ như Ý, được dự báo sẽ tăng 4,6% vào năm 2022, cao hơn mức trung bình 3.9% của toàn tổ chức.

Nhưng những nước bị bỏ lại còn một chặng đường dài phải đi. Vào cuối năm tới, OECD dự kiến ​​tổng GDP của ba quốc gia xếp hạng cao nhất của tổ chức sẽ cao hơn 5% so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, sản lượng của ba nước thể hiện kém nhất dự kiến ​​sẽ chỉ cao hơn 1% so với thời trước Covid. Nói cách khác, những tác động không đồng đều do đại dịch sẽ còn âm ỉ.

Nguồn The Economist