Thứ Bảy | 13/12/2014 18:45

Nhìn lại những thách thức của Nhật Bản trước bầu cử

Cùng nhìn lại những khó khăn về kinh tế và dân số của Nhật Bản trước khi nước này bầu cử vào ngày 14/12.

Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản cũng là đất nước giàu có đến nỗi chỉ riêng vùng kinh tế Kanto, gồm cả Tokyo, cũng có thể sánh ngang với toàn bộ nền kinh tế Brazil. Tuy nhiên với hai thập kỷ mất mát, kinh tế Nhật Bản ngày càng tăng trưởng chậm chạp.

 

Sau nhiệm kỳ ngắn ngủi năm 2006-2007, ông Shinzo Abe một lần nữa trở thành Thủ tướng vào năm 2012 (đến nay) với kế hoạch kích thích kinh tế Abenomics táo bạo. Abenomics là loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

 

Với "mũi tên" đầu tiên, chính phủ Nhật Bản quyết định bơm 10 nghìn tỷ yên (84 tỷ USD) vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Với "mũi tên" thứ 2, ngân hàng trung ương Nhật Bản thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ "khổng lồ" nhằm tăng quy mô của bảng cân đối ngân sách, từ đó kích thích dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Hai mũi tên này sau đó lại trở thành động lực giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh.

Ngỡ rằng kinh tế Nhật Bản sẽ theo đó tăng trưởng nhanh hơn nhưng quyết định tăng thuế lên 8% hồi tháng 4 (theo kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm) đã đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào suy thoái. Kết quả là, Thủ thướng Abe buộc phải trì hoãn đợt tăng thuế thứ 2 lên 10%, dự kiến thực hiện vào tháng 10/2015, và kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 14/12 tới đây. Điều này dấy lên những nghi vấn về tính hiệu quả của chính sách Abenomics cũng như cam kết củng cố hệ thống tài chính của ông Abe.

 

Hai thập kỷ rơi vào tình trạng gần như không tăng trưởng trong chi tiêu công tăng mạnh đã đẩy mức nợ công của Nhật Bản lên cao nhất thế giới. Theo đó, tổng nợ công của Nhật Bản gấp gần 2,5 lần GDP và cao hơn 2 lần so với mức nợ công của các nước công nghiệp khác.

Chính vì vậy, cải cách cơ cấu - mũi tên thứ 3 của Abenomics - lại càng trở nên quan trọng. Bởi nếu có thể xóa bỏ những quy định lỗi thời và tạo môi trường canh trạnh công bằng cho doanh nghiệp, kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn.

Đây cũng là lý do khiến ông Abe quyết định thực hiện kế hoạch tăng thuế của chính phủ tiền nhiệm. Nói cách khác, đợt tăng thuế lên 8% hồi tháng 4 trên thực tế là để giảm bớt gánh nặng nợ công của Nhật Bản.

 

Rào cản tăng trưởng lớn đối với Nhật Bản hiện nay chính là quy mô và tuổi tác của dân số. Nhật Bản hiện có 127 triệu dân nhưng con số này dự báo sẽ giảm xuống dưới 100 triệu dần vào giữa thế kỷ này do tỷ lệ sinh giảm. Mặt khác, số lượng người già tại Nhật Bản tiếp tục tăng cao hơn số người trẻ và xu hướng này sẽ ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn trong vài thập kỷ tới. Quy mô dân số giảm và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đồng nghĩa rằng, lực lượng lao động và doanh thu ngân sách Nhật Bản từ thuế thu nhập cá nhân đang giảm dần. Chi tiêu công cho các quỹ hưu trí và dịch vụ y tế cũng theo đó tăng mạnh.

 

Ngày mai 14/12, người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu đi bỏ phiếu. Theo một số kết quả khảo sát, đảng Dân chủ tự do của ông Abe sẽ giành chiến thắng trong đợt bầu cử lần này. Người dân gần như mất niềm tin vào đảng Dân chủ Nhật Bản sau những thất bại trong việc khôi phục kinh tế sau trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Câu hỏi lớn dành cho ông Abe hiện nay chỉ là, bao giờ và bằng cách nào chính phủ sẽ "bắn" mũi tên thứ 3 (cải cách cơ cấu).

Nguồn DVO/ The Economist