Thứ Sáu | 17/05/2013 11:36

Những kỳ tích của nhà tài phiệt Soros

Tỷ phú đầu cơ George Soros luôn khiến thế giới tài chính phải bất ngờ trước những quyết định đầu tư làm chao đảo thị trường.
George Soros sinh ra ở Hungary. Tuổi thơ của nhà tỷ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Năm 1947, Soros sang London một mình, bắt đầu cuộc đời khốn khó của dân nhập cư, kiếm kế sinh nhai bằng các nghề từ bồi bàn đến thu hoạch táo và sơn nhà thuê.

George Soros vào học tại Học viện Kinh tế - Chính trị London (London School of Economics) và tốt nghiệp năm 1952. Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với gia đình và nhập quốc tịch Mỹ. Ông bắt đầu khởi nghiệp với 5000 USD. Phương châm của Soros khá đặc biệt: trong kinh doanh, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền.

Năm 1973, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực buôn bán chứng khoán, ông lập công ty quản lý tài chính Soros với số vốn 17 triệu USD. Năm 1979 sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu USD.

Soros là chủ của Soros Quantum Fund. Năm 1998, giá trị của quỹ này tăng lên tới 6 tỷ USD. Bằng những phân tích chiến lược, Soros đã nhanh chóng đưa quỹ đầu cơ Quantum - quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên trên thế giới thành một quỹ có tầm ảnh hưởng lớn. Quỹ Quantum của ông bao gồm một loạt nhà đầu tư lắm tiền, nhiều của thường kiếm lợi qua đầu cơ, gây mất ổn định các đồng tiền nước ngoài.

Nhiều chuyên gia kinh tế phố Walls cho rằng Soros là một con người kỳ lạ, trong khi mọi người đi bên phải, riêng Soros đi bên trái nhưng lại tỏ ra là mình đang đi đúng hướng.

Trong 20 năm qua, ông luôn được xếp trong số những người giàu nhất hành tinh. Tại nước Mỹ, Soros đứng thứ 24 với tổng tài sản 7,2 tỷ USD.

Những cú đầu tư kỷ lục

Soros được mệnh danh là kẻ "phá sập" Ngân hàng trung ương Anh.
Soros được mệnh danh là kẻ "phá sập" Ngân hàng trung ương Anh.

Giới quan sát cho rằng: Soros là tác nhân chính làm chao đảo Ngân hàng Trung ương Anh năm 1992, gây ra sự đổ vỡ của đồng rúp Nga năm 1998 và cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997.

Thủ đoạn chính của Soros là mua vào, bán ra các loại ngoại tệ mạnh để kiếm lời. Chẳng thế mà với số vốn ban đầu chỉ có 6 triệu USD năm 1969 đến năm 1999, Quantum đã có 5,5 tỷ USD.

Khi thị trường chứng khoán của Nhật Bản đổ vỡ năm 1990, người ta lập tức liên hệ đến George Soros bởi mối quan hệ khá mật thiết với Quỹ đầu tư Salomon Brothers. Trong vụ này, Salomon Brothers là thủ phạm khởi động nền kinh tế bong bóng vào mùa đông năm 1989 và cũng chính hãng này làm nó đổ vỡ hoàn toàn vào năm 1990.

Tháng 9/1992, Soros đưa ra lời dự đoán nổi tiếng nhất. Bằng khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào đồng bảng Anh (GBP), George Soros chính là người đã làm cho đồng GBP phải rút khỏi hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM).

Nạn nhân tiếp theo của George Soros bị ảnh hưởng bởi dây chuyền khủng hoảng kinh tế châu Á chính là Mỹ. Cuộc khủng hoảng này đã tràn đến phố Walls vào tháng 10/1997, gây tâm lý lo ngại sự sụp đổ hàng loạt các thị trường tài chính trên thế giới khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu tại Mỹ vào ngày 27/10. Cũng vào ngày hôm đó, chỉ số Dow Jones đã xuống 554,26 điểm, phá vỡ mức kỷ lục của “Ngày thứ hai đen tối” ở Mỹ vào năm 1987.

Giữa những năm 90, thông qua các quỹ mở, Soros đã bơm tổng cộng 1 tỷ USD vào Nga, lũng đoạn thị trường hối đoái Nga, trục lợi qua sự kiện sụp đổ của đồng Rúp. Gần đây nhất, ông lại tìm cách can thiệp vào chính trường Ukraina, Kazakhstan .

Gần đây nhất, tỷ phú này đã kiếm được 1 tỷ USD kể từ tháng 11/2012 nhờ dự đoán đồng yên Nhật sẽ lao dốc. Nhiều thông tin đồn đoán, nạn nhân tiếp theo của Soros có thể là đô la Australia và bảng Anh. Thực tế, đồng Aussie của Australia giảm mạnh ngay sau khi Sydney Morning Herald đưa tin một nhà đầu tư bí mật, và rất có thể là quỹ đầu tư Soros đã đặt cược tổng cộng 1 tỷ USD vào đồng Aussie thông qua thị trường Hong Kong và Singapore.

Nguồn Tổng hợp/Dân Việt


Sự kiện