Nhìn lại chân dung tổng thống tái đắc cử Barack Obama
Obama dù chưa thực sự làm hài lòng người dân Mỹ trong 4 năm qua nhưng với một di sản tồi tệ khổng lồ mà người tiền nhiệm để lại, những bước đi của Obama được coi là những cú đẩy chậm chạp lên nền kinh tế ì ạch của nước này để nhích từng bước một trên con đường hồi phục kinh tế.
Mức tăng trưởng việc làm ở mức 4,4 triệu lao động trong các ngành nghề mới, giúp giảm thất nghiệp xuống còn 7,4% so với mức hơn 10% từ khi ông nhậm chức. Người ta tin rằng con số lao động sẽ tăng lên nữa nếu như Obama có nhiều thời gian hơn để chèo lái con thuyền kinh tế nước Mỹ.
Obama cũng đã có những thành công nhất định đối với nền kinh tế nước Mỹ như quyết định bảo trợ ngành công nghiệp ô tô nước này thoát khỏi khủng hoảng với những gói hỗ trợ khổng lồ lên đến hàng chục tỷ USD. Trước khi nhậm chức, ngành công nghiệp ô tô nước Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, điển hình là 2 tập đoàn khổng lồ General Motor và Chrysler đã phải nộp đơn lên Tòa án Mỹ để xin bảo hộ phá sản.
Khi Obama lên làm tổng thống đã vực dậy ngành công nghiệp mũi nhọn này của nước Mỹ. Hai tập đoàn General Motors và Chrysler chỉ sau hơn 1 năm nhận được các gói cứu trợ không những đã trả lại khoản nợ chính phủ lần lượt là 23 tỷ USD và 10,3 tỷ USD mà đã kinh doanh có lãi trở lại. Ngành công nghiệp ô tô nước này hiện nay đang là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm mới hơn cho người dân lao động.
Vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ cũng tỏ ra quan tâm đến đời sống người dân lao động nhiều hơn so với đối thủ của mình, ông Mitt Romney. Ông quan tâm đến các chính sách y tế, các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới và chưa hề tạo ra "ác cảm" nào từ người dân như là ứng cử viên đảng Cộng hòa ( Ông Romney đã từng gặp nhiều phản ứng gay gắt trong việc phủ nhận hỗ trợ các vấn đề sức khỏe sinh sản và phụ nữ).
Tiêu diệt Bin Laden và chính sách ngoại giao ôn hòa
Một dấu mốc quan trọng thường được nhắc tới trong nhiệm kỳ vừa qua của Obama là tiêu diệt Bin Laden, việc mà vị tổng thống tiền nhiệm đã không thể làm được.
Tuy vậy Obama theo đuổi lập trường chính trị khá trung lập giống với cựu tổng thống Bill Cliton và hầu hết các đảng viên đảng Dân chủ khác. Trước khi đắc cử chức tổng thống, ông kịch liệt phản đối các chính sách ngoại giao cũng như chính sách đối nội có xu hướng cực đoan của cựu tổng thống George W. Bush.
Ông Obama đã được trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 9/10/2009 "nhờ những nỗ lực xuất sắc nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc".
Ông có một thái độ khá ôn hòa với các nước đối trọng như Nga, Trung Quốc. Tuy thể hiện sự cứng rắn trên chính trường thế giới nhằm khẳng định vị thế đứng đầu của Mỹ, Obama vẫn đưa ra những quan điểm hợp tác có lợi với các bên để phát triển các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.
Trong những năm gần đây, Mỹ và chính quyền của Obama thúc đẩy các mối quan tâm về điểm nóng mới của thế giới là châu Á, tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh quân sự tại đây theo các thỏa thuận song phương cũng như các mục đích phát triển khác tại khu vực này.
Tài hùng biện của tổng thống Obama
Kể từ khi được đảng Dân chủ cử ra tranh cử cho đến lúc thắng cử và trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ, Barack Obama đã nổi bật lên như là một nhà lãnh đạo có khả năng hùng biện vào bậc nhất thế giới. Chính ông đã đem sức mạnh của nghệ thuật hùng biện trở lại với nền chính trị Mỹ và từ những bài diễn thuyết của ông, đã tạo ra những tràng vỗ tay cuồng nhiệt và từ đó làm thay đổi quan điểm của người nghe một cách triệt để.
Ông Obama cũng đã 2 lần đoạt giải grammy cho album nói hay nhất vào các năm 2005 và 2008.
Nhiều người cho rằng sự thành công đáng kinh ngạc của người da màu trẻ tuổi Obama trên chính trường nước Mỹ là nhờ vào các thông điệp đầy ấn tượng của ông về hy vọng khắc phục những chia rẽ truyền thống về đảng phái, kinh tế, tôn giáo, vùng miền và chủng tộc. Thật ra, từ những bài diễn văn của ông đã thổi bùng lên niềm tin của người dân Mỹ về những vấn đề mà họ đang rất quan tâm như: Việc làm của bản thân, Tương lai mới của đất nước, Trung thành với những gì mà nước Mỹ đã hứa hẹn; và tái khẳng định giấc mơ Mỹ (American dream).
Nghe Obama diễn thuyết, người dân Mỹ sống lại với niềm tin: Bất cứ ai cũng có cơ hội thành công, giàu có và hạnh phúc tại Mỹ miễn là phải chịu khó làm việc. Lao động sẽ đem lại vinh quang cho mỗi người. Đó là điều Obama hứa hẹn với người dân Mỹ và chính vì thế mà họ đã bỏ phiếu để ông trở thành tổng thống.
Tiểu sử ông Obama
Barack Hussein Obama sinh ngày 4/8/1961 tại Honolulu, Hawaii là tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ông Obama giữ chức thượng nghị sĩ đại diện cho bang Illinois từ tháng 1/2005 cho đến khi từ chức.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia ở New York năm 1983, Obama trở thành chuyên viên tổ chức cộng đồng trong ba năm tại Chicago, giữ cương vị giám đốc Đề án Phát triển Cộng đồng, một tổ chức cộng đồng lúc đầu bao gồm 8 giáo xứ Công giáo ở vùng Đại Roseland. Cuối năm 1988, ông nhập học Trường Luật của Đại học Harvard, và trở thành vị chủ tịch da màu đầu tiên của Tạp chí Luật Đại học Harvard.
Trong khi làm việc ở Chicago, ông gặp và kết hôn với Michelle Robinson năm 1992 và sinh ra hai cô con gái tên Malia và Sasha.
Sau khi tốt nghiệp trường Havard, ông quay lại Chicago làm việc trong ngành luật dân sự, và là đại diện bảo vệ quyền của người thuê nhà và người bị phân biệt đối xử việc làm. Đồng thời, ông tham gia vào công việc giảng dạy tại khoa Luật trường Đại học Chicago.
Ông Obama tuyên bố tranh cử chức tổng thống Mỹ vào ngày 10/2/2007 và đã đánh bại ứng viên John McCain để trở thành ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng. Trong kỳ tổng tuyển cử này, ông giành được 365 phiếu đại cử tri, gấp hơn 2 lần so với số phiếu được bầu cho thượng nghị sĩ John McCain là 163 phiếu. Ông chính thức công bố quyết định tái tranh cử chức tổng thống Mỹ vào tháng 4/2011.
Nguồn Khampha/Tổng hợp