Thứ Ba | 08/04/2014 21:02

Những câu hỏi xung quanh tín hiệu thu được ở Ấn Độ Dương

Những tín hiệu "ping" thu được trong quá trình tìm kiếm MH370 được cho là "manh mối đầy hứa hẹn" và cũng là nhân tố làm xuất hiện những câu hỏi mới.

Có phải những tín hiệu "ping" là của MH370?

Ông Angus Houston, chỉ huy Trung tâm phối hợp tìm kiếm (JACC), hôm qua cho biết các tàu hải quân của Australia đã hai lần bắt được tín hiệu "phù hợp" với hộp đen của MH370. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) đang đi đúng hướng.

Tàu Ocean Shield đang kéo theo một thiết bị chuyên dùng để phát hiện tín hiệu từ "các hộp đen" của Hải quân Mỹ, di chuyển xuôi ngược, chậm rãi trên Ấn Độ Dương để xác định được địa điểm chính xác.

Theo Houston, nếu thu được thêm các tín hiệu, có thể trả lời được câu hỏi "liệu chúng có phải phát ra từ MH370 không". Tuy nhiên, tuổi thọ pin của thiết bị phát tín hiệu trên MH370 chỉ vào khoảng 30 ngày và nó có thể ngừng hoạt động bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác dưới biển có thể bóp méo tín hiệu, đồng thời làm sai lệch vị trí của chúng.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu các "ping" là của MH370?

Nếu tín hiệu "ping" được xác nhận là của MH370, các nhà chức trách sẽ điều động một tàu lặn có thiết bị phù hợp để quét đáy biển tìm những mảnh vỡ. Nếu tìm được các mảnh vỡ, nhiệm vụ trục vớt hộp đen từ độ sâu 4.000 - 5.000 m dưới mặt nước sẽ bắt đầu.

Vẽ bản đồ đáy biển và trục vớt hộp đen là "quá trình cần sự tập trung cao và tốn thời gian", Anthony Brickhouse, trợ lý giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle của Mỹ, nhận định. Tuy nhiên, các bài học rút ra từ vụ tai nạn của chuyến bay Air France 447 có thể sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động tìm kiếm hiện tại.

"Chúng ta hiện biết nhiều hơn về việc phải xử lý việc này như thế nào so với trước khi máy bay Air France gặp nạn", Brickhouse nói.

Phi cơ sẽ mất tích vĩnh viễn nếu các "ping" không phải của MH370?

Nếu các tín hiệu được xác nhận không phải của MH370, hoạt động tìm kiếm sẽ quay trở lại bước ban đầu, tiếp tục tìm kiếm trên mặt biển để tìm mảnh vỡ hoặc lập bản đồ đáy biển cẩn thận.

Tuy nhiên, trường hợp của Air France đã chứng minh phương pháp này vẫn có hiệu quả.

Do không xác định được vị trí các hộp đen trên máy bay Air France trước khi chúng ngừng hoạt động, các lực lượng tìm kiếm phải mất thêm hai năm sử dụng tàu lặn không người lái và nhiều cách khác để xác định khu vực có mảnh vỡ máy bay.

Một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV), có khả năng phát hiện vật thể ở vùng cực sâu, đã được triển khai với hy vọng tìm ra điều gì đó dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, các nhà chức trách khi đó biết rõ hơn về nơi máy bay Air France gặp nạn. Ông Houston cảnh báo rằng, dù là kịch bản nào đi nữa thì "thì hoạt động tìm kiếm MH370 sẽ cần một khoảng thời gian dài".

Có phải máy bay đã bị không tặc hoặc khủng bố kiểm soát?

Đây là giả thiết thu được nhiều sự chú ý sau khi xuất hiện thông tin hai hành khách người Iran sử dụng hộ chiếu giả và giới chức Malaysia nói rằng máy bay dường như bị chuyển hướng có chủ ý.

Tuy nhiên, cảnh sát quốc tế (Interpol) nhận định rằng hai người Iran chỉ đang tìm đường nhập cư vào châu Âu bất hợp pháp. Cảnh sát Malaysia tuần trước cũng "loại bỏ" khả năng trên đối với toàn bộ 227 hành khách.

"Tôi nghĩ khả năng giả thiết này xảy ra là khá thấp", Terence Fan, chuyên gia hàng không tại Đại học Quản lý Singapore nói. "Chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm hay đưa ra đòi hỏi hoặc lời đe dọa nào tới MAS cũng như Malaysia. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét thêm về vấn đề trục trặc kỹ thuật".

Vị trí thu được tín hiệu nghi là của hộp đen MH370 cùng với vị trí "cái bắt tay" thứ 6 và 7. Đồ họa: AMSA.

Vị trí thu được tín hiệu nghi là của hộp đen MH370 cùng với vị trí MH370 gửi liên lạc cuối cùng tới vệ tinh. Đồ họa: AMSA/BBC.

Liệu có trường hợp một hoặc cả hai phi công "nổi loạn"?

Các nhà chức trách Malaysia từng nói rằng dường như có ai đó hiểu rõ về máy bay đã chuyển hướng phi cơ và thời điểm các hệ thống liên lạc bị tắt xảy ra vào khoảng thời gian chuyến bay mất tích. Điều này cho thấy rằng hành động có chủ ý xảy ra trong khoang lái.

Những thông tin trên khiến người ta tập trung điều tra cơ trưởng Zaharie, 53 tuổi và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng cho thấy họ có quan điểm cực đoan, vấn đề tâm lý hay bất kỳ động cơ nào khác.

Zaharie, đã làm việc cho MAS 33 năm, là một phi công dày dạn được kính trọng và là người đánh giá các phi công trẻ tuổi.

Trong khi đó, các nghi vấn về cơ phó Fariq gia tăng khi một phụ nữ trẻ người Nam Phi nói rằng cô cùng các bạn được mời vào trong khoang lái trên chuyến bay năm 2011. Điều này là vi phạm nguyên tắc an ninh khoang lái. Tuy nhiên, những người quen biết cơ phó đều nói rằng anh có nhân cách tốt. Ngoài ra, Fariq đã đính hôn và sắp làm lễ cưới. Anh còn được xem là phi công đầy hứa hẹn.

Liệu MH370 có trở thành "máy bay ma"?

Ý tưởng này xuất hiện sau một tuần sau khi MH370 mất tích, Malaysia hôm 15/3, thông báo rằng chiếc phi cơ dường như vẫn tiếp tục bay thêm 7 giờ nữa kể từ lúc biến mất khỏi màn hình radar.

"Máy bay ma", tức là phi công bất tỉnh, để phi cơ bay vô phương hướng, từng xảy ra vào năm 2005. Khi đó, phi cơ của hãng hàng không Hy Lạp Helios Airways, chở theo 121 người, đã bay vô định trong nhiều giờ do khoang lái đột ngột thiếu oxy, khiến các phi công bất tỉnh. Máy bay này sau đó bị rơi, toàn bộ hành khách đều thiệt mạng.

Một số người tin rằng các phi công trên MH370 chuyển hướng máy bay, dường như là quay lại Kuala Lumpur, do gặp sự cố nhưng bị bất tỉnh sau đó, khiến phi cơ chuyển sang chế độ bay tự động.

Việc các hệ thống liên lạc bị ngắt có thể xảy ra trong lúc phi hành đoàn ứng phó với một đám cháy do chập điện.Vùng biển được cho là nơi MH 370 rơi xuống là khu vực phi cơ bay được trước khi hết nhiên liệu, MAS cho biết. (Đọc thêm:

"Đối với các phi công, khi có sự cố xảy ra, nguyên tắc xử lý luôn là 'lái máy bay, điều hướng rồi mới liên lạc'", Brickhouse nói. "Do 'liên lạc' chỉ là bước thứ 3 nên trong trường hợp máy bay gặp sự cố nghiêm trọng, việc phi công cần làm đầu tiên là lái máy bay. Đó có thể là một lý do giải thích vì sao chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra".

Có phải chúng ta đã biết mọi điều nhà chức trách biết?

Chính phủ Malaysia tiếp tục từ chối cung cấp toàn bộ chi tiết về các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian MH370 mất tích, và những thông tin được công bố lại thường mâu thuẫn với nhau.

Điều này làm những kẻ theo thuyết âm mưu tin rằng Malaysia đang che giấu sự thật hoặc bóp méo nó. Trên thực tế, chính quyền nước này từng che giấu một số bê bối đáng xấu hổ của MAS.

Về phía Malaysia, các nhà chức trách nói rằng họ không giấu diếm điều gì nhưng "có những dấu hiệu cho thấy họ biết nhiều hơn những gì họ nói", Fan nhận định. "Có thể họ đang thảo luận về một số chi tiết với các nhà điều tra Mỹ, hoặc có khả năng vụ việc liên quan đến khủng bố mà họ chưa muốn công bố".

Ngành hàng không sẽ có thay đổi gì sau sự kiện MH370?

Ngành công nghiệp hàng không từng rút ra nhiều bài học từ những thảm họa rồi sau đó có biện pháp bảo vệ thích hợp, biến hàng không trở thành một trong những loại hình di chuyển an toàn nhất thế giới. Tuy nhiên, trừ khi lực lượng tìm kiếm trục vớt được hộp đen hoặc mảnh vỡ, nếu không, ngành hàng không không thể thu được bài học gì từ sự kiện MH370.

Dù vậy, sự kiện MH370 đã làm dấy lên nhiều tranh luận về việc triển khai hệ thống theo dõi máy bay thời gian thực qua vệ tinh để tránh khả năng máy bay biến mất, đồng thời xem xét lại việc cho phép phi công có thể tắt các hệ thống liên lạc.

"Việc cần cải tiến quá trình theo dõi máy bay và luôn biết rõ vị trí chuyến bay rõ ràng là một ưu tiên lớn", Tony Tyler, giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không thế giới IATA, nói.

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện