Thứ Sáu | 02/11/2012 23:25

Nhiều công ty châu Âu bán chi nhánh tại Nam Mỹ để có tiền

Sức mạnh kinh tế của châu Âu đang trong thời gian thử thách khi nhiều nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm do cuộc khủng hoảng nợ công.
Các quốc gia Nam Âu từng có thứ hạng cao như Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha hiện nay có thứ hạng rất thấp. Tín nhiệm của Bồ Đào Nha đã xuống dưới mức đầu tư còn Tây Ban Nha đứng ngay sát ngưỡng. Italia cao hơn một mức dù trước đó đứng dưới Tây Ban Nha, theo đánh giá của Moody's (xem hình).


Do thứ hạng quốc gia bị đánh tụt, nhiều công ty tại những nước này khó khăn hơn trong việc vay vốn và phải trả chi phí cao. Ngược lại với những quốc gia trên, nhiều nước ở Nam Mỹ như Brazil, Colombia và đặc biệt là Chile được nâng bậc tín nhiệm và dòng tiền đổ nhiều tới những quốc gia này.

Khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền tài trợ, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã phải bán tài sản của mình tại các quốc gia khác, đặc biệt là Nam Mỹ, để có kinh phí hoạt động.

Cụ thể, trong tháng 9, công ty xây dựng Impreglio của Italia đã bán 19% cổ phần của công ty điều hành đường giao thông thu phí với giá 765 triệu euro để trả nợ. Hay như nhà điều hành chuỗi siêu thị lớn thứ hai trên thế giới, Carrefour, đã phải bán đi chi nhánh của mình tại Colombia với giá 2,5 tỷ euro để trả nợ vào tài trợ đầu tư.

Trường hợp công ty xây dựng Obrascón Huarte của Tây Ban Nha lại khác khi họ bán lại 10% cổ phần thu phí đường tại Brazil để lấy tiền trang trải hoạt động của công ty con tại đây.

Những quốc gia Nam Mỹ với tín nhiệm tốt cho phép nhiều công ty châu Âu có thể gây quỹ nhờ chi phí vốn rẻ hơn với thời hạn dài hạn. Ví dụ, năm 2005, trái phiếu doanh nghiệp thường được phát hành với kỳ hạn 03 năm nhưng hiện nay có thể dài tới 10 năm với lợi suất thấp hơn khoảng 02 điểm phần trăm.

Tuy nhiên việc phát hành quá nhiều nợ tại những công ty con có thể gây ra rủi ro cho công ty mẹ khi các đơn vị đánh giá tín nhiệm nhiều khả năng đánh tụt hạng công ty mẹ, chuyên gia của S&P cho biết.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện