Hiện nay, có một sự chênh lệch lớn về mức lương giữa nhân viên thường xuyên và không thường xuyên ở Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Tư | 31/01/2024 14:44

Nhật và tình trạng thiếu lao động nhưng vẫn khó tìm việc

Doanh nghiệp Nhật phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, thế nhưng lao động không thường xuyên vẫn gặp khó khi muốn thuyên chuyển lên làm toàn thời gian.

Ngay cả khi tình trạng thiếu lao động ở Nhật ngày càng trầm trọng, nhiều lao động theo hợp đồng hoặc thời vụ vẫn đang phải vật lộn để tìm việc làm toàn thời gian.

Vào năm 2022, chỉ 7,4% người lao động không thường xuyên những người được các cơ quan nhân sự cử đến hoặc được thuê theo hợp đồng ngắn hạn có được các vị trí việc làm toàn thời gian. Khoảng cách lớn giữa mức lương của nhân viên thường trực và nhân viên hợp đồng cũng đã góp phần làm giảm mức lương chung trên cả nước.

Một nhân viên bán thời gian 32 tuổi ở quận Saitama, phía Bắc Tokyo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn xin việc, công ty tuyển dụng đã đưa ra mức lương thấp hơn cô đề xuất, cô nói: “Một nhân sự tuyển dụng đã nói với tôi rằng có giảm mức lương khởi điểm được không vì cô đang làm công việc bán thời gian?".

Làm việc tại văn phòng tư vấn lao động và bảo hiểm xã hội, cô bắt đầu tìm kiếm một công việc toàn thời gian để trang trải chi phí học tập cho con mình. Cô nộp đơn vào gần 20 công ty trước khi nhận được lời đề nghị tạm thời từ một văn phòng tư vấn khác. Người chủ mới đề nghị mức lương hàng tháng là 180.000 yen (1.200 USD), tăng 70.000 yen so với công việc hiện tại và tiền thưởng theo mùa.

Cô nói: “Rào cản để một người lao động không thường xuyên tìm được một công việc toàn thời gian vẫn còn cao".

 

Nhiều người lao động bán thời gian và thời vụ mong muốn tìm việc làm toàn thời gian, nhưng chỉ có 7,4% đạt được mục tiêu đó vào năm 2022, theo khảo sát của Recruit Works Institute. Con số này hầu như không thay đổi kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2016.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, số lượng lao động không thường xuyên ở Nhật đạt tổng cộng 21,01 triệu người vào năm 2022, tăng 260.000 người so với năm trước. Số lượng nhân viên chỉ tăng 10.000 người, đẩy tỉ lệ người lao động không thường xuyên trong lực lượng lao động lên 36,9%, cao hơn 3,2 điểm phần trăm so với năm 2009, khi nhiều người lao động ngắn hạn bị sa thải sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Doanh nghiệp Nhật vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Teikoku Databank, 52% công ty, con số cao thứ 2 từ trước đến nay, báo cáo tình trạng thiếu nhân viên thường xuyên. Cơ quan việc làm En Japan cho biết, số lượng nhân viên chính thức chuyển đổi công việc thông qua các dịch vụ web của họ đã tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm tính đến năm 2022.

Chính phủ đã đưa ra một chương trình trợ cấp trong năm tài chính 2013 để khuyến khích các công ty trao quyền làm việc toàn thời gian cho nhân viên không thường xuyên của họ. Trong năm tài chính 2023, chính phủ đã cung cấp khoản trợ cấp tương tự, trị giá 570.000 yen cho mỗi lần thay đổi vị trí công việc cho nhân viên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và 420.000 yen đối với các công ty lớn. Cho đến cuối năm tài chính 2022, các khoản trợ cấp đã giúp 780.000 công nhân có được vị trí việc làm toàn thời gian.

Việc sửa đổi luật về hợp đồng lao động cũng giúp ích bằng cách yêu cầu các công ty chuyển đổi nhân viên không thường xuyên thành nhân viên chính thức nếu họ đã làm việc ở đó ít nhất 5 năm liên tiếp, mặc dù tác động của nó còn hạn chế.

Tỉ lệ lao động thời vụ hoặc theo thời vụ đã tăng cao tại Nhật Bản (triệu người). Ảnh: Nikkei Asia.
Tỉ lệ lao động thời vụ hoặc theo thời vụ đã tăng cao tại Nhật (triệu người). Ảnh: Nikkei Asia.

Hiện nay, có một sự chênh lệch lớn về mức lương giữa nhân viên thường xuyên và không thường xuyên ở Nhật. Theo khảo sát của Bộ Lao động và Eurostat, văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu, mức lương trung bình mỗi giờ của nhân viên không thường xuyên hoặc có thời hạn cố định chỉ bằng 65% mức lương của người lao động cố định trong những năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức 85% ở Anh và 74% ở Đức. Sự chênh lệch lớn hơn đã làm giảm mức lương nói chung của Nhật xuống mức thấp nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến.

Tiền lương đã bắt đầu tăng ở Nhật, nhưng chính phủ cần thực thi việc trả lương ngang nhau cho những công việc như nhau. Nếu không thì mức lương tổng thể cao hơn vẫn sẽ không thu hẹp khoảng cách thu nhập, góp phần làm trầm trọng thêm sự chênh lệch xã hội. Bên cạnh đó, còn có một yếu tố cần được ưu tiên đẩy mạnh đó là khu vực công và tư nhân phải hợp tác phát triển các chương trình đào tạo nghề để giúp người lao động không thường xuyên theo kịp các xu hướng kinh doanh và công nghệ mới nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Nikkei Asia