Thứ Ba | 30/04/2013 14:11

Những lý do thực sự gây lo ngại về kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm”? Có nên kích thích tăng trưởng? Những câu hỏi vô tình bỏ qua lý do thật sự khiến chúng ta nên lo lắng về Trung Quốc.

Thế giới đang lo lắng về Trung Quốc nhưng không phải vì những lý do chính đáng. Thị trường tài chính toàn cầu từng dậy sóng sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 7,7% trong quý I/2013. Con số tăng trưởng này là điều đáng mơ ước với nhiều nước khác nhưng lại là nỗi thất vọng đối với một nước đã thường xuyên tăng trưởng trên 10% trong khoảng 30 năm gần đây.

Các nhà kinh tế còn đang bận rộn với tranh cãi: nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm”? Chính phủ có tiếp tục kích thích tăng trưởng hay không? Những câu hỏi đó, vô tình đã bỏ qua một bức tranh lớn hơn.

Thực tế là Trung Quốc không có khả năng lặp lại một tỷ lệ tăng trưởng cao như trước, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Thậm chí, chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến con số hơn 10% tăng trưởng được lặp lại thêm một lần nào nữa.

Sự giảm sút gần đây tại Trung Quốc không phải do tính chu kỳ tạm thời. Sự thật là mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã bị phá vỡ và không dễ gì để ổn định trở lại. Kể từ khi bắt đầu cải cách trong những năm 1980, Trung Quốc đã ném hàng tấn tài nguyên thiên nhiên cho một nền kinh tế hiện đại hoá, cùng cả núi tiền để xây dựng nhà máy, đường giao thông, tòa tháp, căn hộ và hàng triệu người lao động nghèo vào sản xuất cho iPhone, iPad, quần jeans và xe hơi. Tại Trung Quốc, quan chức thường nắm quyền quản lý nguồn kinh phí đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn hoặc các ngành công nghiệp ưu tiên.

Tuy nhiên, động cơ tăng trưởng này không thể tiếp tục mãi. Lượng lao động từng lấp đầy dây chuyền lắp ráp của Foxconn đang giảm nghiêm trọng do chính sách một con của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo hiện tượng già hóa dân số nhanh chóng hơn. Hiện nay, lực lượng lao động đã bắt đầu thu nhỏ. Đáng lo ngại hơn, các nhà lãnh đạo và nhà đầu tư bị ám ảnh bởi hệ thống gánh trên vai quá nhiều nợ, quá nhiều nhà máy, dẫn đến nguồn lực bị lãng phí và lĩnh vực tài chính mất giá trị.

Chính sách một con và già hóa dân số đang đe dọa sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Chính sách một con và già hóa dân số đang đe dọa sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Đây là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Dấu hiệu của suy thoái hiện lên rõ ràng ở khắp mọi nơi. Trong quá trình tài trợ vốn cho dự án năng lượng xanh, các ngân hàng Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời, tạo ra hàng trăm nhà máy và khung vòm để đưa Trung Quốc trở thành nơi sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Thật không may, chính lĩnh vực sản xuất tham vọng nhất lại trở thành nạn nhân của sự dư thừa. Các công ty đang thất bại, gần đây nhất là sự phá sản của Suntech Power, công ty giữ vai trò lãnh đạo thị trường.

Trong lĩnh vực sản xuất thép, các nhà máy tiếp tục đầu tư mới mặc dù nợ và thiệt hại không ngừng gia tăng. Sự hỗ trợ từ các quan chức địa phương, mong muốn tạo ra công ăn việc làm, không thấm vào đâu so với các chi phí khổng lồ phải bỏ ra.

Các khoản đầu tư như vậy thúc đẩy tăng trưởng GDP nhưng không phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế, đầu tư của Trung Quốc không mấy hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước được trợ cấp đã nuốt chửng phần lớn khoản tín dụng trong khi công ty tư nhân nhanh nhẹn hơn đang “chết đói”.

Thị trường bất động sản Trung Quốc bùng nổ bong bóng, bất chấp những nỗ lực làm dịu của chính phủ. Đáng sợ nhất, nợ công tăng lên chóng mặt. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho biết nợ công Trung Quốc đạt 198% GDP cuối năm 2012, tăng chóng mặt từ 125% GDP năm 2008. Nợ chính quyền địa phương cũng leo thang trong những năm gần đây, ước tính khoảng 2000 tỷ USD, tương đương 25% GDP.

Rủi ro càng tăng lên bởi sự xuất hiện của "bong bóng ngân hàng", nơi nhiều khoản cho vay bí mật thường được giữ nằm ngoài bảng cân đối của các ngân hàng. George Soros mới đây đã cảnh báo đó có thể nguy hiểm như chứng khoán thế chấp độc hại dưới chuẩn từng làm chao đảo phố Wall.

Những người lạc quan cho rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ giải quyết mọi vấn đề và vẫn giữ được sự ổn định cho nền kinh tế. Ở thế cực đối lập, những người bi quan cảnh báo một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra tương tự như khủng hoảng nợ đã lật đổ các nền kinh tế khác.

Bất chấp mọi chia rẽ về quan điểm, tất cả mọi người đều thống nhất cho rằng tình hình hiện nay không thể kéo dài. Nền kinh tế Trung Quốc đòi hỏi ngày càng nhiều nợ để sản xuất cùng một sản lượng đầu ra. Trung Quốc muốn giữ mô hình tăng trưởng hiện tại đang vận hành, do đó nợ phải tiếp tục tăng, lên mức nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Ngoài ra còn có sự đồng thuận về các giải pháp. Các nhà kinh tế đã cảnh báo trong nhiều năm rằng Trung Quốc phải giảm sự phụ thuộc vào đầu tư cho sự phát triển và "tái cân bằng" để cho phép tiêu thụ đóng một vai trò lớn hơn. Quan chức chính phủ chỉ ra dấu hiệu của sự tiến bộ khi mà GDP quý I được thúc đẩy bởi tiêu dùng tăng hơn so với đầu tư. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân so với GDP ở Trung Quốc vẫn thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Đơn giản bởi vì chính phủ đã ngần ngại trước những cải cách cần thiết để thay đổi điều đó. Hệ thống trợ cấp chăm sóc sức khỏe nghèo nàn và buộc các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn. Bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế lớn được thực hiện sau khủng hoảng năm 2008, giới doanh nhân ở Trung Quốc vẫn nói về một "thập kỷ mất mát" của quá trình cải cách đình trệ.

Ngay cả khi cải cách nhanh chóng hơn và tiêu dùng của người dân cao hơn, nền kinh tế Trung Quốc có thể vẫn chậm lại. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chậm chạp trong cải cách, tăng trưởng có thể còn chậm hơn, như việc lắp ráp một mô hình cũ đã nghe thấy tiếng cọt kẹt. Điều đó có nghĩa trong mọi kịch bản, thế giới không thể chứng kiến một Trung Quốc tăng trưởng cao hơn để bù lại phần giảm sút của Mỹ và châu Âu đang lún sâu trong nợ nần và thất nghiệp.

Một Trung Quốc phát triển chậm hơn thực sự là một điều tốt. Cải cách giúp cho nền kinh tế Trung Quốc cân bằng trở lại, ít rủi ro hơn và ổn định hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ lớn hơn nhiều nếu Trung Quốc chỉ nghĩ đến tăng trưởng của riêng mình, điều có thể đẩy nền kinh tế cần vay nợ nhiều hơn vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đây mới chính là điều thực sự gây lo ngại về Trung Quốc.

Nguồn Dân Việt/Time


Sự kiện