Những cái bắt tay làm thay đổi lịch sử thế giới
Dù ở đâu, hay xảy ra vào thời khắc nào, các cuộc gặp gỡ và những cái bắt tay của những người đứng đầu các quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ giữ một vai trò cột mốc quan trọng trong lịch sử.
Dưới đây là những cuộc gặp gỡ cùng những cái bắt tay quan trọng làm thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại trong 100 năm qua:
Trùm Phát xít Adolf Hitler và Thủ tướng Anh Neville Chamberlain
Adolf Hitler (phải) bắt tay với Thủ tướng Anh Neville Chamberlain tại Munich vào ngày 30/9/1938. Cùng với các nhà lãnh đạo của Pháp và Ý, Chamberlain sau này đã ký Hiệp định Munich cắt nhiều phần đất của Tiệp Khắc cho Đức Quốc xã, Ba Lan và Hungari nhằm xoa dịu trùm độc tài vào thời điểm đó.
Việc Anh và Pháp đánh giá thấp ham muốn chinh phục châu Âu của Adolf Hitler cùng sự thất bại trong chính sách nhượng bộ của Thủ tướng Neville Chamberlain đồng nghĩa chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, với Hitler, sự thống trị châu Âu dường như đã trong tầm tay của hắn. Mười tám tháng sau, Hitler đã có được những bước chuẩn bị cuối cùng để phát động chiến tranh thế giới thứ II.
Harry S. Truman, Winston Churchill và Joseph Stalin
Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill và nhà lãnh đạo Liên xô Joseph Stalin đã có cái bắt tay lịch sử tại Hội nghị Potsdam, Đức, vào ngày 23/7/1945. Cái bắt tay này diễn ra sau một loạt các cuộc thảo luận về châu Âu thời hậu chiến, khi Đức quốc xã chính thức đầu hàng ngày 8/5/1945.
Mục đích của hội nghị Potsdam bao gồm thành lập trật tự thế giới mới thời hậu chiến cùng những vấn đề về hiệp ước hòa bình và cách thức đối đầu với hậu quả của chiến tranh. Hội nghị cũng ra thông báo cuối cùng, yêu cầu Nhật Bản đầu hàng nếu không sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ, hàm ý bóng gió tới việc sử dụng bom nguyên tử chống lại Đế quốc Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên xô Nikita Khrushchev
Ngày 3/6/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã có buổi tiếp đón nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô, Nikita Khrushchev, tại nhà của đại sứ Mỹ ở Vienna.
Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo là dấu hiệu tốt đẹp khởi đầu vòng đàm phán lịch sử giữa hai cường quốc thế giới về giải trừ quân bị hạt nhân, giải quyết xung đột đang diễn ra tại khu vực Đông Nam Á cũng như những bất đồng về ý thức hệ giữa hai nhà lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon
Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Trung Quốc, đã có buổi gặp gỡ và bắt tay với Tổng thống thứ 37 của Mỹ, Richard Nixon vào ngày 22/2/1972 tại Bắc Kinh. Chuyến đi của Tổng thống Nixon diễn ra vào thời điểm hai nước chưa thiết lập bất cứ mối quan hệ quốc tế nào về ngoại giao. Tổng thống Nixon chỉ dự một buổi họp duy nhất với lãnh tụ Mao Trạch Đông, nhưng gần cuối chuyến công du, ông Nixon đã nhận định rằng đó là “tuần lễ thay đổi bộ mặt thế giới.”
Và rồi mối quan hệ giữa hai nước đã được mở rộng qua nhiều năm, với việc chính thức hóa quan hệ ngoại giao vào những năm cuối thập niên 1970 và việc mở cửa kinh tế của Trung Quốc dưới thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Menachem Begin và Anwar Sadat (Israel và Ai Cập)
Menachem Begin - người sáng lập Đảng Likud (trái) và là Thủ tướng thứ 6 của Israel, đã có cái bắt tay lịch sử với Tổng thống thứ 3 của Ai Cập, Anwar Sadat, ngay tại phòng họp ở Knesset (Quốc hội Israel) ngày 20/11/1977.
16 tháng sau đó, vào ngày 26/3/1979, tại Washington, Israel và Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình lịch sử và Ai Cập trở thành quốc gia Ả rập đầu tiên công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên xô Mikhail Gorbachev
Ronald Reagan, Tổng thống thứ 40 của Mỹ, có cái bắt tay đầu tiên với nhà lãnh đạo nhà nước Liên xô Mikhail Gorbachev tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Geneva vào ngày 19/11/1985. Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo đã mở ra kỷ nguyên mới cho 2 siêu cường và toàn bộ loài người, đồng thời báo hiệu một sự ấm lên trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hậu Chiến tranh Lạnh.
Sau khi bàn luận về chính sách, thực tế... Tổng thống Reagan đã mời Gorbachev tới một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển. Tại đó, hai vị lãnh đạo đã trao đổi với nhau rất lâu, và ra về với thông tin rằng họ đã có kế hoạch về hai (nhanh chóng thành ba) cuộc họp thượng đỉnh nữa.
Thủ tướng Hy Lạp Andreas Papandreou và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal
Thủ tướng Hy Lạp Andreas Papandreou (trái) và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal bắt tay tại Hội nghị Quản lý châu Âu vào ngày 2/2/1986. Quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển thành thù địch khi Hy Lạp thoát khỏi sự đô hộ và giành độc lập từ đế chế Ottoman năm 1821. Trước khi có được cái bắt tay lịch sử và nồng ấm này, hai nước đã trải qua bốn cuộc chiến tranh.
Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và Tổng thống chế độ cũ FW de Klerk
Ngày 4/5/1990, Tổng thống dân cử đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela và Tổng thống cuối cùng của thời kỳ phân biệt chủng tộc Nam Phi, FW de Klerk, đã bắt tay nhau tại Cape Town sau cuộc đàm phán lịch sử giữa hai bên. Cái bắt tay này đã chính thức kết thúc kỷ nguyên Nam Phi nằm dưới sự cai trị của người da trắng và mở ra thời kỳ mới.
Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat
Ngày 13/9/1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine, Yasser Arafat, đã bắt tay nhau ngay trước đám đông trên bãi cỏ Nhà Trắng. Đây cũng là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo bắt tay trước công chúng.
Cái bắt tay diễn ngay sau các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Mặc dù kết quả cuộc họp diễn ra tương đối lạc quan song thỏa thuận giữa Palestine và Israel đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và cựu chỉ huy IRA Martin McGuinness
Ngày 27/6/2012, Nữ hoàng Elizabeth II đã bắt tay với cựu chỉ huy IRA Martin McGuinness trong một cử chỉ lịch sử đánh dấu một bước tiến khổng lồ trong tiến trình hòa bình xung quanh việc người Anh cai trị Bắc Ireland.
Đối với Martin McGuinness, bắt tay với Nữ hoàng Elizabeth II được coi là bước tiến lớn nhất trên con đường từ sở chỉ huy bán quân sự đến chính trị của ông.
Cái bắt tay này diễn ra 14 năm sau khi cuộc xung đột giữa hai nước kết thúc, khiến 3.500 người chết, trong đó người em họ của nữ hoàng Elizabeth II, công tước Louis Mountbatten đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom của IRA.
Nguồn WashingtonPost/DVT