Nhiều người kiếm lời lớn từ "ngày tận thế"
Linh mục Tikhon Irshenko, người được mời tới nhà tù trên, đã kể rằng nhiều nữ phạm nhân ốm hoặc phát cuồng trong xà lim vì tình trạng sợ hãi quá mức. “Một lần, khi các phạm nhân đang xếp hàng, một người trong số họ tưởng tượng trái đất nổ tung và hét lên. Ngay lập tức mọi người chạy tán loạn", linh mục Irshenko cho biết.
Trong khi đó, tại một thị trấn nhỏ nằm ở phía đông thủ đô Moscow, người dân đã đổ xô vào các khu chợ và siêu thị, vét sạch những đồ dùng cần thiết như diêm, dầu lửa, đường và nến, để tích trữ phòng khi thảm họa diệt vong xảy đến. Tương tự, người dân sinh sống ở Ulan Ude, thủ phủ của vùng Buryatiya, cũng đang tích trữ lương thực và nến.
Cái gọi là "ngày tận thế" 21/12/2012 được những người theo phong trào Kỷ nguyên mới lan truyền. Họ cho rằng, vào ngày này, nền văn minh trên trái đất sẽ bị hủy diệt, do bộ lịch đá của người Maya, một dân tộc có trình độ khoa học khá cao từ thời cổ đại ở Trung Mỹ, bắt đầu từ năm 3114 trước Công nguyên và kết thúc vào ngày 21/12/2012.
Mặc dù, rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và thậm chí là Giáo hoàng cũng đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn thất thiệt này, nhưng vẫn nhiều người tin rằng nó sẽ xảy ra.
Trong một động thái đầy bất ngờ, bộ Tình huống khẩn cấp của Nga đã ra một thông báo cho biết, họ có “những biện pháp để giám sát những hoạt động đang diễn ra đối với trái đất” và khẳng định ngày tận thế 21/12 sẽ không xảy ra. Thay vào đó, Bộ này cảnh báo người dân cẩn thận với những mối đe dọa khác như bão tuyết, sự cố điện, nước.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nga phải can thiệp vào những tin đồn thất thiệt về ngày tận thế do lo ngại người dân hoang mang. Tuần trước, các nghị sỹ nước này cũng đã gửi thư cho ba đài truyền hình lớn nhất, yêu cầu các đài này ngừng phát sóng những nội dung liên quan tới ngày tận thế, nhằm tránh để người dân thêm hoang mang, lo sợ.
Thậm chí Leonid Ogul, thành viên thuộc Ủy ban môi trường của hạ viện Nga, còn đề nghị cảnh sát buộc tội những người dân gieo rắc tin đồn về tận thế. Theo ông, mỗi người có một hệ thần kinh riêng và những tin đồn thế này sẽ gây tác động khác nhau lên tâm trí của mỗi người. "Một số người sẽ cười, trong khi số khác sẽ gục xuống vì đau tim".
Tình trạng người dân sợ hãi ngày tận thế không chỉ diễn ra ở Nga mà còn tại nhiều nơi khác trên thế giới, như ở Anh, Mỹ, Pháp. Tại Pháp, chính phủ nước này đang lên kế hoạch cấm người dân đến ngọn núi "thiêng" Pic de Bugarach, để ngăn chặn tình trạng hàng ngàn người nghe theo tin đồn sẽ đổ xô đến đây để “tránh” ngày thế giới bị diệt vong.
Tuy nhiên, những tin đồn ngày tận thế không hẳn chỉ mang lại toàn điều bất lợi. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang kiếm tiền tốt nhân cơ hội này. Theo RT, một công ty ở thành phố Tomsk thuộc Siberia (Nga) đã ăn nên làm ra khi tung ra thị trường vài nghìn bộ đồ dùng khẩn cấp có giá 29 USD gồm thuốc trợ tim, xà bông, nến, diêm, thức ăn, rượu.
Việc người dân đổ xô mua đồ tích trữ cũng là cơ hội để các hãng bán lẻ kiếm lời lớn. Trên tờ Izvestiya, nghị sỹ Mikhail Degtyaryov nói, “Tôi cảm giác ngày tận thế là cơ hội kiếm tiền béo bở. Các bạn hãy nhìn số tiền mà những kẻ lừa đảo kiếm nhờ tin đồn, từ những kẻ xưng là phù thủy tới những người bán hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác”.
Với điện ảnh thì khỏi phải nói. Đây là cơ hội hàng đầu để kéo khán giả tới rạp. Hàng loạt tác phẩm điện ảnh về ngày tận thế đã đua nhau xuất hiện. Truyền thông cũng không ngừng nói, viết về chúng. Ở Mỹ, kênh National Geographic liên tục phát sóng chương trình “Doomsday Peppers”, nói về sự chuẩn bị cho ngày tận thế của những gia đình ở Mỹ.
Trong khi đó, tại Trung Mỹ, nhiều quốc gia đang tất bật với các hoạt động du lịch ngày tận thế, đặc biệt là ở những nước từng thuộc đế chế của người Maya, trải dài từ Mexico đến Honduras, qua Guatemala đến El Salvador. Theo giới kinh doanh du lịch quốc tế, các nước thuộc khu vực Trung Mỹ sẽ là điểm hẹn cho mùa du lịch cuối năm 2012.
Chẳng hạn, ở Guatemala, chính quyền tổ chức một hội nghị mang tên "Bình minh mới cho nhân loại" ở Tikal, một trong những nơi có nhiều di chỉ khảo cổ của người Maya. Tại Mexico, các nghi lễ ngày tận thế được tổ chức tại khu vực khảo cổ El Tortuguero thuộc bang Tabasco. Còn ở Honduras, một buổi lễ với quy mô hoành tráng sẽ diễn ra ở Copan.
Pedro Duchez, Giám đốc Viện Du lịch Guatemala, nhận định sự kiện ngày tận thế theo lịch của người Maya sẽ là cơ hội giúp ngành du lịch nước này đón thêm 8% lượt du khách, tương đương hơn hai triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2012. Hiện tại 13 điểm khảo cổ hay khu du lịch đã được chọn để chuẩn bị cho các hoạt động từ ngày 20/12.
Hôm 24/10 vừa qua, những người tộc Maya ở Guatemala đã lên tiếng cáo buộc chính quyền và các hãng du lịch lợi dụng tin đồn ngày tận thế trong lịch của người Maya để kiếm tiền. “Chúng tôi kịch liệt phản đối những lời nói dối, tin đồn về người Maya để trục lợi, kiếm tiền”, Felipe Gomez, lãnh đạo Liên đoàn Oxlaljuj Ajpop của người Maya, nói.
Nguồn VnEconomy