Thứ Sáu | 25/05/2012 16:04

Những hậu quả Mỹ phải gánh chịu nếu Hy Lạp rời eurozone

Bất ổn khu vực đồng euro (eurozone) làm giảm tăng trưởng kinh tế và tương lai của Hy Lạp tại eurozone có thể tác động xấu tới sự phục hồi của Mỹ.
Hy Lạp rời khỏi eurozone sẽ khiến sự tồn tại của liên minh tiền tệ châu Âu bị hoài nghi và tạo ra cơn bão khủng hoảng tại các thị trường khác.

Đầu tư ngừng lại, các ngân hàng thu hồi tín dụng, tài sản mất giá và giá cổ phiếu giảm sẽ làm người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Giá hàng hóa theo đó lao dốc làm lợi cho các nhà nhập khẩu song gây tổn thương các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Mức độ thiệt hại phụ thuộc vào tốc độ chấm dứt xu hướng này và ổn định thị trường của các nhà hoạch định chính sách.

Ba kịch bản cho eurozone

Kịch bản thứ nhất, Hy Lạp bầu ra một chính phủ mới vào ngày 17/6, tiếp tục thực hiện cam kết cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kèm theo một số điều kiện. Hy Lạp ở lại eurozone. Tây Ban Nha tái cơ cấu vốn các ngân hàng với sự giúp đỡ của EU.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bơm thanh khoản, EU ổn định các ngân hàng lớn của Pháp, Đức và bảo vệ họ cùng các thị trường tài chính lớn khỏi những thiệt hại trong tương lai. Thị trường bất ổn trong một vài tháng hay vài năm tới nhưng tình hình tại EU sẽ dần tiến triển hơn.

Trong trường hợp này, những biến động của thị trường tài chính và eurozone tăng trưởng chậm lại sẽ làm kinh tế Mỹ suy yếu ở mức độ nhẹ. Đây là kịch bản tương đối phổ biến của các nhà kinh tế.

Kịch bản thứ hai, một chính phủ chống chính sách thắt lưng buộc bụng nắm quyền tại Hy Lạp và từ chối các điều khoản cứu trợ tài chính. EU và IMF dừng cho Hy Lạp vay tiền. Athens hết tiền mặt, vỡ nợ và bắt đầu in tiền riêng để trả nợ. Trong khi đó, EU xây dựng kế hoạch dự phòng và ngăn chặn thành công sự sụp đổ của liên minh tiền tệ. Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha thoát khỏi cảnh vỡ nợ, khu vực ngân hàng nhanh chóng ổn định.

Hy Lạp hiện chỉ chiếm 2% GDP của eurozone và xuất khẩu Mỹ sang Hy Lạp không đáng kể. Bên cạnh đó, các khoản nợ của Hy Lạp chủ yếu thuộc về ngân hàng Đức, Pháp, ECB, EU và IMF. Do đó, Hy Lạp rời eurozone chỉ gây tác động nhỏ tới kinh tế Mỹ. Sự ra đi đột ngột của Hy Lạp chỉ khiến GDP của Mỹ giảm 0,5% và ảnh hưởng nhẹ đến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý tiếp theo.

Kịch bản thứ ba, Hy Lạp đột ngột rời eurozone, lợi suất trái phiếu Italia và Tây Ban Nha tăng vọt. Những người gửi tiền Tây Ban Nha và Italia đổ xô rút tiền do lo sợ quốc gia họ cũng rời eurozone. Thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Giới đầu tư ồ ạt đổ về thị trường Mỹ. Đồng USD tăng vọt trong khi đồng euro giảm mạnh. Các ngân hàng châu Âu đối mặt với thiếu hụt tiền khi các nhà đầu tư rời xa khu vực eurozone. Thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn.

Kịch bản tồi tệ này sẽ là cú sốc với kinh tế Mỹ và ngay lập tức khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 0,5% trong quý hiện tại.

Nếu hệ thống ngân hàng châu Âu sụp đổ, cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính toàn cầu có thể ngang bằng hoặc tồi tệ hơn sự sụp đổ của Lehman Brothers trong năm 2008. Khi đó, kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ suy thoái trở lại.

Ứớc tính biến động thị trường, số phận Hy Lạp tại eurozone cùng chính sách của châu Âu đang bào mòn từ 0,1-0,5% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2012 của Mỹ.

Trong cuộc khảo sát của Reuters tuần trước, tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2012 được dự báokhoảng 2,3% và 2,4% cho năm 2013.

Thương mại chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng. Xuất khẩu sang EU ước tính chiếm khoảng 19% tổng lượng xuất khẩu của Mỹ, trong đó eurozone chiếm tới 13%. Nhưng khi tính toán trên GDP, tỷ lệ này lại rất nhỏ - chỉ chiếm 1,3% tổng GDP của Mỹ.

Các tác động gián tiếp lại là một vấn đề khác. Theo tính toán của ngân hàng Đức Deutsche Bank, châu Âu chiếm khoảng 25% thương mại thế giới trong năm 2010. Châu Âu cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc. Sự sụp đổ của châu Âu sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thế giới và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện