Thứ Hai | 29/07/2013 15:53

Những đồng tiền đối mặt với siêu lạm phát

Hiện nay có khá nhiều đồng tiền bị rơi vào vòng xoáy mất giá vì lạm phát, song nặng nhất là Iran, Triều Tiên, Argentina, Venezuela, Ai Cập và Syria.
Lịch sử nhân loại từng rất nhiều lần chứng kiến các cuộc lạm phát kinh hoàng, khiến đồng tiền có thể trở thành giấy vụn chỉ trong vài ngày, hoặc thậm chí vài giờ. Để mô tả những đồng tiền như thế, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật ngữ "những đồng tiền gặp khó khăn", song ít ai thực sự hiểu nếu chưa một lần chứng kiến hoặc sử dụng chúng. Điều đáng buồn là trên thế giới hiện nay, có hàng triệu người vẫn hàng ngày sử dụng những đồng tiền mất giá không phanh như thế để chi tiêu.

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng tiền "gặp khó khăn" là đồng tiền không còn giữ được niềm tin của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng không còn tin đồng tiền đủ sức duy trì sức mua, họ sẽ cố gắng đổi nó lấy một loại ngoại tệ ổn định hơn (hoặc một loại hàng hóa nào đó như vàng).

Khi nhu cầu đối với đồng tiền không còn, giá trị quy đổi của nó so với các loại ngoại tệ khác cũng nhanh chóng sụp đổ, dẫn đến việc giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng vọt.

Khi tình trạng này ngày một nghiêm trọng hơn, kỳ vọng về khả năng duy trì sức mua của đồng tiền sẽ ngày một bị xói mòn, tất yếu dẫn tới sự xóa sổ của loại tiền tệ đó. Ở mức cao nhất, vòng diệt vong của một đồng tiền sẽ bị đẩy nhanh hơn khi xảy ra tình trạng siêu lạm phát - trên 50% mỗi tháng. Trong lịch sử kinh tế, hiện tượng này khá hiếm. Cho đến nay thế giới mới ghi nhận khoảng 56 trường hợp siêu lạm phát như vậy.

Một trong ví dụ điển hình về đồng tiền bị mất giá trong quá khứ đó là đồng rupiah của Indonesia. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990 đã đẩy nhiều đồng tiền khu vực vào tình trạng khó khăn, trong đó đồng rupiah của Indonesia thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Vào ngày 14/7/1997, chỉ một thời gian ngắn sau khi đồng baht của Thái Lan sụp đổ, đồng rupiah của Indonesia cũng rơi vào vòng xoáy trượt giá.

Trái với dự đoán của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về sự hồi sinh của đồng rupiah, đồng tiền Indonesia liên tục phá đáy từ mức 2.700 rupiah/USD và chạm ngưỡng thấp kỷ lục 16.000 rupiah/USD vào năm 1998. Đó cũng là thời điểm Indonesia rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính châu Á.

Theo nhà nghiên cứu Steve H. Hanke thuộc Đại học Johns Hopkins, có nhiều lý do khiến một đồng tiền bị rơi vào vòng xoáy mất giá, chẳng hạn như hệ thống tiền tệ làm hạn chế khả năng chuyển đồi của đồng tiền hay chính phủ áp dụng tỷ giá hối đoái cố định, trong đó định giá quá mức giá trị thực của đồng tiền. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, lạm phát vẫn là thủ phạm số 1 gây mất giá đồng tiền.

Ông Steve H. Hanke cho biết trên thực tế quá trình lạm phát ở nhiều nước diễn ra trong một thời gian rất dài, song không bộc lộ ngay do chính phủ cố tình che giấu mức độ lạm phát thực sự. Thậm chí một số quốc gia còn không công bố số liệu lạm phát. Vậy làm thế nào để xác định một đồng tiền có đang "gặp khó khăn" hay không?

Cách xác định tốt nhất là căn cứ vào tỷ giá hối đoái, ông Hanke nói. Ông Hanke cho rằng nếu có thể tra cứu dữ liệu và tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do (hay còn gọi là số liệu từ thị trường chợ đen), thì việc tính toán tỷ lệ lạm phát là điều hoàn toàn có thể. Bằng cách sử dụng nguyên tắc về ngang bằng sức mua (PPP), trong đó cho thấy sự liên kết giữa thay đổi về tỷ giá hối đoái và thay đổi về giá cả, ông Hanke đã tính toán tỷ lệ lạm phát thực của một loạt quốc gia đồng thời đưa ra đánh giá của mình về mức độ khó khăn của tiền tệ từng nước.

Theo ông Steve H. Hanke, trên thế giới hiện nay có khá nhiều đồng tiền rơi vào vòng xoáy mất giá vì lạm phát nhưng nghiêm trọng nhất là Iran, Triều Tiên, Argentina, Venezuela, Ai Cập và Syria:

Đồng rial của Iran

Iran

Khủng hoảng lạm phát bắt đầu bùng nổ ở Iran vào mùa thu năm 2012 khi tỷ giá hối đoái của đồng rial bắt đầu mất giá không phanh, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây với Iran. Khi tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh trừng phạt toàn diện với Iran vào năm 2010, tỷ giá hối đoái chính thức của đồng rial so với USD không chênh là bao so với giá chợ đen.

Tuy nhiên, khi những biện pháp trừng phạt có hiệu lực, đồng rial bắt đầu rơi vào vòng xoáy mất giá.

Tốc độ trượt giá của đồng rial càng nhanh hơn kể từ tháng 9/2012. Sự trượt giá này thể hiện rõ nét qua 2 cuộc khủng hoảng về niềm tin của người dân Iran đối với đồng rial, lần đầu vào tháng 9/2012 và lần thứ 2 vào giữa tháng 10/2012, khi tỷ lệ lạm phát Iran chạm ngưỡng "siêu lạm phát" (hơn 50% mỗi tháng).

Kể từ thời khắc đen tối đó, đồng rial phần nào lấy lại sự ổn định, song tỷ lệ lạm phát của Iran vẫn rất cao. Theo thống kê, lạm phát của Iran hiện ở mức 75,4%/năm.

Đồng won Triều Tiên

Triều Tiên

Trong nhiều năm qua, đồng won của Triều Tiên luôn giữ ở mức ổn định so với USD, nhờ vào sự kiểm soát gắt gao của chính phủ cũng như những quy định trừng phạt hà khắc nhằm ngăn chặn hoạt động đổi đồng won lấy USD. Tuy nhiên, điều này khiến thị trường USD chợ đen ở Triều Tiên phát triển mạnh hơn bao giờ hết.

Sự đi xuống của đồng won Triều Tiên luôn song hành cùng với những vấn đề lạm phát nghiêm trọng. Trong năm 2009, chính phủ Triều Tiên đã cố gắng giải quyết những khó khăn của đồng won bằng cách tiến hành chương trình cải cách tiền tệ. Tuy nhiên, chương trình này thực tế chỉ là thay đổi số ghi trên mỗi tờ tiền.

Chính phủ Triều Tiên đưa ra thời hạn 2 tuần để người dân đổi lấy đồng tiền mới, đồng thời giới hạn lượng tiền mà mỗi gia đình có thể đổi. Đối với những người Triều Tiên vô tình tích cóp quá nhiều đồng won cũ, chương trình này chẳng khác nào đánh thuế tài sản đối với họ.

Khi cải cách tiền tệ của chính phủ thất bại, nhu cầu ngoại tệ ở Triều Tiên tăng vọt và ngày càng nhiều thương nhân yêu cầu mua bán hàng hóa bằng các loại ngoại tệ khác. Kết quả, đồng won nhanh chóng mất giá trên thị trường chợ đen.

Đồng peso của Argentina

Argentina

Lạm phát có thể coi là vấn đề kinh niên của kinh tế Argentina trong những năm trở lại đây. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người tin rằng Argentina đang đứng trên bờ vực khủng hoảng tiền tệ. Kiểm soát vốn và cán cân tài khoản vãng lai ngày một xấu đi khiến sức ép lên đồng peso của Argentina nặng hơn lúc nào hết.

Hiện nay, tỷ giá đồng peso so với USD trên chợ đen ở mức 8,2 peso/USD, thấp hơn 34% so với tỷ giá chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa tỷ lệ lạm phát ước tính hàng năm của Argentina là 24,8%. Cho đến nay, ảnh hưởng của lạm phát ít nhiều không bộc lộ do chính sách kiểm soát giá chặt chẽ của chính phủ Argentina, song sự kiểm soát này không bền vững trong dài hạn, đồng thời khiến hình dạng thực sự của nền kinh tế bị bóp méo.
Đống bolivar của Venezuela

Venezuela

Cũng giống Argentina, Venezuela cũng dựa vào các chương trình kiểm soát giá cả để ngăn chặn lạm phát, song kết quả cũng không khá hơn quốc gia láng giềng là bao. Mặc dù có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, song các chương trình chi tiêu xã hội lớn dưới thời tổng thống quá cố Hugo Chavez khiến ngân sách Venezuela thâm hụt nặng nề, cũng như làm tổn hại tới nguồn thu USD từ công ty dầu khí nhà nước PDVSA.

Để lấp đầy khoảng trống ngân sách, ngân hàng trung ương Venezuela đã tìm cách in thêm thật nhiều tiền. Song điều này cũng góp phần làm đồng bolivar trượt giá mạnh. Kết quả là, lạm phát của Venezuela cũng theo đó tăng vọt. Tại chợ đen, tỷ giá giữa đồng bolivar và USD hiện ở mức 34,42 bolivar/USD, thấp hơn 80% so với tỷ giá chính thức. Điều này có nghĩa lạm phát hàng năm của Venezuela hiện khoảng 243,9%.

Đồng bảng Ai Cập

Ai Cập

Dưới sự lãnh đạo của đảng Anh em Hồi giáo và tổng thống Mohamed Mursi, kinh tế Ai Cập liên tục trượt dốc. Sự kiểm soát của chính phủ đối với giá cả và vốn càng khiến tình trạng mất giá của đồng bảng Ai Cập thêm tồi tệ hơn. Kết quả là, hàng triệu người Ai Cập bất lực nhìn lạm phát phá hủy cuộc sống của họ mỗi ngày.

Chính sách kiểm soát khắc nghiệt của chính phủ không những gây nên tình trạng thiếu hụt tiền tệ, mà còn khiến nhiều mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm, chẳng hạn như xăng.

Khi kinh tế ngày một suy thoái còn chính phủ thì bất lực, thị trường tiền tệ chợ đen của Ai Cập cũng theo đó phát triển mạnh hơn bao giờ hết, và là nguồn cung tiền chính cho thị trường Ai Cập.

Tính đến ngày 1/7/2013 (thời điểm ông Mursi bị lật đổ), tỷ lệ lạm phát danh nghĩa của Ai Cập ở mức 27,1%.

Đồng bảng Syria

Syria

Đứng bên bờ vực diệt vong rõ rệt nhất không đâu khác chính là đồng bảng của Syria - quốc gia đang chìm trong nội chiến với nền kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn. Trong nỗ lực nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và ngăn chặn sự sụp đổ của nội tệ, chính quyền tổng thống Bashar al Assad - với sự trợ giúp từ Iran, Nga và Trung Quốc - bắt đầu chuyển sang sử dụng đồng rial, rúp và nhân dân tệ thay thế cho đồng bảng Syria.

Quyết định này giúp kinh tế Syria tạm thời sống sót cho đến khi nội chiến kết thúc. Theo đó, mỗi tháng Iran sẽ chuyển 500 triệu USD dầu và hạn mức không tín dụng cho Syria, để nước này nhập khẩu thực phẩm và dầu thành phẩm.

Kèm theo đó, chính quyền Assad cũng siết chặt kiểm soát hoạt động của thị trường chợ đen, và cho đến nay chiến lược này xem ra đã phát huy hiệu quả.

Tính đến ngày 10/7/2013, giá đồng bảng Syria trên thị trường chợ đen xuống mức thấp kỷ lục và hiện ở mức 265 bảng/USD. Theo tính toán của ông Hanke, lạm phát của Syria hiện khoảng 291%, tương đương 68% mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa Syria đã vượt qua ngưỡng siêu lạm phát. Liệu đồng bảng Syria có tiếp tục tồn tại, chỉ có thời gian mới đưa ra được câu trả lời chính xác nhất. Nhưng, ít nhất cho đến lúc này, có thể kết luận đồng bảng Syria là đồng tiền gặp khó khăn nhất thế giới.

Nguồn Business Insider/Dân Việt


Sự kiện