Washington Post
Nhiều Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump quay lại TPP
Các đảng viên Đảng Cộng hòa thường khá ủng hộ các quyết định của Tổng thống Donald Trump. Nhưng về một vấn đề then chốt - thương mại, một phần lớn các thành viên đảng Cộng hòa vẫn không đồng tình với một số hành động của ông Trump.
Mới nhất, một nửa Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump cân nhắc lại quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong một bức thư ngày 16.2, 25/51 Thượng nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi ông Trump "làm việc tích cực" để đàm phán lại các điều khoản và tái tham gia hiệp định mà chính quyền Obama đã khởi xướng. Động thái trên đã nhận được một cú hích khi văn bản cuối cùng của Hiệp định TPP (nay là CPTPP) đã được đưa ra vào ngày 21.2.
Chính ông Trump đã khơi mào cho lời kêu gọi đặc biệt này khi ông để ngỏ khả năng tái gia nhập vào TPP trong một cuộc phỏng vấn của CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Khi đó, ông Trump cho hay: "Tôi sẽ tham TPP trở lại nếu chúng tôi có thể thực hiện một thỏa thuận tốt hơn đáng kể. Thỏa thuận là rất tệ. Nếu chúng ta có thể đàm phán về thỏa thuận tốt hơn đáng kể, tôi sẽ mở cánh cửa với TPP".
Tuy nhiên, ôngTrump cũng đã nhiều lần thực hiện các hành động cho thấy mình muốn đối đầu với các đối tác thương mại, điều giúp ích cho ông trong quá trình tranh cử. Ví dụ, chính quyền tăng thuế nhập khẩu máy giặt và tấm pin mặt trời vào tháng trước; đang tham gia vào một cuộc thương lượng căng thẳng với Canada về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ; và đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với thép nhập khẩu và nhôm hay là cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ trên diện rộng.
Các đảng viên Cộng hòa ở Đồi Capital, được hậu thuẫn bởi các nhóm kinh doanh lớn đại diện cho các công ty đa quốc gia có nhiều lợi ích từ thương mại tự do, đã đưa ra nhiều cảnh báo. Vài giờ trước khi ông Trump gửi thông điệp liên bang, 36 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi cho ông một lá thư hối thúc ông không rút khỏi NAFTA. Về TPP, nhóm nghị sĩ nhận định hợp tác với 11 quốc gia trong TPP "sẽ có thể cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm, tăng xuất khẩu, tăng lương, khai thác tối đa tiềm năng của Mỹ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng".
Văn kiện mới của TPP, Hiệp định về tự do thương mại trong vùng Thái Bình Dương đã hoàn tất và được công bố ngày 21.2 trước khi 11 thành viên ký kết vào ngày 8.3 tới. Nhiều đề nghị của Mỹ bị rút bỏ.
Theo AFP, trong văn bản thỏa thuận mới không có 22 điều lệ do Washington đề nghị, phần lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế thuốc men. Những thành viên còn lại trong TPP e ngại các biện pháp bảo vệ quyền lợi kinh tế của "nước Mỹ trước đã" của Tổng thống Donald Trump sẽ làm giá thuốc leo thang.
Các nước còn lại trong TPP gồm Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Úc và New Zealand. Trong năm 2016, trao đổi mậu dịch giữa 11 nước này lên đến 356 tỉ USD. Tuy nhiên, TPP cũng buộc các nước thành viên như Mêhicô, Malaysia và Việt Nam phải cải thiện luật lao động, bảo vệ quyền lợi công nhân.
Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Kazuyoshi Umemoto cảnh báo Hoa Kỳ là nếu muốn trở lại ghế thành viên của TPP thì phải chấp nhận luật chơi mới: Nếu Hoa Kỳ thay đổi lập trường thì sẽ được đón tiếp nhưng rất khó mà sửa đổi thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, TPP-11 vừa là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, vừa là liều thuốc chống đường lối bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ.
Nguồn Washington Post