Nhiều ngân hàng lớn của châu Âu thiệt hại vì cải cách cơ cấu
Theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn kiểm toán PwC, sẽ có đến 9/18 ngân hàng lớn của châu Âu, như BNP, Société Générale, Deutsche Bank, Barclays và Ngân hàng Hoàng gia Scotland, phải từ bỏ mảng kinh hàng hóa và chứng khoán do lợi nhuận của các mảng này sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cải cách của chính phủ liên minh.
Cải cách cơ cấu là một phần nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc quản lý các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ" thông qua việc phân tách các mảng kinh doanh rủi ro cao. Cải cách ngân hàng là bước cần thiết để loại bỏ các khoản trợ cấp ngầm đối với mảng ngân hàng đầu tư; đồng thời cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng và tính cạnh tranh của khố ngân hàng trong khu vực, theo nhận định của một số chuyên gia.
Tháng 1/2014, EU từng công bố kế hoạch chi tiết về việc giảm độ phức tạp của các ngân hàng lớn nhưng cho đến nay, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ chính phủ Pháp, Đức và Anh. Hiện nay, Anh đang thực hiện khá suôn sẻ kế hoạch cải cách cơ cấu riêng, nhằm chia tách mảng ngân hàng bán lẻ khỏi các mảng ngân hàng đầu tư rủi ro cao hơn.
Báo cáo của PwC cho rằng, việc chia tách hoạt động của khối ngân hàng sẽ tạo ra một loạt các ngân hàng quy mô nhỏ, không có khả năng huy động vốn và phải chịu chi phí huy động vốn cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới tính thanh khoản của các thị trường châu Âu và gây thiệt hại đến tăng trưởng kinh tế khu vực.
Nguồn DVO/ Financial Times