Các loại trái sầu riêng khác nhau được trưng bày tại một gian hàng sầu riêng ở Petaling Jaya, Selangor, Malaysia. Ảnh: Getty Images.
Nhu cầu về loại trái cây "nặng mùi" nhất trái đất tăng 400%
Nhiều người cho rằng sầu riêng cực kỳ ngọt ngào, số còn lại cho rằng mùi của loại trái cây này vô cùng khó ngửi. Dù yêu hay ghét, sầu riêng ngày càng được săn đón, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Theo HSBC, nhu cầu toàn cầu về trái cây này đã tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn được thúc đẩy bởi “cơn sốt” trái cây ở Trung Quốc.
Một báo cáo do ngân hàng công bố hôm 11/9 cho biết: “Đi ngược lại xu hướng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, do cơn sốt ở Trung Quốc”.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng sầu riêng trị giá 6 tỉ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu, Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC cho biết trong báo cáo.
“Sự bùng nổ sầu riêng” phần lớn tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng. Ngoài ra, ở Trung Quốc, việc chọn sầu riêng làm quà tặng theo phong tục cho bạn bè và người thân khi đính hôn đã trở nên phổ biến hơn.
Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi sự bùng nổ về nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm 2017, thì nhu cầu chỉ tăng lên từ cuối năm 2022.
“Trái cây vua” được bán với giá hơn 10 USD/kg ở Trung Quốc, so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg ở các nước Đông Nam Á. Và nhà cung cấp chính cho sự gia tăng nhu cầu này nằm ở ASEAN, khu vực chiếm tới 90% lượng xuất khẩu sầu riêng của thế giới vào năm 2022.
Chỉ riêng Thái Lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng trong khối 10 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
“Sầu riêng sẽ là loại cao su mới? Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ chồng tương lai một quả sầu riêng sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới. Chỉ có thời gian mới trả lời được,” ông Dacanay nói.
Nhà kinh tế này cho biết, nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho các quốc gia còn lại của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.
Ông Dacanay viết: “Thị trường ở Trung Quốc rộng lớn đến mức có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào và cạnh tranh – một kiểu ‘cơn sốt’ sầu riêng”.
Báo cáo cho biết, thỏa thuận thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực, bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
"Lạm phát tham lam" bao trùm châu Âu
Nguồn CNBC