Những hệ quả do EU giảm ngân sách quốc phòng
Theo Le Monde, hiện Mỹ tập trung đến 46% các khoản chi tiêu quân sự trên thế giới, Trung Quốc và Nga đầu tư hàng loạt cho quốc phòng. Riêng năm 2012, Trung Quốc đã tăng mức đầu tư cho quốc phòng đến 11,2%, cao hơn cả mức tăng 9,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011, tại Liên minh châu Âu (EU), ngân sách chi cho quốc phòng chưa đến 2% GDP.
Cụ thể là ở Thụy Điển, khoảng 15 năm trở lại đây, ngân sách chi cho quốc phòng của nước này đã bị cắt giảm đến một nửa, kể từ khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.
Le Monde cho hay đa số các nước thành viên EU đều có cùng cảnh ngộ với Thụy Điển. Việc cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng, không chỉ dẫn đến những tác động nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo một báo cáo của Pháp, với nhịp độ cắt giảm ngân sách quốc phòng như hiện nay, rất có thể ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng sẽ biến mất hoàn toàn trong các cuộc đấu thầu tại các nền kinh tế mới trỗi dậy.
Bài báo trên cũng cho biết nguy hiểm hơn nữa là việc không còn ngành công nghiệp quốc phòng sẽ khiến "lục địa già" này lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, vốn đang khao khát tìm cách bù đắp lại phần thiếu hụt ngân sách mà Washington cũng đang phải gánh chịu.
Như vậy, châu Âu sẽ mất dần tầm ảnh hưởng, mất việc làm và quyền tự chủ. Đó chính là những mặt trái của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Nguồn Vietnam+