Nhiều quyết định quan trọng được đưa ra tại AIPA 34
Tại phiên họp, Ủy ban các vấn đề Chính trị đã tập trung thảo luận về hỗ trợ xây dựng Cộng đồng Chính trị an ninh ASEAN (APSC); Báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 5 (Đà Lạt, Việt Nam).
Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN đoàn kết và gắn kết, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung ở khu vực; cam kết tăng cường hơn nữa vai trò tích cực của AIPA trong hỗ trợ xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) thông qua xây dựng, điều chỉnh và làm hài hòa khung pháp lý, góp phần xây dựng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung; kênh lập pháp và hành pháp, theo đó tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA và ASEAN theo hướng hiệu quả, thực chất.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực, nhất là trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và tác động nhiều chiều đến ASEAN.
Vai trò của ASEAN được đề cao trong củng cố hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nghị quyết cũng kêu gọi các Quốc hội thành viên phát huy vai trò hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng, tăng cường quan hệ với các đối tác, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc ứng phó với thách thức đang nổi lên, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống...
Dưới sự điều hành của nước chủ nhà, Ủy ban Kinh tế thảo luận về hai dự thảo Nghị quyết thúc đẩy tăng trưởng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tăng cường vai trò của AIPA ứng phó với những thách thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN và hỗ trợ tăng trưởng xanh.
Đoàn Việt Nam đã đề xuất cần có những cơ chế hỗ trợ cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như đến các thị trường và nguồn lực quan trọng; thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng của chính phủ và nhất trí với đề xuất cần sớm cụ thể hóa sáng kiến này, tuy nhiên cần cân nhắc điều kiện, nguồn lực của từng quốc gia để xây dựng lộ trình phù hợp.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về tăng cường vai trò của AIPA ứng phó với những thách thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN và hỗ trợ tăng trưởng xanh, các đại biểu đều thống nhất giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia. Đó như là một động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu và là công cụ để phát triển bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng xanh là một giải pháp hữu hiệu để ứng phó với những thách thức nảy sinh trong quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Hội nghị đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, trong đó cho rằng việc nghiên cứu thành lập Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN là một giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác vùng về tăng trưởng xanh.
Trong phiên họp này, Việt Nam đã cung cấp thêm một số nền về lộ trình, mục tiêu, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn lực... của Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN.
Ủy ban Xã hội đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về tăng cường vai trò của thanh niên đối với những thách thức trong tương lai của ASEAN; vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy các chương trình phát triển sau năm 2015; hợp tác xây dựng Khu vực ASEAN không lạm dụng trẻ em.
Tại đây, Ủy ban cũng đã thông qua Báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Điều tra thực trạng của AIPA nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM-10) diễn ra từ ngày 12-16/5 vừa qua tại Brunei.
Các đại biểu đề nghị lãnh đạo các nước ASEAN tiếp tục xây dựng các chính sách và hành động giúp thanh niên có sức khỏe tốt hơn và tham gia chủ động vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, đồng thời đề nghị chính phủ các nước ASEAN ủng hộ việc thành lập Quỹ Chương trình Thanh niên ASEAN, khẩn trương xây dựng lộ trình, các định hướng ưu tiên cho giai đoạn sau năm 2015 và tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác giữa các nước thành viên AIPA, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu sau năm 2015.
Đại biểu các nước thành viên AIPA cũng khuyến nghị chính phủ các nước tiếp tục hợp tác nhằm đảm bảo an sinh xã hội, y tế.
Các nước thành viên AIPA cần xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm xác định và xóa bỏ tệ nạn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, chia sẻ các chính sách, biện pháp, kinh nghiệm đấu tranh chống lạm dụng trẻ em, hài hòa hóa pháp luật với các quốc gia thành viên về bảo vệ quyền trẻ em.
Ủy ban Tổ chức đã thông qua 19 Nghị quyết quan trọng liên quan việc sửa đổi Điều lệ AIPA, quy chế nhân viên AIPA, Điều khoản tham chiếu của Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA, Chương trình nâng cao nhận thức, thông qua việc Timor Leste trở thành quan sát viên AIPA, về việc thực hiện các Nghị quyết của AIPA, dự toán ngân sách cho Ban Thư ký AIPA cho giai đoạn từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014 và một số vấn đề thủ tục khác...
Cũng trong chiều 20/9 đã diễn ra bảy phiên đối thoại giữa AIPA và các bên quan sát viên, bao gồm Belarus, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Nghị viện châu Âu, tập trung vào nội dung tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các bên quan sát viên với ASEAN và các quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ...
Các bên thúc đẩy tăng cường các nỗ lực giải quyết các nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện và thành viên của nghị viện AIPA với các bên quan sát viên.
Nội dung nghị quyết của các Ủy ban sẽ được đưa vào báo cáo chính thức của AIPA và được thông qua tại phiên họp toàn thể thứ hai.
Nguồn TTXVN