Một máy bơm dầu ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Nhu cầu dầu và đồng của Trung Quốc đang bùng nổ
Cơn sốt dầu và kim loại phản ánh điều gì?
Ngân hàng đầu tư nhận thấy, rằng nhu cầu về đồng của Trung Quốc đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu về quặng sắt và dầu tăng lần lượt 7% và 6%, tất cả đều vượt kỳ vọng cả năm của Goldman.
Báo cáo của Goldman nhận xét: “Sức mạnh về nhu cầu này phần lớn gắn liền với sự kết hợp của sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nền kinh tế xanh, lưới điện và việc hoàn thiện các dự án bất động sản”.
Trong khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi, ngân hàng đầu tư này lưu ý rằng nền kinh tế xanh của Trung Quốc đã cho thấy sức mạnh đáng kể từ đầu năm đến nay, dẫn đến nhu cầu về kim loại liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, chẳng hạn như đồng, tăng vọt.
Các nhà kinh tế của Goldman cho rằng, cơn sốt đồng xanh của Trung Quốc phần lớn là do việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên đất liền, mà tính đến năm 2023 đã bằng mức của tất cả các công trình lắp đặt của năm trước.
Báo cáo tháng 6 của Global Energy Monitor cho biết, công suất năng lượng mặt trời hoạt động của Trung Quốc đã đạt 228 GW, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang trên đà tăng gấp đôi công suất gió và mặt trời trước mục tiêu 5 năm, vào năm 2030.
Theo dữ liệu do Goldman Sachs đối chiếu, nhu cầu đồng xanh của Trung Quốc đã tăng 71% trong tháng 7 so với một năm trước.
Goldman báo cáo: “Sức mạnh đáng kể nhất đến từ năng lượng tái tạo, nơi nhu cầu đồng tăng 130% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là nhu cầu liên quan đến năng lượng mặt trời tăng cao”.
Sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy nhu cầu về kim loại cơ bản như nhôm. Báo cáo cho biết: “Sự cải thiện trong xu hướng sản xuất tính đến thời điểm hiện tại trong quý III cũng trùng hợp với mức nhập khẩu kim loại cơ bản mạnh hơn”.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,5% trong tháng 8 so với một năm trước, vượt kỳ vọng tăng trưởng 3,9%. Và trong danh mục đó, sản xuất thiết bị đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Goldman dự đoán tăng trưởng nhu cầu đối với các kim loại này sẽ tiếp tục.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc cũng tăng lên nhờ sự phục hồi nhanh chóng trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều dầu như vận tải, mặc dù các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm có thể sắp xảy ra.
Goldman nhận xét: “Nhu cầu dầu của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sự di chuyển nội địa kỷ lục, được đo lường bằng tình trạng tắc nghẽn mạnh mẽ và dữ liệu chuyến bay nội địa. Theo quan điểm của chúng tôi, mức độ mạnh mẽ này là bền vững, mặc dù chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ giảm tốc đáng kể trong năm tới".
Đặt cược vào hàng hóa
Sự gia tăng hàng hóa diễn ra bất chấp câu chuyện tăng trưởng kinh tế vĩ mô đang chững lại ở Trung Quốc.
Nhà kinh tế Hao Hong của Grow Investment cho biết: “Thị trường hàng hóa đang phản ứng với việc mở rộng tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy đáy. Vì vậy đang có một sự phân chia lớn giữa hai loại tài sản này".
PBOC mới đây công bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều chỉnh chính sách vĩ mô, duy trì tăng trưởng tín dụng và thanh khoản ổn định.
Ông Hong nhận xét: “Các nhà giao dịch tại thị trường Trung Quốc hiện đặt cược vào thị trường hàng hóa nhiều hơn khi nói đến mức độ cải thiện tương đối của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai".
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc thu gần 390 triệu USD từ việc xuất khẩu dầu ăn thừa cho Mỹ
Nguồn CNBC