Tuy Apple đã nhanh chóng lật thế cờ trước những lo lắng này, nhưng thị trường cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu ông Cook nhắm mắt bỏ qua hết tất cả rủi ro trong năm tới. Ảnh: Mike Haddad.

 
Gia Khánh Thứ Ba | 30/01/2024 16:04

Những "cơn sóng ngầm" nào khiến đế chế Apple lung lay?

Apple đối mặt nhiều thách thức lớn trong năm 2024, như các vấn đề chống độc quyền và pháp lý; doanh số bán iPhone giảm; và căng thẳng địa chính trị tăng.

Trong tháng vừa qua, Apple đã phải đối mặt với một loạt thách thức. Theo đó, vụ tranh chấp bằng sáng chế gần đây đã buộc Hãng phải loại bỏ một số tính năng khỏi 2 chiếc đồng hồ thông minh của mình. Không chỉ vậy, Apple cũng có nhiều khả năng bị khởi kiện bởi Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vì vi phạm chống độc quyền. Tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 của Apple, thị phần điện thoại thông minh cũng đang mất vị thế. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà phân tích Phố Wall cho rằng, cổ phiếu của Apple đã được định giá quá cao, trong bối cảnh Microsoft, một gã khổng lồ công nghệ đối thủ, đã tạm thời soán ngôi nhà sản xuất iPhone để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới vào ngày 11/1 vừa qua.

Chuỗi tin xấu có thể tiếp tục xảy ra vào ngày 1/2, khi Apple đưa ra báo cáo thu nhập hàng quý. Các nhà nghiên cứu cổ phiếu ước tính rằng doanh thu của Công ty hầu như không tăng trong quý cuối cùng của năm 2023. 

Sau đó vào ngày 2/2, Apple sẽ ra bắt loại tai nghe thực tế tăng cường AR, Vision Pro, với giá bán 3.499 USD, với kỳ vọng thiết bị này một ngày nào đó sẽ thay thế điện thoại thông minh, trở thành cốt lõi trải nghiệm kỹ thuật số của người tiêu dùng. Song các nền tảng phát trực tiếp như Netflix, Spotify và YouTube đã thông báo rằng sẽ không cung cấp dịch vụ trên thiết bị này.

Doanh thu đến từ các sản phẩm của Apple (tỉ USD).
Doanh thu đến từ các sản phẩm của Apple (tỉ USD).

Tuy Apple đã nhanh chóng lật thế cờ trước lo lắng này, nhưng thị trường cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu ông Cook nhắm mắt bỏ qua hết tất cả rủi ro trong năm tới. Đặc biệt là khi có những thách thức còn lớn hơn cho Công ty, có thể chia thành 3 loại chính: các vấn đề chống độc quyền và pháp lý; doanh số bán iPhone chậm lại; và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Và câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thể khiến Apple mất đi vị trí công ty có giá trị nhất thế giới trong hơn một tuần hay không?.

Ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ giá trên thu nhập (P/E) của Apple, vốn thể hiện kỳ ​​vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận trong tương lai, đang ở mức khoảng 30, cao hơn mức trung bình của S&P 500 và cao hơn so với Alphabet (công ty mẹ của Google), mặc dù vẫn thấp hơn Microsoft (38) và Amazon (72).

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Tuy nhiên một loạt rủi ro có thể cản trở đà tăng trưởng P/E của Apple liên quan đến những vấn đề về mặt pháp lý. Chẳng hạn như vấn đề bằng sáng chế, trông giống như những mối đe dọa nhỏ. Vào tháng 10, Ủy ban Thương mại Quốc tế đã ra phán quyết rằng Apple đã vi phạm các bằng sáng chế liên quan đến cảm biến đo oxy thuộc sở hữu của Masimo, một nhà sản xuất thiết bị y tế. Apple đã ngừng bán các mẫu máy có chứa công nghệ vi phạm. Nhưng vào ngày 18/1, họ bán lại chúng, trừ cảm biến đang tranh chấp.

Các vấn đề pháp lý lớn hơn của Apple liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ của Hãng. Vào tháng 3, các quy định mới sẽ có hiệu lực tại EU, một thị trường khổng lồ, buộc Apple phải cho phép cài đặt ứng dụng trên thiết bị của mình mà không cần thông qua App Store. Điều đó khiến họ khó tính khoản phí 30% đối với hầu hết các giao dịch mua hàng trong ứng dụng.

Trong khi tại Mỹ, DOJ được cho là đang điều tra xem liệu đồng hồ thông minh của Apple có hoạt động với iPhone tốt hơn so với các điện thoại thông minh khác hay không và tại sao dịch vụ nhắn tin của Công ty lại không khả dụng trên các thiết bị đối thủ.

Và giống như nhiều vụ kiện chống độc quyền chống lại các công ty công nghệ lớn, các nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi tâm trạng bối rối.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi chững bước

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà phân tích, Apple đã bán được khoảng 220 triệu chiếc iPhone vào năm ngoái, chỉ hơn mốc 217 triệu thiết bị mà Hãng đã bán vào năm 2017. Vào năm 2024, con số thậm chí có thể khiêm tốn hơn. Với việc bán giá cao, Apple có thể tạm thời bù đắp doanh số đang chậm lại. Nhưng tăng trưởng doanh thu hàng năm đã giảm xuống 1% trong 3 năm qua, giảm từ mức trung bình 9% trong giai đoạn 2012-2019.

 

Một số đối thủ đang cố gắng giành lấy thị phần của Apple trong lĩnh vực thiết bị cao cấp bằng cách khai thác sở thích của người tiêu dùng đối với trí tuệ nhân tạo (A.I). Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, cho biết sẽ ra mắt một loạt điện thoại hỗ trợ A.I mới vào cuối tháng 1. Các thiết bị này có thể được bán trước 8 tháng so với những chiếc iPhone tiếp theo của Apple. Ngược lại, Apple lại nói rất ít về kế hoạch của mình đối với những sản phẩm công nghệ hot nhất kể từ khi iPhone ra mắt. “Chúng tôi đang đầu tư khá nhiều”, là câu nói vỏn vẹn của ông Cook trong cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây nhất của Công ty.

Apple cũng đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền ở Trung Quốc, thị trường mang lại 17% tổng doanh thu của Hãng. Theo Jefferies, một ngân hàng đầu tư, thị phần điện thoại thông minh của Apple tại nước này đã giảm vào năm ngoái. Trong khi đó, Huawei, hãng công nghệ nội địa hàng đầu, tăng khoảng 6 điểm phần trăm. Vào tháng 8, Huawei đã khiến những người theo dõi ngành công nghiệp và chính phủ Mỹ choáng váng khi tung ra thiết bị 5G đầu tiên chứa chip tiên tiến do Trung Quốc sản xuất thay vì nhập khẩu.

Mối đe dọa hàng đầu

Trung Quốc thực chất là một vấn đề lớn hơn nhiều so với A.I và không chỉ vì một Huawei được hồi sinh. Kế hoạch tăng trưởng trong tương lai của Apple phụ thuộc phần lớn vào thành công tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả thị trường lớn nhất này.

Apple cũng phải đối mặt với rủi ro từ Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng của mình. Bất chấp những nỗ lực được công bố rộng rãi nhằm chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ, khoảng 90% iPhone vẫn được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Hầu hết các máy tính Mac và iPad cũng vậy.

Không chỉ dừng lại tại đó, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phản ứng lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi ra lệnh cấm tất cả các sản phẩm do nhà sản xuất bộ nhớ máy tính của Mỹ - Micron - sản xuất. Vào tháng 9, đã xuất hiện báo cáo về lệnh cấm các sản phẩm Apple của các quan chức chính phủ. Mặc dù các nhà chức trách sau đó đã phủ nhận những tuyên bố này, nhưng sự việc vẫn khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Song bất kỳ hành động nào của Trung Quốc tác động đến "miếng bánh" của Apple ở Trung Quốc cũng sẽ gây tổn hại cho nước này. Apple cho biết có 3 triệu người làm việc trong chuỗi cung ứng của họ và nhiều công nhân trong số đó là người Trung Quốc. 

Có thể bạn quan tâm: 

Làn sóng "xuất ngoại" của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quố

Nguồn The Economist