Những câu chuyện kinh doanh quốc tế nổi bật năm 2014
Giá dầu mỏ lao dốc mạnh
Giá dầu thô sụt giảm trên 40%, cùng với sự giảm mạnh của giá gas được xem là tin tức tốt lành nhất cho người tiêu dùng Mỹ cũng như dân khắp nơi trên thế giới. Theo nhiều chuyên gia, giá dầu giảm mạnh có thể coi là một trong những động lực giúp thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, giá năng lượng giảm mạnh cũng không hoàn toàn là tin tức tốt, bởi đây cũng có thể là một dấu hiệu thể hiện sự yếu kém của nhu cầu toàn cầu. Sự sụt giảm của giá dầu và gas đặc biệt tác động tiêu cực tới các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Rõ nhất là nền kinh tế Nga, quốc gia hiện đang bị “tàn phá” nghiêm trọng bởi giá dầu giảm và các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Xu hướng “bò tót” hoành hành
Giới phân tích cho rằng, 2014 là năm mà các TTCK có nhiều biến động hơn năm 2013. Giá dầu giảm là một nguyên nhân khiến TTCK trên toàn cầu có những giai đoạn bị “rung lắc” mạnh, nhất là đối với các cổ phiếu trong ngành năng lượng. Các bất ổn địa chính trị và địa kinh tế; biến động thường xuyên hơn của giá vàng và các kim loại quý; giá các hàng hóa cơ bản trong xu hướng giảm… cũng là những yếu tố tác động đến TTCK.
Tuy nhiên, kết thúc năm vẫn là xu hướng tăng điểm chung của các thị trường. Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Mỹ lập các mức cao kỷ lục mới. Sàn Nasdaq cũng kết thúc năm 2014 đâu đó sát ngưỡng 5.000 điểm - mức mà chỉ số này đã từng chạm tới vào tháng 3/2000.
Năm ác mộng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
Ở đây không bàn về doanh số hay lợi nhuận của các hãng xe hơi, mà muốn nói đến số xe phải triệu hồi để khắc phục các lỗi kỹ thuật. Đơn cử, hãng xe GM của Mỹ hiện vẫn đang trong giai đoạn khó khăn liên quan đến các cáo buộc cho rằng, bộ phận công tắc đánh lửa bị lỗi là nguyên nhân gây ra tử vong cho 42 người và con số này dường như sẽ còn tăng lên. Trong khi đó, vấn đề các túi khí an toàn bị lỗi từ nhà cung cấp Takata đã dẫn đến việc các hãng xe như Ford, Honda, Mazda… phải thu hồi hàng triệu xe để khắc phục.
Với internet, ai cũng có thể bị tấn công
Hàng loạt các vụ việc mất tính bảo mật trong năm qua đã cho thấy Internet không phải là một nơi tuyệt đối an toàn. Sự kiện hàng triệu khách hàng của chuỗi siêu thị Home Depot (chuyên bán đồ xây dựng và trang trí nội thất lớn nhất của Mỹ) bị mất thông tin thẻ tín dụng khi mua sắm tại đây hay vụ tấn công gây ảnh hưởng tới 70 – 110 triệu người mua sắm qua trang eBay trong tháng 2 và 3 năm 2014 khiến cả CEO lẫn giám đốc thông tin (CIO) của Target bị sa thải là những minh chứng.
Mới đây nhất, khi hãng Sony Pictures Studios dự định công chiếu tại Mỹ bộ phim "Cuộc phỏng vấn" (nội dung nói về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un) thì ngay lập tức đã bị một nhóm tin tặc tấn công. Thậm chí đe dọa về an ninh, khủng bố thực sự với các nhân viên của Sony Pictures cũng như tại các rạp chiếu đã được đưa ra.
Thị trường lao động chuyển biến tích cực
Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp đã ghi nhận những cải thiện rất tích cực trong năm qua sau một giai đoạn dài luôn ở mức cao sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Ví dụ tại Mỹ, đã có khoảng 2,5 triệu việc làm được tạo ra thêm trong năm nay, qua đó đưa 2014 trở thành năm tạo việc làm tốt nhất kể từ năm 1999 đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện đã xuống dưới mức 6%, mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Apple thoát khỏi bóng của chính mình
Việc người tiêu dùng đổ xô mua iPhone 6 và 6 Plus khiến các sản phẩm mới của Apple luôn trong tình trạng cháy hàng cho thấy, CEO Tim Cook hiện thời của Apple đã thoát khỏi cái bóng của cựu CEO Steve Jobs.
Apple cũng đưa ra một tiện ích mới - được hỗ trợ của nhiều nhà bán lẻ nổi tiếng và các ngân hàng - cho phép khách hàng dễ dàng khai thác nhiều dịch vụ ngay trên điện thoại của mình. Cổ phiếu của Apple hiện ở mức cao hơn so với dưới thời của Steve Jobs. Trong năm 2014, CEO Tim Cook cũng đã gây xôn xao dư luận khi trở thành vị giám đốc điều hành một công ty nổi tiếng đầu tiên công bố mình là người đồng tính.
Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất
Với việc áp dụng các mức lãi suất thấp kỷ lục và đưa vào các gói nới lỏng định lượng (QE) từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phần nào giúp cho tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ phục hồi.
Trong suốt những tháng nửa cuối năm 2014, Fed đã bắt đầu giảm dần, tiến tới chấm dứt gói QE cuối cùng. Và có thể khẳng định, giờ đây, Fed đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất trong năm 2015 dù bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed vẫn nói với các nhà đầu tư Phố Wall rằng, Fed đang kiên nhẫn để chờ các tín hiệu tích cực hơn.
Giao thức mạng và siêu truyền thông lên ngôi
Năm 2014 ghi nhận thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất năm trên sàn chứng khoán New York của Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ đến từ Trung Quốc. Cổ phiếu liên tục tăng vọt và tổng giá trị của tập đoàn này hiện đạt trên 271 tỷ USD, tức gần gấp đôi so với giá trị thị trường của Công ty Amazon.
Trên mặt trận mua bán sáp nhập về truyền thông, có hai giao dịch lớn có thể sẽ làm thay đổi cách thức chúng ta xem truyền hình. Đó là việc “nhà cáp” khổng lồ Comcast công bố kế hoạch mua lại Time Warner Cable. Tiếp đó là việc Tập đoàn AT&T đã thống nhất mua lại công ty vệ tinh khổng lồ DirecTV.
Mỹ ngăn chặn các DN dùng chiêu “lẩn thuế”
Một số DN Mỹ, trong nỗ lực giảm thuế DN, đã tìm cách mua các DN ở nước ngoài có các mức thuế ưu đãi hơn. Điều này đã làm giới hoạch định chính sách của Mỹ “tức giận” và kết quả là Nhà Trắng đã đưa ra những quy định mới nhằm cố gắng ngăn chặn tình trạng “lẩn thuế” này.
Các quy định mới đã buộc chuỗi cửa hàng thuốc khổng lồ Walgreen phải gác lại kế hoạch mua các DN ở nước ngoài sau khi tập đoàn này đã thành công trong việc mua được một chuỗi cửa hàng thuốc ở châu Âu. Tương tự, nhà sản xuất dược phẩm AbbVie cũng phải từ bỏ nỗ lực mua một đối thủ cạnh tranh tại Ireland.
Biểu tình toàn cầu vì bất bình đẳng
Tại Mỹ và một số nền kinh tế, mặc dù TTCK tiếp tục xu hướng tăng và thị trường lao động cải thiện hơn nhưng cũng còn rất nhiều người không được hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế cải thiện. Công nhân trong ngành đồ ăn nhanh tại Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong nỗ lực đòi các chủ DN phải trả cho họ một mức lương đủ sống.
Trước thực trạng này, chủ DN ở một số thành phố của Mỹ đã buộc phải chấp nhận sẽ nâng mức lương tối thiểu lên cao hơn.
Các cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng thu nhập đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là những cuộc xuống đường của sinh viên tại Hồng Kông, với mục tiêu là để mọi người phải chú ý hơn đến hóa giải khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn hiện nay.
Nguồn Thời báo ngân hàng