Những kịch bản mà kinh tế Mỹ phải đối mặt
Năm 2011, các nghĩ sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thống nhất nếu không đạt được thỏa thuận mới nào thì sẽ tự động cắt giảm chi tiêu và tăng thuế với tổng trị giá lên tới 600 tỷ USD, tương đương 4% GDP.
Quy định miễn giảm thuế thu nhập cá nhân được đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush, nhưng trong bốn năm của nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama, nhằm cứu nền kinh tế và chạy đua tranh cử cho nhiệm kỳ sau, ông Obama đã cho kéo dài quy định này đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn "bờ vực tài khóa" vẫn đang bế tắc do bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Nhà Trắng và phe Dân chủ kiên quyết đòi phải tăng thuế đối với thiểu số 2% những người giàu nhất nước Mỹ, trong khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại quốc hội vẫn dứt khoát tuyên bố sẽ bác bỏ mọi đề xuất bao gồm việc tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu.
Kịch bản xấu nhất và có ít khả năng xảy ra là kinh tế Mỹ rơi vào "bờ vực tài khóa". Kịch bản này nếu xảy ra sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, nếu Nhà Trắng và quốc hội không thể đạt được thỏa thuận trong vài tuần hoặc vài tháng tới, tất cả mọi đối tượng ở Mỹ sẽ phải đối mặt với vấn đề tăng thuế. Trong đó, Lầu Năm Góc là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 1.000 chương trình chính phủ bị cắt giảm và hàng ngàn công nhân trong lĩnh vực công bị cho nghỉ không lương hoặc sa thải hoàn toàn.
Theo dự báo của Ủy ban ngân sách quốc hội Mỹ, nếu kịch bản "bờ vực tài khóa" xảy ra, GDP của Mỹ sẽ bị giảm 3,9% và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Giới chuyên gia nhận định, những tác động của "bờ vực tài khóa" sẽ không giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn lan rộng ra toàn thế giới, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, tình trạng suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, "bờ vực tài khóa" của Mỹ là nguy cơ ngắn hạn lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế thế giới.
Dưới đây là 3 kịch bản về các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và quốc hội có thể ngăn chặn được kinh tế Mỹ rơi vào "bờ vực tài khóa".
Thỏa thuận hạn chế trước ngày 1/1
Đây là những gì các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được kể từ hội nghị thượng đỉnh cuối cùng diễn ra vào ngày 28/11. Hai bên có thể sẽ đạt được một thỏa thuận hạn chế tại thượng viện, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số. Tuy nhiên, thỏa thuận này là chưa đủ bởi bất kỳ dự luật nào cũng cần được hạ viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua.
Không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/1, nhưng đạt được sau đó:
Ngay cả khi quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/1 thì Mỹ vẫn sẽ không rơi vào "bờ vực tài khóa" ngay lập tức. Sẽ có khoảng 2 tuần đến 1 tháng trước khi kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng, mà biểu hiện đầu tiên là giá cổ phiếu sụt giảm.
Do đó, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn thời gian để đạt được thỏa thuận, bao gồm các vấn đề như tăng thuế, giảm tiền lương cho các bác sĩ, giảm lương hưu hoặc chi phí an sinh xã hội.
Đạt được thỏa thuận
Thỏa thuận nhằm ngăn chặn "bờ vực tài khóa" là những gì mà tổng thống Obama và chủ tịch hạ viên John Boehner hiện vẫn đang đàm phán.
Trong khi ông Boehner phải thuyết phục được đảng Cộng hòa đồng ý với ý tưởng tăng thuế thì ông Obama phải thuyết phục đảng Dân chủ thông qua kế hoạch cắt giảm một số chương trình an sinh xã hội, trong đó bao gồm cả những chương trình y tế như Medicare và Medicaid dành cho người già và người nghèo. Đây là những điều không hề đơn giản.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng việc tránh được "bờ vực tài khóa" sẽ không giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng đột phá bởi doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn phải đợi sang năm tới trước khi thỏa thuận chi tiết được hoàn thành.
Nguồn FT/Khampha