Những khác biệt trong chính sách đối ngoại của hai ứng viên tổng thống Mỹ
Mặc dù vẫn duy trì được lợi thế dẫn đầu so với ứng cử viên đảng Cộng hòa bất chấp sự đi xuống của kinh tế Mỹ, song nhiều người vẫn cho rằng điểm mạnh của đương kim tổng thống Obama không nằm ở cách điều hành kinh tế mà là ở chính sách đối ngoại. Thậm chí, xét ở góc độ nào đó, ứng cử viên Mitt Romney được đánh giá cao hơn về cách quản lý nền kinh tế quốc gia.
Do đó, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đang ra sức thể hiện những thay đổi mới trong chính sách đối ngoại của mình nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri.
Dưới đây là một vài trong số những khác biệt về chính sách đối ngoại giữa đương kim tổng thống Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney:
1. Iran
Khi nhắc tới các vấn đề đối ngoại liên quan tới nhà nước Hồi Giáo này, cả hai ứng cử viên đều cho rằng Tehran không được phép tăng cường làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt phương pháp giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran giữa ông Obama và Romney.
Về phần mình, ông Obama phản đối mọi ý tưởng tấn công quân sự vào Iran trong ngắn hạn, nhằm phá hoại các cơ sở hạt nhân bị nghi ngờ là nơi chế tạo vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ cho rằng trừng phạt và đàm phán là hai cách thức giải quyết vấn đề hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, bản thân ông Obama cũng thừa nhận rằng, chỉ có can thiệp quân sự mới ngăn được Tehran chế tạo bom hạt nhân.
Trái ngược với đối thủ của mình, ông Romney cho rằng Iran hiển nhiên là một nguy cơ đối với an ninh nước Mỹ. Ông Romney cũng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ việc Israel can thiệp quân sự với Iran. "Tất nhiên Israel có thể tiến hành các hoạt động quân sự nếu các biện pháp trừng phạt và chống đối nội bộ không thuyết phục được Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân", ông Romney nói.
2. Afghanistan
Đối với cuộc chiến tại Afghanistan, cả ông Obama và Romney đều chung quan điểm rằng chiến tranh đã kết thúc và Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn vào năm 2014, bất chấp ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, ông Mitt Romney lại tỏ ra không tán thành với tốc độ và phạm vi của rút quân do ông Obama đề xuất, dù ông cũng đồng ý năm 2014 sẽ là thời điểm quân đội Mỹ hoàn toàn rời khỏi Afghanistan.
Ông Romney cũng cho rằng ông sẽ tham khảo các điều kiện hiện tại cũng như lời khuyên của các tướng lĩnh để rút ngắn thời hạn rút quân so với cách làm của ông Obama.
3. Nga
Chính sách đối ngoại đang trở thành ưu tiên hàng đầu của hai ứng cử viên tổng thống. |
Mặc dù nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga của ông Obama đôi khi bị làm mở bởi những mâu thuẫn giữa Matxcơva và Washington trong một số vấn đề như Syria, Iran, song nhìn chung trong suốt thời kỳ ông Obama đương nhiệm, mối quan hệ giữa hai nước đã có những cải thiện nhất định. Điển hình như mới đây, Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận giảm kho vũ khí hạt nhân, đồng thời Washington cũng chính thức bình thường hóa vĩnh viễn quan hệ thương mại với Matxcơva.
Trái lại, ông Romney cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ thỏa thuận với Nga nếu như trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
4. Syria
Tổng thống Syria Bashar al Assad phải từ chức - đó chính là quan điểm chung của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ.
Tổng thống Obama mới đây cũng từ chối lời đề nghị sử dụng không quân hỗ trợ cho phe đối lập Syria. Thay vào đó ông tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế nhằm thuyết phục ông Assad tình nguyện từ chức, đồng thời gây sức ép buộc Nga và Trung Quốc dừng che chắn cho Damascus khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế. Chính quyền của ông Obama cũng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt tài chính lên nhiều quan chức hàng đầu của Syria.
Trong khi đó, ông Romney lại lên tiếng ủng hộ việc các đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh bí mật hỗ trợ cho phe đối lập Syria.
5. Israel
Trong thời gian qua, ông Romney đã có những động thái nhằm thắt chặt quan hệ với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng thời tìm cách chứng minh rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Israel đã yếu đi khá nhiều dưới thời tổng thống Obama. Ông Romney cũng cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Israel và hùng hồn tuyên bố thủ đô của Israel là Jerusalem, bất chấp phản ứng dữ dội của chính quyền Palestine.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với chính sách của chính phủ Mỹ về vấn đề tranh chấp thủ đô giữa nhà nước Do Thái và Palestine. Ông Obama từng ra lệnh trừng phạt Israel vì tiếp tục xây dựng trái phép các khu định cư tại khu vực tranh chấp, đồng thời tăng sức ép buộc Tel Aviv phải ngồi vào bàn đàm phán với Palestine. Tuy nhiên, ông Obama cũng ký đạo luật mở rộng hợp tác quân sự và dân sự với Israel.
6. Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, ông Romney không ngần ngại tuyên bố sẽ coi quốc gia đông dân nhất thế giới này là "kẻ thao túng tiền tệ" nếu đắc cử tổng thống, điều đó đồng nghĩa Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại mở rộng nếu các cuộc đàm phán giữa hai nước không giải quyết được tranh chấp.
Theo ông Romney, việc Bắc Kinh ép giá đồng nhân dân tệ xướng quá thấp đã tạo lợi thế thương mại cho Trung Quốc và giảm chi phí xuất khẩu. Ngoài ra, ông Romney cũng đề xuất tăng cường hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương để kìm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á.
Tuy nhiên, ông Obama đã từ chối kiện Trung Quốc ra tòa án thương mại vì lo ngại điều đó có thể gây nên chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia. Thay vào đó, chính quyền của ông Obama chỉ tìm cách gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nâng giá trị đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, ông Obama cũng thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như kiện Bắc Kinh lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về vấn đề đất hiếm.
Nguồn Nzherald/Khampha