Trên toàn cầu, mức độ đắt đỏ của Nhật Bản chỉ xếp sau Vương quốc Anh. Ảnh: CNBC.
Nhật là nơi đắt đỏ nhất châu Á với lao động nước ngoài
Một báo cáo gần đây được công bố cho thấy Nhật là điểm đến mà các doanh nghiệp phải chi trả chi phí đắt đỏ nhất khu vực châu Á khi gửi nhân viên của mình đến sống và làm việc tại đây. Khảo sát “MyExpatriate Market Pay” do công ty dữ liệu ECA International công bố, một công ty tuyển dụng cần bỏ ra số tiền 370.183 USD/năm để một nhân viên sinh sống và làm việc tại Nhật. Đây là mức chi phí cao nhất tại châu Á.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 12% so với năm 2022 do đồng yen Nhật suy yếu. Do đó khi tính bằng đồng USD, chi phí lương, phúc lợi và thuế đều ở mức giảm 2 con số.
Đồng yen Nhật suy yếu dẫn đến mức lương của người lao động nước ngoài ở Nhật khi quy đổi sang đồng USD giảm với tốc độ 2 con số. Nhưng theo báo cáo của ECA International, mức giảm này vẫn chưa đủ sức để “đẩy” Nhật ra khỏi vị trí quốc gia đắt đỏ nhất châu Á đối với lao động nước ngoài được chỉ định sang nước này làm việc. Nếu xét trên phạm vi toàn cầu, Nhật chỉ xếp sau Vương quốc Anh về độ đắt đỏ.
Tham gia cuộc khảo sát của ECA có hơn 340 công ty và hơn 10.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Các yếu tố như tiền lương, chế độ nhà ở, điện nước, thuế,… được ECA đưa vào cuộc khảo sát để làm căn cứ đánh giá cũng như cho các công ty một bảng phân tích chi tiết về mức độ đắt đỏ của một quốc gia khi người lao động đến đó làm việc.
So với năm 2021, tiền lương của những lao động nước ngoài ở các quốc gia châu Á tăng 7% trong năm 2022 khi tính bằng đồng tiền nội tệ. Chỉ có 3 quốc gia Lào, Trung Quốc và Hồng Kông cho thấy sự sụt giảm khi tính bằng đồng tiền nội tệ, theo báo cáo.
“Một số doanh nghiệp trả thêm một khoản trợ cấp chi phí sinh hoạt cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài để các nhân viên có thể đảm bảo khả năng chi tiêu của mình. Vào năm 2022, một số quốc gia ở khu vực châu Á đã chứng kiến tỉ lệ lạm phát tương đối cao, và buộc các công ty phải tăng khoản trợ cấp lên”, ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International, cho biết.
Theo báo cáo, năm 2022 chi phí sinh hoạt ở Singapore tăng cao đã đẩy các phúc lợi và tiền lương của người lao động nước ngoài tại quốc gia này tăng 4% so với năm 2021.
“Giá thuê nhà của người nước ngoài ở Singapore tăng mạnh, thậm chí người dân địa phương cũng cảm nhận rõ điều này. Khi tính bằng đồng USD, có thể thấy mức tăng 9% trong tiền lương của lao động ngoại quốc ở quốc đảo sư tử”, ông Quane nói.
Với mức thù lao bình cho lao động nước ngoài là 258.762 USD, Singapore xếp thứ 16 phạm vi toàn cầu và đứng thứ 7 ở khu vực châu Á. Trên toàn cầu, Vương quốc Anh là quốc gia đắt đỏ nhất đối người lao động ngoại quốc với 441.608 USD trong năm 2022.
Đồng USD tăng giá mạnh cũng đưa Mỹ tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng này, bước vào Top 10 quốc gia toàn cầu. Được biết, mức thù lao bình quân của lao động nước ngoài làm việc ở Mỹ là 272.770 USD trong năm 2022, tăng 6% so với năm 2021.
Trong khi chi phí sinh hoạt trên toàn cầu vẫn ở xu hướng gia tăng, ông Quane đánh giá các doanh nghiệp nên tiếp tục tăng khoản trợ cấp cho các nhân viên được chỉ định làm việc ở nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm:
Bất động sản thương mại châu Âu: "Thay đổi hoặc chết"
Nguồn CNBC