Ảnh: Capital Watch
Những diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Nhà Trắng cho biết phái đoàn đàm phán Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh vào tuần sau để cùng nhau nỗ lực đạt được một dự thảo thoả thuận vào tháng tới.
Các cuộc thảo luận bắt đầu vào thứ ba tuần tới (30/4) “sẽ đề cập các vấn đề liên quan đến thương mại bao gồm sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, mua bán và thực thi,”. Các quan chức Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã lên kế hoạch tới Washington để bắt đầu cuộc thảo luận vào ngày 8.5, nhà Trắng cho hay.
Cả hai bên đang muốn đạt được một thoả thuận dự thảo vào cuối tháng 5, Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận cho hay. Đồng thời, các quan chức hai bên cũng muốn ra thông báo trong chuyến thăm của ông Lưu rằng họ đã đồng ý với một bản thoả thuận và chi tiết về hội nghị thượng đỉnh ký kết.
Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực ngoại giao trong những tuần gần đây, nhằm mục đích cố gắng giải quyết các cuộc xung đột thương mại đã kéo dài cả năm qua. Vì vậy, các quan chức sẽ phải nỗ lực làm việc, để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau và ký thoả thuận. Ông Mnuchin đã nói rằng các cơ chế thực hiện sẽ ràng buộc cả hai bên.
Quan chức Mỹ cho hay một cơ chế đang được đưa ra để thảo luận. Theo đó, cơ chế này yêu cầu sự thương thảo giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp, nhưng cuối cùng lại cho phép một trong hai bên có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương. Ngoài ra, thoả thuận cũng bao gồm điều khoản, trong đó cả hai bên có thể từ bỏ quyền trả đũa hoặc không thừa nhận bất kỳ hành động thực thi nào của bên kia tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
“Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng vì cả hai bên đều chịu những áp lực trong việc đàm phán để đạt được thoả thuận”, ông Zhou Xiaoming, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết. Ông nói thêm: “Thoả thuận có thể thành công được hay không phần lớn phụ thuộc vào sự thấu hiểu và nhượng bộ từ hai bên”.
Sau khi ông Lưu Hạc dẫn đầu một phái đoàn đến Washington vào đầu tháng 4, các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn giữ liên lạc thông qua thảo luận từ xa. Nội dung các cuộc họp liên quan đến cơ chế thực thi và những nghĩa vụ nào cần được giữ lại hoặc gỡ bỏ.
Bất kỳ thoả thuận thương mại nào giữa Trung Quốc và Mỹ đều phải tuân thủ các quy tắc đa phương, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết hồi đầu tháng này. Vì nếu không đạt được điều này, một số đối tác lớn của Trung Quốc sẽ gặp rủi ro về kinh tế nếu nước này nhập khẩu ít hơn từ họ, IMF nhận định.
Một lựa chọn đang được cân nhắc là tổ chức hội nghị thượng đỉnh ký kết giữa các nhà lãnh đạo ở Nhật Bản, nguyên nhân là vì ông Trump dự định đến đây du lịch và gặp gỡ Thải Tử Naruhito, người sẽ trở thành Nhật Hoàng vào tháng 5.2019, nguồn tin của Bloomberg cho hay. Tổng thống Mỹ sẽ trở lại Nhật Bản vào tháng 6 cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Osaka.