Thứ Năm | 17/12/2015 15:23

Nhìn lại 7 năm lãi suất 0% của Fed

Chặng đường 7 năm với nhiều biến động của thị trường trước khi Fed chính thức nâng lãi suất thêm 0,25% trong ngày hôm nay.

Sau gần 7 năm duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục, Fed đã chính thức nâng lãi suất thêm 0,25% vào rạng sáng nay. 

Hãy cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong gần 7 năm Fed thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để thấy được phần nào những khó khăn mà Fed đã phải cân nhắc khi ra quyết định này. 

1. Lãi suất về mốc 0% ngày 16/12/2008

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Lãi suất hạ về 0% váo cuối năm 2008

Trong cuộc họp vào tháng 12 năm 2008, các quan chức của Fed đã hạ lãi suất xuống còn 0-0,25% trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bị suy thoái, đặc biệt là sự sụp đổ của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thị trường Mỹ lúc bấy giờ là Lehman Brothers. 

Sau cuộc họp một số quan chức của Fed cho biết "Fed sẽ sử dụng tất cả những công cụ sẵn có để nối lại đà tăng trưởng kinh tế bền vững và đảm bảo sự ổn định giá cả".

2. Thất nghiệp tăng cao kỷ lục - tháng 10 năm 2009

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xác lập đỉnh vào tháng 10/2009

Đến năm 2009, Fed lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng khác là tình trạng thất nghiệp đang tăng cao tại Mỹ. Trong năm này, trung bình mỗi tháng có tới gần 424.000 người Mỹ thất nghiệp. Tính riêng trong tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục lên tới 10%, mức cao nhất kể từ năm 1983.

3. Khủng hoảng tài chính - 2010

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Nhiều ngân hàng trung ương khắp thế giới cắt giảm lãi suất sau khủng hoảng

Bước vào năm 2010, nhiều nơi trên thế giới cảm nhận rõ hơn sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính gây ra, khiến cho nhiều Ngân hàng Trung ương tích cực hạ lãi suất để giảm thiểu thiệt hại.  

Điển hình, Ngân hàng trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất xuống còn 0,5% vào tháng 3 năm 2009, thay vì mức lãi suất 5,75% vốn được duy trì suốt từ những năm 2007. Trong khi, Ngân hàng Trung ương EU cũng hạ lãi suất tiền gửi thanh toán xuống còn 0,25%.

Tại châu Á, Ngân hàng trung ương Nhật Bản lần đầu tiên sau gần 7 năm cắt giảm lãi suất cùng nhiều biện pháp khác được đưa ra. Thậm chí đến năm 2013, các chính sách thay đổi đưa ra còn lớn hơn để đạt mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát là 2% và cam kết thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

Việc các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng toàn cầu được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ lãi suất trên thị trường thế giới đang xuống thấp có thể khuyến khích nhiều dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư lợi suất cao hơn, đặc biệt là vào tài sản tại Mỹ. Điều đó có thể khiến đồng USD lên giá, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ khi giá hàng hóa trở nên đắt hơn. 

4. Phá trần nợ công - tháng 7 năm 2011

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Tình hình an toàn tài chính của Mỹ xuống mức âm trên thang điểm của Bloomberg sau khi S&P hạ bậc trái phiếu chính phủ

Đến tháng 7 năm 2011, tranh cãi giữa các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công suýt làm cho chính phủ phải ngưng hoạt động vì thiếu ngân sách. Sau nhiều phiên thảo luận, cuối cùng quốc hội Mỹ đã đi đến thống nhất nâng trần nợ công. Tuy nhiên, điều này đã khiến tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới là S&P đã hạ bậc tín dụng của Mỹ. Điều này đã gây ảnh hưởng nhiều lên sự phục hồi của thị trường. Chính phủ Mỹ sau đó phải đi đến cắt giảm chi tiêu công để đảo ngược tình thế.

5. Hiện tượng "taper" làm xáo động thị trường tài chính - hè 2013

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt sau tuyên bố của Fed

Vào tháng 5/2013, Chủ tịch FED khi đó là Ben Bernanke điều trần trước Quốc hội Mỹ nói rằng FED có thể bắt đầu giảm tốc độ việc mua lại trái phiếu vì nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. 

Phản ứng lại thông tin này, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt do giới đầu tư đổ xô đi tìm những tài sản an toàn hơn.

6. Đồng USD tăng giá - mùa hè 2014

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Đồng bạc xanh liên tục mạnh lên từ cuối năm 2014

Kể từ giữa năm 2014 đến nay, đồng USD đã tăng giá khoảng 21% và trở thành tiêu điểm khiến các quan chức của Fed đặc biệt quan tâm và xem xét đến. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang còn yếu cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng ở các nước trên thế giới tạo áp lực lên các khoản nợ bằng đồng USD. Nên khi Fed tăng lãi suất, điều đó sẽ gây áp lực khiến đồng USD tăng giá. 

Trong một cuộc họp với Ủy ban Quốc hội Mỹ diễn ra vào ngày 3/12, Chủ tịch Fed là bà Janet Yellen nói rằng tỷ giá của đồng USD là một nhân tố “khiến chính sách tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng sẽ từng bước được điều chỉnh”.

7. Phá giá đồng nhân dân tệ - 8/2015

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Đồng nhân dân tệ chính thức phá giá vào tháng 8/2015

Trong 7 năm qua, Fed đã phải đương đầu với một loạt diễn biến bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế, bao gồm việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8, trước khi cuộc họp về tăng lãi suất bắt đầu. Đồng NDT được chính phủ Trung Quốc phá giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này liên tục lao dốc và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Chính vì những lý do này buộc  Fed phải tạm hoãn kế hoạch tăng lãi suất vào cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua. 

8. Kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp

Nhin lai 7 nam lai suat 0% cua Fed
Tăng trưởng GDP của Mỹ dao động quanh mức 2% từ sau khủng hoảng

Một trong nhiều lý do lý giải cho việc Fed duy trì mức lãi suất gần như 0% trong suốt 7 năm qua là do nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ. Các tiêu chuẩn tín dụng vẫn đang ở khá thắt chặt, gây cản trở truyền dẫn của chính sách tiền tệ nới lỏng tới nền kinh tế. 

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Mỹ vẫn tốt hơn tình trạng suy thoái tại châu Âu và Nhật Bản, tuy nhiên những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu sau cuộc khủng hoảng vẫn cần rất nhiều thời gian để phục hồi. 

Nguyệt Nhi

Nguồn Bloomberg