Khoảng 60% công ty nhỏ vẫn không đủ điều kiện tham gia chính sách này do không có lợi nhuận. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Gia Khánh Thứ Ba | 31/10/2023 11:31

Nhật "vấp ngã" với chính sách giảm thuế để tăng lương

Các công ty Nhật ngày càng ít phản đối tăng lương, đầu năm nay mức tăng lương trung bình đạt 3,58%, cao nhất trong 3 thập kỷ.

Nhật đã đưa ra chính sách khuyến khích thuế nhằm tăng lương cách đây một thập kỷ, nhưng biện pháp này gần như đã thất bại vì khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào cảnh khó khăn và không thể đáp ứng. Theo Nikkei Asia, Thủ tướng Fumio Kishida có dự định mở rộng chương trình cải cách thuế vào năm tài chính 2024.

Kể từ khi được triển khai vào năm tài chính 2013, chương trình này đã giúp giảm thuế doanh nghiệp từ 200 tỉ yen (1,33 tỉ USD) xuống còn 400 tỉ yen mỗi năm, với số lượng người đăng ký thành công lên tới 140.000 vào năm 2021. Ưu đãi này cho phép một công ty được khấu trừ thuế tương đương với phần trăm tăng lương. Tuy nhiên, gánh nặng thuế thấp hơn không dẫn đến mức lương và đầu tư cao hơn.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Lao động, mức tăng lương trung bình hàng năm của nhân viên công ty, không bao gồm những người làm việc bán thời gian và tạm thời khác, vẫn ở mức dưới 1,5% cho đến năm tài chính 2021, năm gần nhất có dữ liệu. Ngoại lệ duy nhất là vài năm sau khi biện pháp này được áp dụng, tiền lương tăng mạnh nhờ chương trình phục hồi Abenomics do cố Thủ tướng Shinzo Abe, thực hiện.

Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đều thừa nhận biện pháp thuế chưa mang lại nhiều kết quả rõ ràng. Nhiều chuyên gia nêu ra 2 lý do dẫn đến sự thất bại. Một là hình thức miễn giảm thuế: Ưu đãi được đưa ra dưới dạng tín dụng thuế, chỉ dành cho các công ty có lợi nhuận.

Trong năm tài chính 2021, 61,9% công ty nhỏ hơn - có vốn từ 100 triệu yen trở xuống - đã không nộp thuế do không có lãi, trong khi tỉ lệ này chỉ là 25,8% ở các công ty lớn hơn. Các lợi ích về thuế sẽ không bao giờ dẫn đến việc tăng lương tổng thể trừ khi chúng đến được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 99% tổng số công ty ở Nhật.

Tỉ lệ các công ty lớn và nhỏ không nộp thuế vì làm ăn thua lỗ tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.
Tỉ lệ các công ty lớn và nhỏ không nộp thuế vì làm ăn thua lỗ tại Nhật. Ảnh: Nikkei Asia.

Như một giải pháp, Bộ Thương mại đã đề xuất cho phép các công ty nhỏ hơn được chuyển các lợi ích về thuế đến thời điểm họ có lãi. Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của nó, cho rằng một số doanh nghiệp nhỏ hơn cố tình duy trì tình trạng báo động đỏ để tránh thuế.

Lý do thứ 2 là khoảng thời gian được giảm thuế tương đối ngắn. Chương trình hiện tại được gia hạn khoảng 2 năm một lần, nhưng Bộ thương mại muốn kéo dài lên 6 năm.

Bộ tài chính phản đối ý tưởng này và cho rằng các chương trình thuế đặc biệt chỉ có hiệu quả nếu được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, Bộ Thương mại cho rằng thời gian ngắn hơn khiến các công ty gặp khó khăn trong việc kết hợp các lợi ích về thuế vào các chiến lược trung và dài hạn. Các chương trình thuế đặc biệt thường kéo dài từ 2-3 năm, hơn 5 năm là điều không bình thường ở Nhật.

Thúc đẩy sự quan tâm đến việc mở rộng ưu đãi thuế là sự phổ biến ngày càng tăng của "quản lý vốn con người", coi nhân viên là vốn và giáo dục và đào tạo của họ là đầu tư để tăng năng suất.

Đầu tư của doanh nghiệp vào nguồn vốn con người so với GDP (%). Ảnh: Nikkei Asia.
Đầu tư của doanh nghiệp vào nguồn vốn con người so với GDP (%). Ảnh: Nikkei Asia.

Ưu đãi thuế hiện tại mang lại nhiều lợi ích hơn khi một công ty chi nhiều hơn cho đào tạo nghề, nhưng Nhật vẫn tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác về đầu tư vốn nhân lực. Chi tiêu cho giáo dục nhân viên, không bao gồm các chương trình tại chỗ, bằng 0,1% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia từ năm 2010-2014, so với 2% ở Mỹ, 1,8% ở Pháp và chỉ hơn 1% ở Anh và Đức.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các công ty Nhật ngày càng ít phản đối việc tăng lương. Theo một cuộc khảo sát của Rengo, liên đoàn lao động lớn nhất Nhật, đầu năm nay, các công ty đã đồng ý tăng lương trung bình 3,58%, mức tăng cao nhất trong 3 thập kỷ. Chính phủ hy vọng sẽ thúc đẩy xu hướng này, nhưng vẫn chưa rõ ưu đãi thuế có thể góp phần tăng lương cho người lao động đến mức nào.

Để phát triển các chương trình thuế tốt hơn nhằm thúc đẩy tiền lương và đầu tư, các nhà hoạch định chính sách Nhật cần có quyền tiếp cận nhiều hơn với thông tin thuế.

Có thể bạn quan tâm:

 Nike "hụt hơi" trong cuộc đua đổi mới

Nguồn Nikkei Asia