Chủ Nhật | 11/11/2012 06:18

Nhiều tín hiệu từ thị trường Mỹ không còn đáng tin cậy

Mỹ luôn là nơi mà cả thế giới nhìn vào để hoạch định kế hoạch tiếp theo của mình. Tuy nhiên có những dấu hiệu không hoàn toàn nên tin.
Nước Mỹ vừa đón một vị tổng thống mới mà cũ khi ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Dù có nhiều lợi thế hơn so với khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama và những quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn nhiều điều phải làm phía trước.

Những người tham gia thị trường có thể tin vào việc trần nợ công sẽ được nâng lên cao hơn 16,4 nghìn tỷ USD nhưng đối với chính sách tiền tệ thì cái nhìn cần thận trọng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể đã mất đi một tín hiệu tốt để đo lường mức độ rủi ro của nền kinh tế Mỹ thông qua đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ nước này.

Những thuận lợi

Nền kinh tế ông Obama thừa hưởng từ tổng thống Bush tệ hơn rất nhiều so với nền kinh tế khi tổng thống Obama bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Hiện nay nền kinh tế Mỹ đang đi vào giai đoạn phục hồi còn khi đó nền kinh tế bắt đầu tiến lên đỉnh điểm khủng hoảng (Hình 1).

Tăng trưởng Mỹ trong thời kỳ 2008 - 2012. Nguồn: Bureau of Economic Analysis
HÌnh 1. Tăng trưởng Mỹ trong thời kỳ 2008 - 2012. Nguồn: US Bureau of Economic Analysis.

Ông Obama nhận được nhiều phiếu hơn từ các cử tri có lẽ một phần do kế hoạch tạo việc làm của mình. Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, số liệu thống kê công bố mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 7,9%. Dữ liệu cho thấy đã có thêm hơn 110.000 việc làm được tạo ra trong tháng 9.

Thuận lợi tiếp theo là thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên. Chỉ số S&P/Case-Schiller 20-city đo lường hoạt động của 20 thành phố lớn của Mỹ đã tăng 2% trong tháng 8/2012 so với cùng kỳ năm trước. Thường thì bất động sản là khu vực tạo nhiều động lực cho nền kinh tế Mỹ phát triển và việc chỉ số tăng mang tới nhiều dấu hiệu hi vọng.

Bên cạnh đó, thuận lợi lớn nhất tới từ hệ thống ngân hàng khi nhiều đơn vị, đặc biệt là những định chế lớn nhất, đã tăng vốn để giúp hệ thống mạnh khỏe hơn. Tháng 5/2012, trong một bài phát biểu của mình, chủ tịch Fed, Ben Bernanke, cho biết 19 ngân hàng hàng đầu đã tăng thêm 760 tỷ USD vốn hỗ trợ.

Vấn đề phải đối mặt

Vẫn là chủ đề việc làm xuất hiện đầu tiên. Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 7,9% nhưng con số này vẫn còn cao so với thời gian trước khủng hoảng (Hình 2). Để quay lại được mức 4,5% như thời gian giữa năm 2007, chính quyền Obama sẽ còn có nhiều việc phải làm.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giai đoạn 2007 - 2012. Nguồn: Bureau of Labor Statistics
Hình 2. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giai đoạn 2007 - 2012. Nguồn: US Bureau of Labor Statistics.

Dù kế hoạch tạo ra 2 triệu việc làm mới trong thời gian tới có thể đưa vào thực thi thì lo ngại từ bờ vực tài khóa vẫn đe dọa thị trường nhạy cảm này. Có thể không phải 2 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra mà 2 triệu người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Bờ vực tài khóa đề cập tới việc cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế lên 2% đối với người lao động. Đây là điều khoản đặt ra từ trước và tới ngày 1/1/2013, đạo luật này sẽ tự động được thực thi.

Nước Mỹ bị đẩy vào thế buộc phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế do nợ công của nước này hiện nay ở mức cao. Theo Bloomberg, cuối tháng 8/2012, nợ công của Mỹ đã lên tới 16 nghìn tỷ USD, gần đạt mức trần 16,4 nghìn tỷ USD do quốc hội Mỹ quy định. Như vậy, nợ công của Mỹ đã lên tới 107% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Con số so sánh cho thấy, trong các nước G7 thì Mỹ có tỷ lệ nợ công so với GDP cao thứ 3, sau Nhật (204% so với GDP) và Italia (120% so với GDP).

Nhật và Mỹ có điểm tương đồng là nợ của chính phủ được các tổ chức trong nước nắm giữ phần lớn. Trường hợp của Mỹ, các chủ nợ nước ngoài chỉ nắm hơn 5000 tỷ, nghĩa là hơn 1/3 số nợ, và trong đó đồng minh thân thiết Nhật Bản chiếm hơn 1000 tỷ. Từ đó có thể thấy rằng việc Mỹ bị ép trả nợ không dễ xảy ra. Tuy vậy, không bị ép trả nợ không có nghĩa Mỹ không thể bị phá sản.

Do đó, nếu hai đảng nắm quyền tại quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công thì chính phủ Mỹ sẽ không thể bán trái phiếu để tài trợ cho hoạt động của mình và điều đó tương đương với phá sản.

Không một ai trên thế giới muốn nhìn thấy nước Mỹ phá sản vì ngay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, quy mô nhỏ hơn việc nước Mỹ vỡ nợ, cũng đã đẩy cả thế giới vào tình cảnh bi đát như tất cả đã chứng kiến từ đó đến nay.

Có thể tin vào dấu hiệu nào?

Chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách đưa nước Mỹ ra khỏi tình hình không mấy sáng sủa hiện nay và nhiều người sẽ nhìn vào những chính sách và hành động của chính phủ Mỹ để điều chỉnh hành vi.

Tăng trần nợ công: Có cơ sởTrước hết là trần nợ công, các nhà đầu tư có lẽ nên tin vào việc quốc hội Mỹ sẽ nâng con số này lên trước thời điểm 1/1/2013. Trong giai đoạn từ năm 1981 đến nay, qua 4 đời tổng thống trước ông Obama, trần nợ công đã được tăng 31 lần.

Tổng thống Obama, trong nhiệm kỳ đầu của mình, đã góp thêm 3 lần nữa, từ mức hơn 11 nghìn tỷ USD lên hơn 16,4 nghìn tỷ USD gần đây nhất (Hình 3). Hơn nữa, hai lần mới đây ông Obama đã thuyết phục được quốc hội Mỹ tăng mạnh xấp xỉ 2 nghìn tỷ so với mức trước đó.

Số lần tăng trần nợ công của Mỹ giai đoạn 1981 - 2011. Nguồn: US Department of Treasury.
Hình 3. Số lần tăng trần nợ công của Mỹ giai đoạn 1981 - 2011. Nguồn: US Department of Treasury.

Chính vì thế, các nhà đầu tư không phải quá chần chừ xem xét xem liệu Mỹ có vỡ nợ hay không do các số liệu lịch sử chỉ ra rằng việc nâng trần nợ công có khả năng cao được thực hiện.

Chính sách tiền tệ: Nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ thường được sử dụng để kích thích kinh tế Mỹ từ trước đến nay, các nhà đầu tư cần thận trọng. Đặc biệt từ sau thời điểm khủng hoảng, chính sách tiền tệ được sử dụng mạnh nhưng hiệu quả chưa cao.

Chính sách tiền tệ được Fed điều hành không mang lại kết quả như ý, nếu xét tới kiềm chế lạm phát. Nhìn trong Hình 4, ta thấy lạm phát nước Mỹ tăng mạnh trong 3 thời kỳ: (1) từ giữa đến cuối 2008, (2) giữa đến cuối 2010 và (3) cả năm 2011.

Lợi suất trái phiếu, lạm phát Mỹ giai đoạn 2008 - 2012. Nguồn: US Department of Treasury.
Hình 4. Lợi suất trái phiếu, lãi suất và lạm phát Mỹ giai đoạn 2008 - 2012.
Nguồn: US Department of Treasury, Bureau of Economic Analysis.

Lý giải cho lạm phát tăng cao lần đầu là do cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn. Lúc đó khi thị trường tài chính đổ vỡ, các nhà đầu tư đều rút về và hoạt động sản xuất bị đình trệ. Lạm phát xảy ra do hàng hóa thiếu thốn, có thể tạm coi như đây là lạm phát chi phí đẩy.

Đợt tăng cao thứ hai và thứ ba là do gói nới lỏng định lượng thứ nhất và thứ hai gây ra. Gói nới lỏng định lượng thứ nhất kéo dài trong vòng một năm, bắt đầu từ cuối tháng 3/2009. Số tiền mà Fed bỏ ra để mua tài sản là hơn 1400 tỷ USD. Nền kinh tế được bơm lượng tiền lớn khiến tăng chỉ số giá tiêu dùng từ gần -3% lên hơn 3%. Một chú ý là chúng ta thấy có độ trễ giữa cung tiền bơm ra và lạm phát của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau đó, do chi phí giải cứu một số doanh nghiệp như AIG và General Motors hay một số công ty bất động sản như Fannie Mae chiếm tới hơn 1/3 khiến dòng tiền không chảy vào nền kinh tế được nữa, theo một thống kê của CNNMoney. Đó chính là lý do mà Fed vẫn quyết định giữ mức lãi suất thấp chứ không tăng để kiềm chế lạm phát. Nguyên lý Taylor tăng lãi suất khi lạm phát tăng đã không được áp dụng trong trường hợp này do có cú sốc kinh tế.

Đến gói nới lỏng định lượng thứ hai, ứng với đợt lạm phát thứ ba, thì lại có cú sốc tiếp theo là cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra tại Hy Lạp. Cuộc khủng hoảng nợ công kéo kinh tế thế giới xuống sâu hơn nữa và để giúp nền kinh tế tiến lên, Fed đã bơm ra 600 tỷ USD trong vòng 10 tháng bắt đầu từ tháng 8/2010.

Đây vẫn là kế hoạch không hiệu quả khi GDP mở rộng 2,9% có đóng góp tới gần 50% chi tiêu chính phủ. Chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng làm lạm phát gia tăng trong thời gian 2011.

Do Fed vẫn muốn dùng lãi suất làm yếu tố điều hành chính sách tiền tệ chủ yếu giúp kích thích tăng trưởng nên các nhà điều hành không tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.


Việc tin tưởng rằng lãi suất ngắn hạn sẽ quyết định lãi suất dài hạn và lãi suất thấp sẽ giúp kích thích tăng trưởng của Fed không có hiệu quả trong khoảng thời gian diễn ra hai đợt nới lỏng định lượng. Mỗi lần kéo dài khoảng 1 năm.

Gần đây Fed lại tung ra gói nới lỏng định lượng thứ ba và không giới hạn thời gian mua tài sản như hai lần trước. Nguyên lý bên dưới của đợt nới lỏng này là việc Fed dần chuyển trọng tâm từ điều hành bằng lãi suất mục tiêu sang mục tiêu tăng trưởng GDP danh nghĩa. Fed sẽ bơm tiền ra nền kinh tế cho đến khi nào đạt tăng trưởng GDP như mong muốn thì thôi.

Việc bơm tiền không giới hạn như vậy mang tới nhiều rủi ro. Thứ nhất, lạm phát sẽ lên cao như đã từng chứng kiến trong hai lần nới lỏng định lượng trước.

Thứ hai, dòng tiền này sẽ chảy sang những nơi sinh lợi lớn hơn, có lãi suất cao hơn như thị trường châu Á. Gần đây cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore, Thái Lan và Hong Kong đã phải bơm tiền ra để tránh ảnh hưởng của dòng tiền này làm tăng giá nội tệ.

Cuối cùng là nếu ảnh hưởng đủ lớn để gây ra đổ vỡ tại các thị trường thì dòng tiền này cũng khó thu hồi về kịp và chính Mỹ cũng sẽ lại là nơi chịu ảnh hưởng.

Vì những lý do trên, đối với chính sách tiền tệ mà Fed đang thi hành, nhà đầu tư cần cẩn trọng để có những quyết định hợp lý vì thời gian qua cho thấy hiệu quả chính sách tiền tệ của Mỹ không cao.

Tín hiệu từ thị trường trái phiếu: Không rõ ràng

Khi nền kinh tế nào đó bắt đầu đi vào suy thoái, đường cong lợi suất đối với trái phiếu chính phủ nước đó sẽ quay ngược. Đây chính là điều mà những người tham gia thị trường có thể sử dụng làm dấu hiệu nhận biết khi nào nền kinh tế nước đó đi vào suy thoái.

Nếu cho rằng suy thoái sắp xảy ra, các nhà đầu tư thường mua nhiều trái phiếu chính phủ dài hạn để tránh rủi ro trong ngắn hạn của trái phiếu (tín phiếu) kỳ hạn ngắn. Nhiều người mua sẽ khiến giá trái phiếu dài hạn tăng và lợi suất giảm, thậm chí xuống thấp hơn trái phiếu (tín phiếu) kỳ hạn ngắn. Đó chính là cơ chế xảy ra đường cong lợi suất ngược - trường hợp lợi suất trái phiếu (tín phiếu) ngắn hạn lớn hơn lợi suất của chứng khoán dài hạn.

Để phản ứng với suy thoái, Fed thường hạ lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng. Bằng chứng là lãi suất mục tiêu đã giảm mạnh từ mức gần 5% đầu năm 2008 xuống 0,25% vào đầu năm 2009 để kích thích tăng trưởng.


Cũng trong thời điểm đầu năm 2008, thị trường chứng kiến đường cong lợi suất ngược khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn 1 năm và 3 năm. Đầu tháng 1/2008, có lúc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 tháng cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm tới 33 điểm cơ bản và kỳ hạn 3 năm hơn 20 điểm cơ bản.

Cả hai tín hiệu, Fed hạ lãi suất mạnh và đường cong lợi suất ngược, cho thấy nền kinh tế chuẩn bị rơi vào suy thoái.

Hình 4 cũng thể hiện rằng lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm vẫn cao so với các kỳ hạn ngắn hơn. Lý do của hiện tượng này là các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong vòng 5 năm.

Quay trở lại vấn đề hạ lãi suất để giải quyết tăng trưởng, do đã giảm lãi suất mục tiêu xuống gần mức 0 nên Fed không còn dư địa hạ lãi suất và vướng vào bẫy thanh khoản (liquidity trap).

Thay vào đó, việc sử dụng gói nới lỏng định lượng để nâng GDP cao đến mức chấp nhận được, theo quan điểm của Fed, khiến nhiều vấn đề có thể xảy ra. Ví dụ như lạm phát hay nợ của hộ gia đình có thể gia tăng cao hơn mức 110% so với thu nhập khả dụng hiện nay.

Chính vì Fed không thể hạ lãi suất mà lại dùng gói nới lỏng định lượng không giới hạn thời gian nên các nhà đầu tư không có tín hiệu thật sự rõ ràng về khả năng suy thoái xảy ra sắp tới. Đặc biệt là trong trường hợp này đường cong lợi suất cũng không thể quay ngược để làm kim chỉ nam cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Kết luận

Mỹ cũng như các nền kinh tế khác hiện đang trong thời điểm rất khó khăn, đặc biệt là với bối cảnh nợ công châu Âu chưa có diễn biến tốt hiện nay. Việc đặt tiền vào đâu là bài toán nan giải và nhà đầu tư cần thận trọng với những tín hiệu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, kể cả đó là tín hiệu chính thống.

Nguồn Khampha


Sự kiện