Thứ Ba | 06/05/2014 15:22

NHTW-quyền lực sau khủng hoảng (P2): Cạn kiệt “vũ khí”

Ngân hàng trung ương (NHTW) dùng nhiều công cụ để điều tiết, kiểm soát thị trường từ sau khủng hoảng nhưng hiệu quả rất ít.
Nay, họ đang tính đến các công cụ không theo quy ước. Liệu điều đó có mang lại đột phá?

Hào quang dần tắt
Thống đốc NHTW Anh Mark Carney từng là Thống đốc NHTW Canada trong nhiều năm. Ông cũng từng làm việc tại bộ phận đầu tư của Ngân hàng Goldman Sachs trong 13 năm. Carney là một nhà NHTW kiểu mới, không phải là người khô khan đứng đầu một bộ máy quan liêu của chính phủ, mà là người quản lý tiền tệ đẳng cấp quốc tế - người đã tạo ra một phân khúc kinh doanh mới: thị trường chuyển nhượng cho những người đứng đầu các NHTW.

Vì phần lớn ngành tài chính Canada qua cuộc khủng hoảng toàn cầu không bị tổn thương, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã mời Carney về làm Thống đốc NHTW Anh với hy vọng ông sẽ mang lại điều kỳ diệu tương tự cho Vương quốc Anh. Tiền lương và phụ cấp nhà ở hàng năm của ông lên tới 1,38 triệu USD, gấp 7 lần mức của Chủ tịch FED Janet Yellen. Osborne tuân thủ yêu cầu của Carney trong việc mở rộng ủy nhiệm của NHTW Anh và trao thêm quyền giám sát các ngân hàng Anh.

Ngoài công việc Thống đốc NHTW Anh, Carney còn đứng đầu Hội đồng Ổn định tài chính toàn cầu (FSB), nơi các nhà kiểm soát tiền tệ, cơ quan quản lý và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới làm việc để chỉnh đốn lĩnh vực tài chính với các ngân hàng, các quỹ và cơ quan xếp hạng. Các nước G20 đã thành lập FSB sau cuộc khủng hoảng tài chính như một trung tâm nghiên cứu khủng hoảng cho thế giới tài chính.

Carney đã mời các tư vấn quản lý đến làm việc trong NHTW Anh để cải thiện công việc. Nhưng các đồng nghiệp mới của ông ở Anh vẫn vô cảm trước những biểu hiện của Carney. Một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ kỳ cựu cản trở những nỗ lực của ông trong việc mang những đổi mới của mình vượt Đại Tây Dương. Carney muốn chấm dứt môi trường mù mờ xung quanh quyết định lãi suất, thay vào đó thường xuyên đưa ra các hướng dẫn - mô tả chính xác những gì các ngân hàng có kế hoạch làm trong tương lai.

Ở Canada, cách tiếp cận của ông giúp thị trường không bị hoảng loạn trong cuộc khủng hoảng. Nhưng các đồng nghiệp mới của Carney không muốn chiều theo ý ông. Tháng 8-2013, NHTW Anh hứa sẽ giữ lãi suất cho vay ở mức thấp cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 7%. Nhưng nhiều người cho rằng thị trường sẽ không tin tưởng các lời hứa đó. Vào tháng 2-2014, ông Carney buộc phải thu hồi thông báo của mình.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh đến nỗi ngưỡng 7% trở nên quá dễ đạt nên không còn là tác nhân tự động cho việc tăng lãi suất. Kể từ đó, hào quang của tân Thống đốc bị tối đi nhanh chóng. Với đồng bảng mạnh lên và giá bất động sản tăng tới mức lo ngại ở một số vùng, Carney đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích. Nhiều người bắt đầu lưu ý bản cân đối kế toán của NHTW Anh vẫn rất đồ sộ, vì các nhà kiểm soát tiền tệ đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ trong cuộc khủng hoảng.

Miệng nhà quan hết gang hết thép?
Thống đốc Ngân hàng châu Âu (ECB) Mario Draghi biết rằng chỉ nói 1 câu duy nhất đôi khi có thể thành phép lạ, nhưng cũng có thể tạo ra thảm họa, đặc biệt trong chính sách tiền tệ. Như việc ông giải thích quyết định mới nhất của ECB cho các nhà báo vào đầu tháng 4 chỉ đơn giản bằng việc đọc lại câu chính trong bài phát biểu của chính ông: “Hội đồng ECB nhất trí cam kết sử dụng những công cụ không theo quy ước để đối phó hiệu quả với nguy cơ lạm phát thấp kéo dài quá lâu. Điều đó có nghĩa những biện pháp không theo quy ước vẫn chưa được khai thác triệt để”.

Những người chỉ trích cho rằng Draghi đã phát biểu một cách mơ hồ. Sáng tạo mới nhất của ông là phản ứng với con số đáng lo ngại: 0,5%. Đó là mức lạm phát trong khu vực đồng EUR vào tháng 3. Theo tiêu chuẩn của ECB, lạm phát phải đạt mức 2% mới được coi là lành mạnh. Ngay cả các nhà NHTW cũng không lường trước sự suy giảm mạnh như vậy. Hơn nữa, các loại vũ khí cổ điển thường được triển khai trong tình huống như vậy gần như đã được sử dụng hết. Thí dụ, hiện lãi suất cơ bản của ECB đang ở mức thấp lịch sử 0,25%/năm.

Một trong những trớ trêu là sự bất đồng giữa Draghi với đối thủ lớn nhất của ông trong Hội đồng ECB. Trong nhiều năm, Thống đốc NHTW Đức (Bundesbank) Jens Weidmann khiến Draghi khó chịu khi lặp đi lặp lại những cảnh báo về việc ECB đã ném một số tiền lớn vào các nước khu vực đồng EUR ốm yếu. Nhưng nay, 2 người bắt đầu đạt được sự đồng thuận đối với vấn đề lạm phát ở Eurozone.

Đầu tiên, họ nhấn mạnh rằng tình hình hiện nay chỉ có thể được mô tả như là lạm phát thấp, không giảm phát. Sau đó, họ tuyên bố rằng sẵn sàng hành động nếu lạm phát tiếp tục suy yếu. Draghi và Weidmann hy vọng lời nói của họ đủ để tác động tới thị trường, không cần sự can thiệp thực tế. Cuối cùng, cả 2 đều nhận ra rằng các biện pháp, như chương trình mua lại chứng khoán, rất tốn kém nhưng ít hiệu quả. Các chuyên gia ECB đã tính ra rằng ngay cả khi ECB mua 1.000 tỷ EUR chứng khoán cũng chỉ giúp tăng tỷ lệ lạm phát 0,2-0,8 điểm phần trăm. Điều này đặt Weidmann và Draghi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Những biện pháp truyền thống đã sử dụng hết, nay họ đang cố gắng kiểm soát thị trường chỉ bằng từ ngữ. Có lẽ lời nói của họ sẽ có hiệu quả mong muốn, nhưng có thể chẳng ý nghĩa gì, buộc họ phải có những biện pháp hỗ trợ đặc biệt, với những rủi ro và tác dụng phụ không thể lường trước.

Nguồn Sài Gòn Đầu Tư


Sự kiện