Nhiều ngân hàng châu Âu vẫn ngầm làm ăn với Iran
Tuy nhiên, những giao dịch này không nằm trong diện bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tờ Wall Street Journal tiết lộ một số ngân hàng vẫn đang giao dịch với Iran bao gồm ngân hàng BNP Paribas SA của Pháp, Banco Santander của Tây Ban Nha, ING Groep NV của Hà Lan và HSBC của Anh. Ngoài ra, ngân hàng Deutsche Bank của Đức trong năm ngoài từng thực hiện các giao dịch có giá trị lên tới 2,8 tỷ USD.
Hiện con số chính xác về khối lượng các giao dịch của các ngân hàng châu Âu với Iran vẫn chưa được công khai, song tờ Wall Street Journal nhận định các ngân hàng này hiện đang năm giữ hàng tỷ euro trong các hợp đồng giao dịch tài chính dài hạn với Tehran.
Các giao dịch cũng là dấu hiệu cho thấy hoạt động truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu của Iran vẫn được duy trì bất chấp mọi nỗ lực nhằm cô lập Tehran của Mỹ, đồng thời cho thấy lời khẳng định các ngân hàng đã cắt đứt mọi quan hệ với Iran của một số nhà quan sát là hoàn toàn sai lầm.
|
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mối liên kết giữa các định chế tài chính châu Âu với hệ thống ngân hàng của Iran khá chặt chẽ, do đó việc xử phạt Iran sẽ gây tác động không nhỏ tới các định chế này. Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh các ngân hàng châu Âu có quan hệ làm ăn với Iran đang mạo hiểm quyền hoạt động của họ trên tại thị trường Mỹ.
Hiện tại, chính phủ Mỹ đang tiến hành điều tra một loạt các ngân hàng châu Âu bị cao buộc rửa tiền và giao dịch với Iran cùng nhiều nước bị trừng phạt khác.
Tháng trước, ngân hàng Standard Chartered đã phải nộp phạt 340 triệu USD sau những cáo buộc về rửa tiền bất hợp pháp và giao dịch khoảng 250 tỷ USD với chính quyền Tehran. HSBC cũng bị các nhà chức trách Mỹ cáo buộc ngầm giao dịch với Iran và phải nộp phạt tới 700 triệu USD.
Ngoài ra, ngân hàng Deutsche Bank của Đức cũng nằm trong diện bị điều tra các vi phạm liên quan tới Iran, các nguồn thạo tin cho biết. Theo đại diện của Deutsche Bank, ngân hàng này buộc phải tiếp tục làm ăn với Iran do vướng phải những hợp đồng dài hạn không thể phá bỏ.
Nguồn WSJ/Khampha