Nhiều ngân hàng châu Âu rời bỏ Mỹ do luật Dodd-Frank
Một số ngân hàng châu Âu đang yêu cầu những nhà môi giới của mình tạm dừng hoặc thậm chí không mua bán nhiều sản phẩm phái sinh với các đối tác Mỹ để phản đối lại luật mới của quốc gia này.
Luật Dodd-Frank, được đưa vào áp dụng đầu năm 2013, quy định các ngân hàng bên ngoài Mỹ phải chấp nhận những cuộc điều tra thường xuyên trong và ngoài nước khi mua bán sản phẩm phái sinh. Điều này sẽ tạo ra nhiều gánh nặng hành chính đối với nhà đầu tư.
Những nhà điều hành tại Mỹ muốn tất cả những ngân hàng nếu hàng năm mua bán các hợp đồng hoán đổi với tổng trị giá lớn hơn 8 tỷ USD phải đăng ký như một thành viên tại thị trường phái sinh Mỹ. (Hợp đồng hoán đổi là một dạng công cụ tài chính giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc lại danh mục để điều hòa lãi suất nợ vay với tỷ giá hối đoái.)
Đồng thời, các ngân hàng nước ngoài cũng phải thay đổi để giúp việc kiểm soát các giao dịch này trở nên dễ dàng hơn. Các nhà làm luật Dodd-Frank yêu cầu như vậy với mong muốn tăng tính minh bạch thông qua việc áp dụng nền tảng giao dịch điện tử và trung tâm xử lý giao dịch.
Những ngân hàng giao dịch hoán đổi lớn nhất, ví dụ như Barclays và Deutsche Bank, sẽ tuân thủ đạo luật này. Tuy nhiên, vài ngân hàng cỡ vừa sẽ cho dừng một phần giao dịch với các doanh nghiệp Mỹ nhằm lách qua ngưỡng 8 tỷ USD.
Hàng chục khách hàng của một nhà môi giới giấu tên đã dừng giao dịch hoán đổi lãi suất với các công ty Mỹ trong tháng này do lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới. Nordea, ngân hàng tại khu vực Bắc Âu, và DBS Group Holdings, ngân hàng lớn nhất tại Đông Nam Á xét theo tổng tài sản, cho biết họ không muốn trở thành nhà giao dịch chịu sự điều hành của luật Mỹ.
Cơ quan quản lý của Mỹ không cho thấy sự nhượng bộ khi vẫn tiếp tục áp dụng luật này, ngay cả khi có nhiều ý kiến không đồng tình từ Hiệp hội tài sản phái sinh và hoán đổi quốc tế (ISDA) và bộ trưởng bộ tài chính của Anh, George Osborne.
Việc áp dụng luật Dodd-Frank có thể làm lượng giao dịch chảy nhiều hơn nữa về London, nơi đang là trung tâm giao dịch hoán đổi lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nơi cung cấp thanh khoản lớn nhất cho thị trường 500 nghìn tỷ USD với một nửa số tài khoản tới từ châu Âu này. Hơn nữa, theo số liệu từ ISDA, chỉ riêng Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Morgan Stanley đã xử lý 1/3 số giao dịch hoán đổi trên thế giới.
Nguồn Reuters/Khampha