Thứ Bảy | 17/08/2013 08:30

Nhiều thành phố Trung Quốc bắt đầu khủng hoảng tín dụng

Tình trạng vỡ nợ ở các thành phố của Trung Quốc nghiêm trọng hơn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ, hiếm thành phố nào tăng trưởng nhanh, mạnh hơn Thần Mu, thành phố thuộc Thiểm Tây - phía tây bắc Trung Quốc với dân số gần 500.000 người.

Các cửa hàng thời trang cao cấp ở đây đạt doanh số 500.000 USD mỗi ngày. Người ta phải đặt trước nhiều tuần để có thể dùng bữa ở các nhà hàng sang trọng nhất.

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính đã lan rộng khắp Thần Mộc và các thành phố lân cận khi hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa, dàn xe siêu sang BMW hay Audi đều phải bán lại trong khi nhiều cuộc biểu tình đường phố bắt đầu nổ ra, doanh thu của các nhà hàng sang trọng giảm tới 97%. Chủ cửa hiệu kim hoàn lớn nhất Thần Mộc bị bắt giữ cách đây 1 tuần do bị cáo buộc trốn nợ.

"Đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế giống như Mỹ. Không còn tiền, không việc làm, người ta chỉ biết ngồi nhà, trong bối cảnh đó nền kinh tế khó mà phục hồi”, chủ một casino ở Phủ Cốc, gần Thần Mộc cho biết.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại một phần do tình trạng vỡ nợ các khoản vay ngầm bên ngoài hệ thống ngân hàng và tình trạng dư thừa công suất ở nhiều ngành như khai thác than đá, đặc biệt ở các thành phố như Thần Mộc.

Các thành phố mà kinh tế dựa vào sản xuất hàng hóa khi giá hàng hóa giảm kéo theo nhiều vụ vỡ nợ. Những thành phố có nền kinh tế lớn nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải bị ảnh hưởng ít hơn. Khi một số vụ vỡ nợ xảy ra đầu năm nay, nhiều tổ chức cho vay bắt đầu nâng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 25%-40% lên tới 125%. Tuy nhiên, chính việc nâng lãi suất này khiến tình trạng vỡ nợ trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra những chính sách cải cách như bỏ sàn lãi suất, cho phép các ngân hàng tự đưa ra lãi suất thậm chí thấp hơn để thu hút khách hàng, nhưng vẫn không thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Hơn nữa các khoản vay chủ yếu cho các doanh nghiệp nhà nước, quan chức chính phủ, các cá nhân có quan hệ với giới chính khách. Sau đó những người này cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vay lại với lãi suất cao hơn rất nhiều.

Các doanh nghiệp tư nhân có thể chịu được mức lãi suất 2 con số khi tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc đạt từ 16-23% giai đoạn 2004 – 2011 nhưng năm ngoái, tăng trưởng GDP danh nghĩa của nước này chỉ đạt 9,8% và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nay xuống còn 8,8%.

Hơn nữa đầu tư quá mức dẫn đến dư thừa công suất. Hàng chục mỏ khoáng sản ở Thần Mộc đi vào khai thác trong 10 năm trở lại đây trong khi các mỏ cũ cũng được khai thác mở rộng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện hay thép – hai ngành chính tiêu thụ than đều tăng trưởng chậm hơn khiến giá than giảm 1 nửa trong 3 năm trở lại đây. Hiện chỉ còn 9 mỏ trong số 90 mỏ ở gần Thần Mộc hoạt động.

Bong bóng bất động sản cũng ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế. Giá nhà đất ở các thành phố của Trung Quốc đồng loạt tăng. Ở Thần Mộc, giá căn hộ cách đây 10 năm là 20.000 USD thì đến cuối năm ngoái lên tới 330.000 USD.

Nguồn NYTimes/Dân Việt


Sự kiện