Nhóm "TPP 11" sẵn sàng chào đón Mỹ trở lại
11 quốc gia đã kí kết hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dự định tiến tục thực thi hiệp định này mà không có Mỹ. Tuy vậy, nhóm "TPP 11" này vẫn chừa sẵn một con đường dễ dàng để nước Mỹ quay về, với hy vọng sẽ lôi kéo được Washington trở lại bàn đàm phán.
Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi TPP, biến Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhất trong nhóm này. Tokyo đang hy vọng sẽ thực hiện được TPP theo các điều khoản hiện tại của hiệp định này.
Các thành viên còn lại của TPP sẽ đưa ra một tuyên bố chung tại một cuộc đàm phán cấp bộ trưởng sắp diễn ra tại Việt Nam vào Chủ Nhật tới đây. Việt Nam và New Zealand, hai nước đồng chủ tọa cuộc hội đàm, đã trình ra một bản dự thảo kêu gọi các nước thành viên thực hiện hiệp định càng nhanh càng tốt. Tài liệu này cũng nói rằng các thành viên sẽ xem xét việc đẩy nhanh quá trình gia nhập lại TPP cho các quốc gia từng ký kết ban đầu.
Cũng theo bản dự thảo cho biết, các thành viên TPP muốn chốt lại các vấn đề về quản trị trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới.
Các điều khoản chung của TPP, như đã thỏa thuận vào tháng 10 năm 2015, đòi hỏi phải có sự đồng ý hoàn toàn của các thành viên đối với việc chấp nhận thêm bất kỳ một quốc gia mới nào. Một nhóm công tác thuộc một ủy ban đại diện những nước đã ký kết TPP sẽ đưa ra các điều kiện để chấp nhận một thành viên mới, và ủy ban này sẽ bỏ phiếu dựa trên báo cáo của nhóm công tác đó.
Cơ chế này ban đầu được thiết kế để tiếp nhận nhận các nước mới ngoài nhóm 12 nước thành viên đầu tiên, chẳng hạn như Thái Lan hoặc Indonesia. Nhóm "TPP 11" sẽ bỏ qua cơ chế này cho riêng Mỹ, do trước đây nước này đã đàm phán về thuế và một số điều khoản khác với các nước còn lại trong khối.
Trước đây, Nhật Bản đã nói với các thành viên còn lại của TPP rằng nước này có quan điểm là nên tạo điều kiện dễ dàng cho việc tái gia nhập của Mỹ. Một số người cho rằng Tokyo cũng hy vọng đẩy nhanh quá trình để tránh đàm phán lại các vấn đề đã chốt trước đây, chẳng hạn như bãi bỏ thuế quan và thiết lập hạn ngạch nhập khẩu đối với nông sản.
Bá Ước
Nguồn Nikkei