Ảnh: Nikkei Asian Review
Nhật ký cuộc sống tại Bắc Kinh khi dịch virus corona bùng phát
Những thị trấn ma đáng sợ thường thường là “xương sống” cho các cuốn truyện tranh mà tác giả đọc khi lớn lên ở Nhật Bản. Không chỉ có trong truyện tranh, những thị trấn ma đang dần trở thành sự thật ở khu vực thành thị Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô thường rất nhộn nhịp – Bắc Kinh.
Những con đường vắng tanh dưới những tòa nhà chọc trời cao vút của Bắc Kinh. Hầu như không có ai đi tàu điện ngầm và xe buýt. Ngay cả khi các doanh nghiệp khởi động lại hoạt động vào ngày thứ Hai (10/02) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, rất ít người vào và rời khỏi các tòa nhà trong khu thương mại trung tâm Guomao.
Giới lãnh daTrung Quốc đang quyết tâm bảo vệ Bắc Kinh khỏi dịch bệnh. Họ dừng tất cả các dịch vụ xe buýt đường dài nối thành phố với phần còn lại của đất nước. Tất cả các tour du lịch nhóm, trong nước và nước ngoài, đã bị hủy bỏ. Cứ như thể một bức tường vô hình đã được dựng lên xung quanh thành phố, hạn chế sự di chuyển của mọi người và hy vọng sẽ loại bỏ hoàn toàn virus corona chủng mới – có tên khoa học là 2019-nCoV.
“Tôi đã nói với nhân viên của chúng tôi làm việc tại nhà trong tuần này", một nhân viên cấp cao tại một công ty liên kết với Nhật Bản trong khu vực chia sẻ. Chính quyền Bắc Kinh đã khuyến nghị các công ty chỉ thị nhân viên của họ làm việc tại nhà.
Lưu lượng người trên tàu điện ngầm trong ngày thứ Hai (10/02) còn thấp hơn ngày Chủ nhật (09/02). "Mọi người đều cảm thấy rằng tình hình còn tồi tệ hơn trong đại dịch SARS", một phụ nữ ở độ tuổi 60 nói, đề cập đên sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nặng vào năm 2003. "Không ai muốn ra ngoài vì sợ nhiễm virus".
Tính đến ngày Chủ nhật (09/02), đã có 337 trường hợp nhiễm virus corona và 2 trường hợp tử vong ở Bắc Kinh. Tình hình không nghiêm trọng như ở Vũ Hán, nơi con số cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, 20 triệu cư dân Bắc Kinh chủ yếu đều ở nhà.
Đi dạo trên những con đường vắng vẻ, tác giả bắt gặp vô số máy quay giám sát, dường như còn nhiều hơn số người. Thỉnh thoảng, các camera phát hiện thứ gì đó và ánh đèn bỗng nhấp nháy một cách lạ kỳ.
Khi Chính phủ tuyên bố đóng cửa khẩu vào thành phố Vũ Hán trong ngày 23/01, người Bắc Kinh vẫn coi đó là một sự kiện xa vời.
Một số điểm du lịch nổi tiếng như Bảo tàng Cung điện Quốc gia và Vạn Lý Trường Thành đã bị đóng cửa, nhưng các trung tâm mua sắm chật kín những đám đông thường thấy trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu vào ngày 24/01.
Không khí lễ hội dừng lại đột ngột vào ngày đầu năm mới, ngày 25/01. Khi tác giả cố gắng vào ga tàu điện ngầm tối hôm đó, ông bị hai nhân viên mặc đồ bảo hộ màu trắng chặn lại. Khi hỏi liệu có người nhiễm bệnh trong nhà ga không, họ trả lời rằng họ đang kiểm tra thân nhiệt của tất cả hành khách để đảm bảo an toàn.
Vào thời điểm đó, chính quyền đã lắp đặt màn hình giám sát thân nhiệt tại các địa điểm đông người quanh Bắc Kinh. Những người bị sốt từ 37,3 độ C trở lên đã bị từ chối cho vào và được chỉ định tìm cách điều trị tại bệnh viện.
Khi về nhà, tác giả phải đi qua máy quét nhiệt một lần nữa trước khi có thể vào tòa nhà. Nếu ai đó bị sốt khi ra ngoài, họ sẽ không được phép vào nhà. Người đó sẽ được đưa thẳng đến bệnh viện và cách ly.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi một "cuộc chiến tranh của nhân dân" (people’s war), một cuộc chiến sẽ huy động tất cả người dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại virus corona. Sau khi lời của cấp trên truyền xuống, mọi thứ diễn ra nhanh chóng ở Trung Quốc: Trung Quốc dừng hoàn toàn các dịch vụ xe buýt đường dài nối Bắc Kinh với phần còn lại của đất nước; tất cả các tour du lịch nhóm, trong nước và nước ngoài, đã bị hủy bỏ.
Ý tưởng ở đây là để kiểm soát hoàn toàn dòng di chuyển của người dân, ngăn chặn sự lây lan của virus corona trên cả nước. Trung Quốc cũng đang cố gắng “dựng rào” xoay quanh để bảo vệ Bắc Kinh, trung tâm đầu não của đất nước.
Các rào cản được dựng lên khắp thành phố |
Tác động của các biện pháp này thể hiện rõ vào ngày hôm sau, ngày 26/01. Lưu lượng người đi bộ giảm mạnh. Rào chắn được dựng lên ở nơi này, nơi kia cùng với các thông báo: "Cấm đi vào để ngăn ngừa lây nhiễm", khiến mọi người không thể đi qua. Rào chắn được dựng lên tại các lối vào của khu nhà ở và quận thành phố. Vỉa hè tác giả thường đi gần như mỗi ngày đã bị chặn.
Theo đơn đặt hàng từ chính quyền, siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn mở. Không có dấu hiệu thiếu lương thực, và Chính phủ đã nhiều lần hứa sẽ "đảm bảo việc cung cấp rau và thịt".
Nhưng nhiều cửa hàng có hai thông báo được dán tại lối vào. Một thông báo có đoạn: "Hãy đeo khẩu trang khi vào cửa hàng, vì sự an toàn của bạn và của người khác." Thông báo còn lại có đoạn: "khẩu trang và sản phẩm khử trùng đã hết hàng."
Người không đeo khẩu trang không được phép vào. Nhưng khi khẩu trang đã hết hàng, vậy thì những người không có khẩu trang mua đồ dùng thiết yếu bằng cách nào đây.
Sự bùng phát của virus corona tác động tích cực cho các dịch vụ giao hàng tận nhà của Trung Quốc, những công ty rất tự hào về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Nhưng mặc dù nhận được quá nhiều đơn đặt hàng, nhưng lại có quá ít người để giao hàng. Người dân nói rằng họ thường đặt hàng ở một nơi rất xa nhà của họ để hạn chế rủi ro nhiễm virus từ người giao hàng.
Bản đồ những địa điểm đã xuất hiện trường hợp nhiễm virus corona tại Trung Quốc. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, bắt đầu yêu cầu những nhà ngoại giao ra khỏi Trung Quốc. Tác giả nhận thấy mỗi ngày đều có người nước ngoài rời khỏi khu chung cư mang theo một vali chứa rất nhiều đồ.
Mỗi ngày, các cơ quan đô thị công bố một danh sách địa điểm đã xuất hiện những trường hợp bị nhiễm virus corona. Ngày càng nhiều chấm đỏ xuất hiện ở các địa điểm mới.
Trong khi đó, lời đồn thổi xuất hiện ngày càng nhiều. Thông tin về khu vực này hoặc khu vực kia bị đóng cửa – cho dù có đúng hay không – nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Một số câu chuyện về người bị nhiễm bệnh được tìm thấy tại các cơ quan chính quyền trung ương.
Khi dịch bênh này chưa có dấu hiệu chấm dứt, nỗi sợ đang bóp nghẹt cả thành phố.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Tetsushi Takahashi, trưởng đại diện của Nikkei Asian Review ở Trung Quốc.
Nguồn Nikkei Asian Review