Pan Images

 
Minh Đức Thứ Hai | 05/03/2018 17:51

Những hậu quả của việc áp thuế nhập khẩu nhôm, thép của Mỹ

Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm thép, EU đe dọa trả đũa đối với mặt hàng xe mô tô Harley, rượu và quần jeans từ Mỹ.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh do các tin tức về thuế nhập khẩu thép và nhôm

Lo ngại sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu nhôm thép

Sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu nhôm thép của Tổng thống Trump, đã có nhiều lo ngại rằng, đây sẽ là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ với những đối tác chính của mình như EU, Canada hay Trung Quốc.

Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm thép, EU đe dọa trả đũa đối với mặt hàng xe mô tô Harley, rượu và quần jeans từ Mỹ. Tổng thống Trump lại lên tiếng cho biết sẵn sàng đánh thuế cả xe ô tô từ châu Âu. Những động thái qua lại này cho thấy thương mại toàn cầu đang nóng lên như thế nào từ sau quyết định của Tổng thống Trump.

Phía Mỹ tỏ ra đầy tự tin rằng một cuộc chiến thương mại nổ ra sẽ chẳng hề gây thiệt hại, thậm chí là còn có lợi cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định: "Mức thuế nhập khẩu đặt ra sẽ có tổng giá trị vào khoảng 9 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với 1% nền kinh tế Mỹ. Các động thái trả đũa từ châu Âu còn có giá trị nhỏ hơn nữa".

Nhung hau qua cua viec ap thue nhap khau nhom, thep cua My
Cổ phiếu 2 đại gia các ngành này là Boeing và GM đều đã giảm sâu sau khi thuế được công bố.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Khi nước Mỹ để mất hàng tỷ USD từ hoạt động thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, chiến tranh thương mại là điều tốt và chúng ta sẽ dễ dàng giành chiến thắng".

Dù vậy, theo Bloomberg, một cuộc chiến thương mại có thể sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều với một số ngành nghề của Mỹ. Phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhôm và thép, hai ngành ô tô và hàng không được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất từ thuế nhập khẩu. Cổ phiếu 2 đại gia các ngành này là Boeing và GM đều đã giảm sâu sau khi thuế được công bố.

Ngành dầu khí được xem là chịu ít ảnh hưởng nhất từ các tranh chấp thương mại của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, cũng đã có những cảnh báo rằng, thuế thép sẽ khiến chi phí xây dựng một đường ống dẫn dầu tăng gần 80 triệu USD bởi chúng phụ thuộc vào những loại thép đặc thù mà ngành thép Mỹ hiện chưa sản xuất được.

Tuyên bố của Tổng thống Trump cũng đúng vào thời điểm vòng đàm phán lại thứ 7 của Hiệp định NAFTA đang diễn ra. Nếu như Canada và Mexico quyết định đánh thuế trả đũa, nhiều mặt hàng Mỹ phụ thuộc vào các đối tác này như lúa mì, ngô và thậm chí cả nhôm sẽ chịu những thiệt hại không nhỏ.

Phản ứng của các quốc gia về kế hoạch áp thuế

Việc Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng thép 25% và nhôm 10% đã vấp phải nhiều phản ứng chỉ trích từ các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ hiện nay.

Nhung hau qua cua viec ap thue nhap khau nhom, thep cua My
Cuộc chiến thương mại này được dự báo sẽ gây nhiều tác động lớn với chính nền sản xuất của Mỹ

Nhôm thép sẽ đấu với các mặt hàng nông sản như cà chua, khoai tây, nước ép cam, thức ăn gia súc... Đây có thể là danh sách các mặt hàng được dùng để trả đũa của Liên minh châu Âu (EU) một khi Mỹ tuyên bố áp thuế mới với nhôm, thép nhập khẩu.

Ông Margaritis Schina, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh: "Brussels sẵn sàng phản ứng nhanh chóng và hợp lý trong trường hợp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi bất kỳ biện pháp thương mại hạn chế nào từ Mỹ".

Hãng tin Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc khi cho rằng đề xuất áp thuế này của Mỹ là vô căn cứ và không phù hợp với thực tiễn thương mại.

Trước đó, ngay trong tháng 2/2018, Trung Quốc cũng trả đũa Mỹ bằng cách mở điều tra chống bán phá giá với cao lương và buộc các nhà nhập khẩu hóa chất styrene từ Mỹ phải đóng tiền ký quỹ chống bán phá giá cho hải quan nước này. Động thái diễn ra sau khi Washington áp thuế cao lên tất cả tấm pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu.

Liên đoàn Sắt Thép Nhật Bản cũng phản đối đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ. Liên đoàn khẳng định ngành thép Nhật không đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ và hạn chế nhập khẩu chỉ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt thòi khi phải sử dụng nhôm thép giá cao. Hiện 30% thép và 90% nhôm người Mỹ dùng phải nhập khẩu.

Còn Hàn Quốc cho biết có thể sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới WTO nhưng hiện vẫn ưu tiên biện pháp thuyết phục trước khi có quyết định cuối cùng.

Nguồn Bloomberg