Các doanh nghiệp lựa chọn im lặng và không tiết lộ thông tin về các mục tiêu xanh. Ảnh: WSJ.
Nhiều công ty chọn "im lặng là vàng" trước chuyển đổi xanh
Có nhiều công ty quan tâm đến khí hậu trên toàn thế giới đang rút lui khỏi việc công khai các mục tiêu xanh trong bối cảnh các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đang giám sát chặt chẽ hơn, nhằm ngăn chặn hiện tượng "tẩy rửa xanh", ý chỉ các doanh nghiệp đưa ra những tuyên bố sai sự thật hoặc phóng đại lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc hoạt động kinh doanh.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của hãng tư vấn South Pole, gần một nửa trong số 1.400 công ty tham gia khảo sát cho biết, việc truyền đạt các mục tiêu về khí hậu đang trở nên khó khăn hơn so với một năm trước. Rất nhiều công ty đã ít nói hơn về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.
Tình thế trở nên khó khăn đối với các công ty, khi cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo phải có những hành động thiết thực hơn để cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Những lo ngại về biến đổi khí hậu đã khiến một số quỹ đầu tư bán cổ phần ở những công ty dầu khí mà họ cho rằng không tham gia nỗ lực vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý tỏ ra e ngại khi một số công ty đã đưa ra những tuyên bố “trắng” hoặc phóng đại về mục tiêu xanh của họ, nhằm giữ chân các nhà đầu tư. Việc này được gọi hành động “tẩy rửa xanh”. Chính phủ các nước như Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đã có những động thái tích cực nhằm loại bỏ hoàn toàn hành vi này, thông qua việc áp dụng các quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với các tuyên bố về mục tiêu xanh.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này dường như có thể gây ra hiệu quả không mong muốn, khi các doanh nghiệp nhận thấy rằng, việc công khai những nỗ lực cải thiện khí hậu là quá rủi ro. Do đó, một số công ty lựa chọn im lặng và không tiết lộ thông tin về các mục tiêu xanh. Trên thực tế, im lặng đang là lựa chọn ngày càng phổ biến và được gọi là “im lặng xanh”.
“Tẩy rửa xanh của doanh nghiệp luôn là một thách thức, nhưng ở thời điểm này, ngay cả những công ty xanh nhất cũng im lặng xanh”, ông John Davis, CEO South Pole, cho biết.
Theo ông Davis, xu hướng “im lặng xanh” phản ánh “sự bình tĩnh trước cơn bão quy định” mà các doanh nghiệp được yêu cầu phải công bố và đưa ra những thảo luận về tác động từ hoạt động kinh doanh của họ đối với môi trường và khí hậu.
Tại Mỹ, số lần đề cập đến các sáng kiến xanh và xã hội của các doanh nghiệp trong các cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh ngày càng sụt giảm trong suốt năm 2023. Điều này cho thấy sự thay đổi so với trước đây, khi giới doanh nghiệp luôn tỏ ra hào hứng về các sáng kiến xanh.
Tại Úc, Uỷ ban quản lý đầu tư và chứng khoán quốc gia (ASIC) đã yêu cầu một số công ty làm rõ những tuyên bố về nỗ lực đạt mục tiêu Net Zero. Đầu năm 2023, ASIC đã phạt Công ty Năng lượng Black Mountain Energy gần 40.000 AUD vì đưa ra những tuyên bố sai sự thật về lượng khí thải nhà kính cho các nhà đầu tư.
Theo Hiệp hội Đầu tư có trách nhiệm Úc-Á (RIAA), các nhà quản lý quỹ ở Úc đã trở nên cẩn trọng hơn trong việc báo cáo các khoản đầu tư. Thị trường đầu tư có trách nhiệm của Úc đã giảm 16% so với năm trước, chỉ còn 1.300 tỉ AUD (855,92 tỉ USD) vào cuối năm 2022, theo dữ liệu của RIAA.
Những tiêu chuẩn cao hơn về báo cáo mục tiêu khí hậu và sự giám sát chặt chẽ từ nhà đầu tư và cơ quan quản lý là nguyên nhân chính khiến các công ty im lặng về các mục tiêu xanh. Các công ty tham gia khảo sát của South Pole hoạt động trong 14 lĩnh vực, bao gồm cả thời trang và tài chính. Theo South Pole, các doanh nghiệp ở các nước châu Âu là những người “im lặng xanh” nhiều nhất.
South Pole cho biết, với nhiều công ty, các quy định nghiêm ngặt chẳng khác gì "lệnh cấm" trong việc đưa ra các tuyên bố về mục tiêu Net Zero, đặc biệt là Pháp, quốc gia đã có quy định mới liên quan đến các tuyên bố về khí hậu. Trong cuộc khảo sát của South Pole, 82% doanh nghiệp ở Pháp cho biết họ ít truyền đạt về mục tiêu Net Zero.
“Các quy định nhằm ngăn chặn tẩy rửa xanh cần phải có sự rõ ràng, xây dựng niềm tin cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp tham gia cuộc chơi. Nếu không, chỉ trong ngắn hạn, niềm tin của doanh nghiệp sẽ yếu đi, gây chậm chạp trong hành động cũng như khiến các công ty đi vào trạng thái chưa sẵn sàng để công bố mục tiêu xanh”, báo cáo South Pole cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
“Bữa ăn 1 xu” của nhân viên văn phòng Nhật
Nguồn WSJ