Chủ Nhật | 26/10/2014 15:14

Những 'cá mập máy' Trung Quốc thả ở Biển Đông

Trung Quốc liên tục tiến hành thử nghiệm các thiết bị lặn không người lái ở Biển Đông nhằm tăng cường giám sát khu vực này.

Mới đây nhất, Văn phòng nghiên cứu tự động hoá Thẩm Dương thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị lặn không người lái mới trên Biển Đông.

Thời gian thử nghiệm kéo dài 40 ngày (từ 5/9-15/10), với tổng hành trình 1.022,5 km trên biển, lặn với thời gian liên tục 30 ngày trên Biển Đông. Trung Quốc khoe khoang rằng, thiết bị này đã phá kỷ lục về hành trình xa nhất và thời gian lặn liên tục lâu nhất cho thiết bị lặn không người lái của Trung Quốc.

Trong thời gian lặn liên tục, thiết bị lặn không người lái này đã hoàn thành 229 đợt giám sát ở độ sâu 1.000 mét, và có khả năng hành trình khoảng 1022,5 km. Thiết bị lặn trước đó của Trung Quốc chỉ có thể hành trình khoảng 500 km.

Sina cho hay, thiết bị thử nghiệm mới lập được kỷ lục như trên nhờ có sự cải tiến vượt bậc ở phần mềm kiểm soát và thiết kế chỉ tiêu.

Cũng theo Sina, thiết bị không người lái này có chiều dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 0,22 m, độ sải cánh 1,2 m, trọng lượng 65 kg, có khả năng lặn ở độ sâu 1.000 m, tốc độ từ 0,5-1 hải lý/giờ.

Thiết bị lặn không người lái Hải Yến của Trung Quốc
Thiết bị lặn không người lái Hải Yến của Trung Quốc


Trước đó, hồi tháng 6/2014, Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm thiết bị lặn không người lái Hải Yến trên Biển Đông. Thiết bị này do Trường Đại học Thiên Tân Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, có khả năng lặn liên tục 21 ngày ở độ sâu tối đa 1.094 m. Chinanews khoe khoang rằng Hải Yến giống như cá mập máy đi tuần tra dưới biển.

Theo những thông tin mà các trang mạng Trung Quốc công bố, Hải Yến có thể được trang bị cảm biến phát hiện người nhái, thủy lôi và tàu ngầm từ khoảng cách xa. Ngoài ra, nó còn có thể mang được vũ khí, thực hiện các nhiệm vụ tấn công dưới nước bảo vệ tàu chiến.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đe dọa biến Hải Yến thành vũ khí bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Không dừng ở các thiết bị lặn không người lái, trước đó, Trung Quốc còn thử nghiệm thiết bị lặn có người lái Giao Long ở Biển Đông. Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hồi tháng 7/2014, với các camera, máy ảnh gắn trên thân, nhiệm vụ của Giao Long ngoài việc thích ứng với độ sâu khác nhau còn kèm thêm việc 'thu thập mẫu vật dưới đáy biển, chụp ảnh địa hình đáy biển'.

Tàu lặn Giao Long cũng thử nghiệm mang robot mini hoạt động dưới đáy biển, robot này được Trung Quốc gọi là ROV Long Châu.

Giao Long là tàu lặn có người lái do Cục Hàng hải Trung Quốc bắt đầu chế tạo từ năm 2002 và hoàn thành sau 6 năm theo Kế hoạch phát triển nghiên cứu kỹ thuật cao quốc gia.

Tàu dài 8,2m, rộng 3m, cao 3,4m, nặng 22 tấn, có thể chở nặng được 220 kg (chưa bao gồm trọng lượng của phi hành đoàn 3 người), thời gian lặn tối đa 12 tiếng, có lớp vỏ bọc bằng titanium. Giao Long được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống thông tin liên lạc dưới nước sâu, hệ thống kiểm soát...

Tàu Giao Long từng chạm đến điểm sâu nhất thế giới, rãnh Marina sâu 7.000 mét trên Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc liên tục thử nghiệm thiết bị lặn trên Biển Đông là một động thái đáng lo ngại. Nếu được sử dụng để phục vụ mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, chúng có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với các phương tiện lưu thông trên Biển Đông.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện